Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

'Không tích nước hồ chứa thủy điện, động đất vẫn xảy ra'

Sau hai ngày khảo sát nghiên cứu ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, các nhà  khoa học  đưa ra nhận định dù Chính phủ chưa cho phép tích nước hồ chứa nhưng các đới đứt gãy đã liên thông với hồ nên động đất vẫn xảy ra.

PGS-TS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu cho biết, sau hai ngày khảo sát nhiều vị trí ở công trình thủy điện Sông Tranh 2, đoàn công tác đã xác định trận động đất 4,7 độ richter vào chiều 15/11 có độ sâu chấn tiêu 6 km, tâm chấn ở vùng lòng hồ cách tuyến đập Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) khoảng 3,5 km về phía thượng lưu.

PGS-TS Cao Đình Triều (giữa, áo đen) cùng các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu thu thập thông tin người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) về trận động đất 4,7 độ richter.Ảnh: Trí Tín

Qua thu thập thông tin, người dân ghi nhận lúc xảy ra động đất 4,7 độ richter, mặt hồ gợn sóng lăn tăn, sủi bọt, một số loài cá phóng lên trên mặt nước. Đặc biệt, các chuyên gia phát hiện các đới đứt gãy đã liên thông với hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.

"Nước thẩm thấu qua đới đứt gãy đang hoạt động mạnh, làm cho nền đất đá yếu đi tạo nên chuỗi động đất sớm hơn. Dù Chính phủ chưa cho phép tích nước nhưng lượng nước trong hồ cũng đủ thẩm thấu qua đới đứt gãy gây ra động đất ở khu vực này thời gian tới", PGS-TS Triều nhấn mạnh.

Theo TS Lê Tử Sơn (Chuyên gia Viện Vật lý địa cầu), đới đứt gãy ở vùng Bắc Trà My trong trạng thái ứng suất tới hạn (hoạt động mạnh). Sau đó lại có sự tác động từ hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nên động đất xảy ra sớm, tần suất dày hơn.

Phía thượng lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 nhìn từ trên cao.Ảnh: Trí Tín

Gần một tháng xây dựng, đến chiều nay các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 5 trạm quan trắc động đất ở tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 và những khu vực lân cận. Viện này cũng đang hợp tác với Viện Vật lý địa cầu Ba Lan tiếp tục lắp đặt thêm 5 trạm quan trắc động đất và phối hợp với các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Nhật Bản, Ba Lan, Ấn Độ để đánh giá tổng thể động đất tại công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Theo TS Sơn, trong tháng qua, trạm quan trắc động đất đầu tiên đưa vào hoạt động ở thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận "vài chục trận động đất có cường độ từ 3 độ richter trở lên" và "vài trăm trận động đất nhỏ hơn 3 độ richter".

Liên quan đến nhiều mối nghi ngờ về trận động đất 4,7 độ richter, PGS - TS Phạm Hữu Si, chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cho rằng máy đo gia tốc nền ở thân đập thủy điện Sông Tranh 2 cho kết quả rung chấn là 268 cm/s2, tương đương với động đất 6,5 độ richter, gây rung động cấp 9.

Lo sợ động đất, nhiều hộ dân ở huyện Bắc Trà My đã treo biển bán nhà, đất ở về quê ở các huyện đồng bằng.Ảnh: Trí Tín

"Lẽ ra trận động đất lớn đến 6,5 độ richter đã gây sập nhà cửa thế nhưng ở khu vực này vẫn chưa có biểu hiện gì khác. Nền đất ở khu vực đặt thân đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn", PGS - TS Si ngạc nhiên.

Lý giải về sự "hiểu nhầm" này, TS Sơn giải thích, có thể do Ban quản lý dự án thủy điện 3 (đơn vị quản lý trực tiếp thủy điện Sông Tranh 2) đã đặt máy đo gia tốc nền ở đỉnh đập nên rung chấn mới lên đến 268 cm/s2, tương đương rung động cấp 9.(Máy đo gia tốc nền đặt tại công trình ở vị trí càng cao thì khi xảy ra động đất mức rung động càng lớn). Con số này có ý nghĩa về vấn đề thiết kế, kết cấu công trình.

Để biết kết quả chính xác các trận động đất, về nguyên tắc cần phải dựa vào số liệu của máy đo gia tốc đặt ở bên dưới nền móng công trình. "Một lần nữa chúng tôi khẳng định trận động đất xảy ra chiều 15/11 là 4,7 độ richter, thang rung động là cấp 7 chứ không phải cấp 9 như một số người băn khoăn", TS Sơn nhận định.

Trí Tín


Xem thêm: làm sao để chọn được iphone  xịn

Nguồn: vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét