Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Khẩn trương lắp đặt, hoàn chỉnh các trạm quan trắc

QĐND - Vào lúc 14 giờ 24 phút ngày 15-11, khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra trận động đất lớn nhất từ trước đến nay. Theo thông báo của Viện Vật lý Địa cầu, trận động đất có cường độ 4,7 độ rích-te. Ngày hôm qua (16-11), Đoàn công tác liên ngành do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã trực tiếp đến kiểm tra thân đập Thủy điện Sông Tranh 2, làm việc với lãnh đạo địa phương và kết luận chưa cho tích nước.

QĐND -Vào lúc 14 giờ 24 phút ngày 15-11, khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra trận động đất lớn nhất từ trước đến nay. Theo thông báo của Viện Vật lý Địa cầu, trận động đất có cường độ 4,7 độ rích-te. Ngày hôm qua (16-11), Đoàn công tác liên ngành do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã trực tiếp đến kiểm tra thân đập Thủy điện Sông Tranh 2, làm việc với lãnh đạo địa phương và kết luận chưa cho tích nước.

Động đất vẫn diễn ra bất chấp kết luận gần đây của Đoàn công tác thuộc Liên hiệp Các hội  khoa học  và Kỹ thuật Việt Nam rằng: Động đất kích thích ở Thủy điện Sông Tranh 2 giai đoạn tiền chấn đã kết thúc với trận động đất chính (mạnh nhất là 4,6 độ rích-te vào đêm 22-10). Sau thời điểm đó, bắt đầu chuyển sang giai đoạn dư chấn, động đất sẽ còn xảy ra nhưng sẽ nhỏ hơn trận động đất chính và không đáng lo ngại.

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vào sáng 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định về tình hình và sự an toàn của đập Thủy điện Sông Tranh 2 như sau: “Bà con yên tâm ở đó, không phải di chuyển đi đâu”.

Một nhà dân ở Bắc Trà My nứt nẻ sau trận động đất.

Thực tế trận động đất vào chiều 15-11 đã khiến người dân Bắc Trà My tiếp tục lo lắng. Từ ngày động đất xảy ra, hàng chục đoàn chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo tỉnh, Trung ương và các bộ, ngành liên quan đều đến Bắc Trà My kiểm tra, khảo sát động viên nhân dân. Nhưng rồi động đất vẫn cứ tiếp diễn...

Trước cảnh nhà bị những vết nứt dọc, ngang, bà Hồ Thị Thổ (thôn 3A, xã Trà Đốc) nói: “Các chú bộ đội vừa giúp gia đình tôi sửa sang nhà cửa sau đợt động đất trước, thì nay lại bị, chẳng biết bao giờ hết lo!”.

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My nói: “Nếu ai đã chứng kiến giây phút động đất, đồ dùng, vật dụng rơi loảng xoảng, nhà cửa nứt nẻ thì mới thêm hiểu dân, thương dân...!”.

Ngày 16-11, Đoàn công tác liên ngành do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước làm trưởng đoàn, đã trực tiếp đến kiểm tra thân đập thủy điện Sông Tranh 2 và làm việc với lãnh đạo địa phương, cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào buổi chiều cùng ngày, đại diện Ban quản lý Dự án thủy điện 3 đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình sau trận động đất ngày 15-11 đập vẫn an toàn, các tổ máy vẫn hoạt động bình thường.

Các chuyên gia về thủy lợi, đập, địa chấn, kháng chấn... của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng đều khẳng định, hiện tại số đo về dao động của các khe nhiệt không có gì bất thường; thân đập bình thường. Song cần có thời gian để triển khai và thực hiện một số khâu kỹ thuật nhất định, mới có thể khẳng định một cách chắc chắn và toàn diện về đập Thủy điện Sông Tranh 2.

Đoàn công tác liên ngành do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu kiểm tra Thủy điện Sông Tranh 2.

Với cương vị là lãnh đạo tỉnh - người trực tiếp nhiều ngày “bám dân”, ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu vấn đề, trước thực trạng động đất liên tục xảy ra, lãnh đạo tỉnh đã chủ động hướng dẫn, tập huấn cho người dân cách phòng, tránh động đất và nắm tình hình thực tế của đập qua những thông số đã được xác định. Địa phương cũng đã phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp đặt các trạm quan trắc động đất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng với chính quyền địa phương rà soát để có phương án hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân vùng động đất. Điều lãnh đạo tỉnh hiện nay băn khoăn, trăn trở là liệu đập có thực sự an toàn?

Trong điều kiện cường độ động đất ngày càng tăng, đề nghị các nhà khoa học cần dự báo chính xác mức độ động đất kiến tạo, kích thích, đồng thời hướng dẫn cho nhân dân vùng động đất cách phòng, tránh hữu hiệu nhất.

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (đại diện đơn vị làm chủ đầu tư) cho biết, sau khi sự cố thấm nước tại Thủy điện Sông Tranh 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thuê các nhà thầu nước ngoài khảo sát và chống thấm. Đến nay, phần chống thấm cơ bản hoàn thành. Theo thông số đo ngày 15-11, lượng nước thấm qua thân đập chỉ còn 2,77 lít/giây. Hiện EVN đang chỉ đạo lắp đặt thêm 2 máy đo gia tốc nền tại 2 vai đập để có thể đo đếm thông số chính xác hơn. EVN đang phối hợp với địa phương bố trí đất cho những hộ dân trong vùng bị thiệt hại do động đất dẫn tới tình trạng thiếu đất sản xuất

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nỗi lo lắng của chính quyền và nhân dân huyện Bắc Trà My nói riêng, các địa phương lân cận nói chung hoàn toàn chính đáng. Chính phủ đã chỉ đạo, trước mắt không tích nước Thủy điện Sông Tranh 2. Tính mạng và sự an toàn của người dân là trên hết. Thời gian tới, các ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ. Các đơn vị liên quan chủ động, nghiêm túc trong việc giúp đỡ nhân dân khắc phục thiệt hại do sự cố Thủy điện Sông Tranh 2 gây nên. Các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu kỹ về động đất; khẩn trương lắp đặt, hoàn chỉnh các trạm quan trắc. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị Viện Vật lý địa cầu sớm mời chuyên gia nước ngoài đến đánh giá độ an toàn của đập. Bộ Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân khắc phục hậu quả hư hại nhà cửa, tài sản và giải quyết những vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, vận động và giải đáp những thắc mắc, bức xúc của người dân liên quan đến động đất. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đã đề nghị Bộ Công Thương quản lý chặt chẽ các công trình theo quy định được giao và mong muốn địa phương thường xuyên kiểm tra, phối hợp xử lý kịp thời những tình huống đột xuất; phối hợp với phía chủ đầu tư điều tiết nước phục vụ nông nghiệp. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần kịp thời thông tin chính xác, khách quan.

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG


Xem thêm: làm sao để chọn được iphone  xịn

Nguồn: www.qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét