Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Nứt nhà điều hành, nghi ngờ các thông số đo được ở đập TĐ Sông Tranh 2

Sáng 16.11, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và các viện, ngành trung ương đã có mặt ở chân đập thủy điện Sông Tranh 2 để xem xét tác động của trận động đất 4,7 độ richter xảy ra lúc 14h24' ngày 15.11.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (bìa trái) trao đổi với những người có trách nhiệm ngay trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2.

Theo báo cáo mới nhất của huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), có tổng cộng 856 nhà dân và tám công trình công cộng bị hư hỏng qua các trận động đất. Riêng trận động đất mới đây chưa thể thống kê thiệt hại, chỉ biết có nhiều vết nứt mới.

Nứt nhà điều hành trên thân đập

Lần đầu tiên, một vết nứt rõ ràng nhất hiện diện ngay khu vực nhà điều hành nằm trên thân đập Sông Tranh 2.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, ít nhất có đến sáu vết nứt xẻ dọc theo tường nhà chạy từ dưới lên trên, có vết dài hơn 1m. Tất cả các vết nứt đều rất mới và xẻ theo phương thẳng đứng. Việc xuất hiện những vết nứt ngay nhà điều hành đặt phía trên đỉnh đập khiến không ít người hoài nghi: Liệu bản thân đập có còn chắc chắn hay không?

Ông Nguyễn Văn Nhật (có nhà ngay dưới chân đập) khi đi ngang đây đã lắc đầu lo lắng: “Nhà của công trình xây chắc chắn cỡ đó còn nứt, huống gì nhà dân. Chẳng biết bên trong đập có hề chi không?”.

Ở phía dưới đập, nhà ông Nhật cũng bị nứt trong trận động đất dữ dội hôm 15.11. Tại trụ sở UBND huyện Bắc Trà My- công trình thuộc diện kiên cố nhất trong khu vực- đang bị nứt nghiêm trọng ở phần kết cấu giữa dầm và sàn, nhiều mảng tường bị xé ngang dọc.

Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - thở dài: “Bây giờ khó có thể tìm căn nhà nào tại huyện này còn nguyên vẹn. Tài sản, nhà cửa hư hại đã đành, tinh thần người dân cũng tả tơi”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu còn cho hay, 48.000 hộ dân thuộc 5 huyện của Quảng Nam đang lo lắng về động đất. Hư hỏng nhà cửa, tính mạng người dân đang là mối quan tâm lớn nhất lúc này.

Không có máy đo gia tốc nền dưới đáy đập

Giống như những lần phát biểu trước đây, sau mỗi trận động đất, Trưởng ban Quản lý dự án thủy điện 3 Trần Văn Hải đều khẳng định rằng đập vẫn an toàn. Điều đáng nói, ông Hải không nêu các thông số mà các máy đo gia tốc lắp đặt trên thân đập đã ghi nhận được.

Phát biểu tại cuộc làm việc, PGS-TS Phạm Hữu Sy (Hội đồng Nghiệm thu nhà nước) cho biết, các số đo của khe nhiệt sau động đất không có gì khác thường. Tuy nhiên, có sự mâu thuẫn giữa các số liệu đo của máy gia tốc. “Gia tốc nền đo được ở trận động đất vừa qua là 286cm/s2 thì phải tương đương 6,5 độ richter, rõ ràng rất lớn. Nếu đo theo thang MSK - 64 có nghĩa là động đất ở cấp 9. Mà cấp 9 thì bề mặt đất biến dạng, nhà cửa sụp đổ ghê gớm. Rõ ràng thông số 286cm/s2 có vấn đề” - TS Sy nói.

Theo TS Lê Tự Sơn (Viện Vật lý địa cầu): Trận động đất ngày 15.11 xảy ra ngay trong lòng hồ. Cụ thể, khoảng cách giữa chấn tâm đến đập ngắn hơn nên gia tốc nền đo được trên mặt đập có thông số cao hơn trước. “Các cấp của động đất tùy thuộc các máy đo gia tốc đặt ở đâu và ghi nhận như thế nào. Chấn động vừa rồi đúng ra là cấp 7 (theo thang MSK-64)” - TS Sơn nói.

Ông Sơn thông tin thêm rằng, các chuyên gia động đất của Nga đã đến làm việc tại đập Sông Tranh 2, họ vừa về và sẽ có kết quả trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi bên lề cuộc làm việc, TS Cao Đình Triều (Viện Vật lý địa cầu) cho rằng: “Thông số 286cm/s2 (gia tốc nền) đo được ở trận động đất vừa qua được lấy ở máy đo gia tốc đặt ở đỉnh đập chứ không phải ở đáy đập. Cái thông số gia tốc nền mà chúng tôi cần là dưới đáy đập thì hiện tại không lấy được vì không có máy đo”.

Không yên tâm

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải, có quá nhiều ý kiến khác nhau của các nhà  khoa học  nên người dân và chính quyền chưa thật sự yên tâm. “Đoàn đại biểu Quốc hội không thể yên tâm ngồi họp, tôi phải về để bàn công tác an dân, an toàn ngay lúc này. Không riêng Trà My, Quảng Nam mà Đà Nẵng, Quảng Ngãi và người dân cả nước đều đang lo lắng cho công trình này” - ông Hải nói.

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan có liên quan phải cùng người dân địa phương khắc phục hậu quả. Chủ đầu tư cùng Viện Vật lý địa cầu lắp các  thiết bị  quan trắc- nhất là các máy đo gia tốc nền đặt bên dưới chân đập. Viện Vật lý địa cầu mời các chuyên gia nước ngoài (Nga, Ấn Độ, Nhật Bản...) có kinh nghiệm sớm vào cuộc.

Về vấn đề tích nước và an toàn đập, ông Dũng nhấn mạnh: “Dù các đơn vị cho rằng đập vẫn an toàn, nhưng chúng ta vẫn chưa có ý định tích nước. Trong tương lai, có thể hồ Sông Tranh sẽ vĩnh viễn không tích nước nếu các chuyên gia xét thấy đập Sông Tranh thật sự không an toàn”.

Theo Tuổi Trẻ


Xem thêm: làm sao để chọn được iphone  xịn

Nguồn: laodong.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét