Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Gặp thầy giáo 'chính nghĩa' của sinh viên ĐH Luật

Có những “status” vài trăm lượt “like”, có cả đội “cổ động viên” hò reo, chúc mừng trong lễ tuyên dương "Nhà giáo trẻ tiêu biểu", thầy Võ Trung Tín được yêu mến vì nhiều điều, như hay làm việc nghĩa...

Hot boy trên mạng và trong trường

Thạc sĩ Võ Trung Tín năm năm liên tiếp nhận danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”, là người được chọn tham gia tọa đàm trong buổi tuyên dương gần đây và thay mặt thế hệ nhà giáo trẻ tặng hoa cho nhà giáo Nguyễn Ngọc Giao. Nhưng quan trọng hơn những danh hiệu và vinh dự, thầy giáo Võ Trung Tín là người dành được những tràn pháo tay và hò reo to nhất trong khán phòng từ sinh viên của mình. Trên mạng xã hội của mình, thầy giáo này đã ghi “các đồng nghiệp ra về tay xách nách mang; còn mình, gọn hơn! Vì bao nhiêu hoa, biểu trưng, bằng khen, “tụi nhỏ giành cầm hết rồi!”.

Thầy Võ Trung Tín được các bạn sinh viên ĐH Luật yêu mến không chỉ trên giảng đường.

Người lên trang cá nhân của thầy sẽ bất ngờ trước sự quan tâm mà mọi người dành cho Võ Trung Tín với mỗi câu nói của mình. Chưa hết, có cả một trang riêng được lập ra dành cho những người yêu mến thầy giáo “Vova” này (vì thầy thường kể chuyện Vova mỗi lúc sinh viên buồn ngủ).

Lý giải về sự quan tâm, thầy Tín cho rằng: “Tôi chỉ nghĩ vì mình chia sẻ những điều gần gũi với sự quan tâm của các bạn. Hơn nữa, trên mạng các bạn có thể thoải mái hơn, không giữ khoảng cách như ở ngoài nên tương tác thầy trò cũng nhiều hơn”.

Còn sinh viên ĐH Luật TP. HCM giới thiệu về thầy Võ Trung Tín là “thầy nổi lắm đó” hoặc “một ông thầy chính nghĩa, vì thầy là người giúp đỡ sinh viên không chỉ trong các vấn đề học thuật mà còn cuộc sống, công việc… Khi được hỏi ngoài tin nhắn về công việc, học tập, có “bày tỏ tình yêu” nào không, thầy Tin nói, “cũng có nhiều, nhưng chắc chỉ là tình cảm ngưỡng mộ của các bạn”.

Có một lần, một báo mạng đã chụp lại ảnh trang cá nhân của thầy Tín và chú thích rằng “giáo viên mà viết status… buồn thảm làm ảnh hưởng sinh viên”, thế là về sau thầy Tín ý thức chỉ ghi công khai những điều tích cực, “cũng không đến nỗi phải giữ kẽ hay kiêng dè quá, với những câu nói cá nhân, “tâm trạng”, tôi thường chỉ cho một nhóm nhỏ xem”.

Tham gia cứu trợ Rung chuông vàng cho sinh viên của mình.

Đồng hành cùng sinh viên đi tình nguyện và… ăn chơi

Không chỉ là người thầy trên giảng đường và qua… mạng xã hội, thạc sĩ Võ Trung Tín còn đồng hành cùng sinh viên trong các hoạt động tình nguyện. Ra trường đã mười năm, thầy vẫn là gương mặt tích cực của hoạt độngNgày thứ Bảy tình nguyện, Mùa hè xanh- tham gia hỗ trợ sinh viên trong chương trình Tư vấn pháp luật.

“Ngày xưa thì tôi đi nhiều lắm, đi cả tháng. Bây giờ bận rộn nên thường chỉ ở với các bạn được khoảng một tuần. Tôi thích hoạt động tình nguyện, vui khi đem kiến thức của mình đến cho người khác, càng vui hơn khi sự đóng góp đó lại là đóng góp của cả một tập thể”, thầy cho biết.

Thầy Võ Trung Tín trong Lễ Tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2011.

San sẻ yêu thươnglà tên quỹ học bổng mà thầy Võ Trung Tín đề xuất và vừa chính thức khởi động tháng 9/2012.

“Sinh viên, đặc biệt là các sinh viên học xa nhà, thường gặp phải những hoàn cảnh khó khăn đột xuất như tai nạn, ốm đau. Tất nhiên trong những trường hợp đó thầy cô và bạn bè sẽ vận động quyên góp để giúp đỡ em, nhưng đôi khi sự chậm trễ vì phải quyên góp sẽ gây ra một vài hậu quả. Xuất phát từ hoàn cảnh đó, quỹ “San sẻ yêu thương” được lập ra nhằm “cứu trợ” sinh viên những lúc khẩn cấp như vậy.

Vì sự gần gũi và thân thiện của mình, thầy thường xuyên là đối tượng sinh viên nhớ tới trong cả buổi họp lớp, đi chơi và cả… đám cưới. “Nếu được tôi đều sắp xếp tham gia cùng các bạn”, thầy giáo trẻ cho biết.

Luôn đồng hành của sinh viên trong các hoạt động xã hội.

“Hình ảnh người thầy giáo rất thiêng liêng”

Mẹ của thầy giáo Võ Trung Tín là cô giáo lớp 1, người thầy đầu tiên trong cuộc đời thầy. “Vì vậy ngay từ nhỏ, hình ảnh người thầy đối với tôi đã rất thiêng liêng”, Võ Trung Tín cho biết. Tuy vậy khi lên cấp 3, một thôi thúc khác đến với thầy khi nhận thấy hiểu biết của người dân Việt Nam về pháp luật vẫn còn kém, “và thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến bất lợi cho người dân trong nhiều vụ việc”. Vì vậy, ngày đó thầy đã rẽ ngang để học Luật.

Đến năm cuối ĐH Luật TP. HCM, vẫn cảm thấy yêu thích công việc này, thầy Võ Trung Tín đăng ký giảng thử sau khi tốt nghiệp và được ký hợp đồng tập sự. Từ đó đến nay, sau mười năm, “tôi cảm thấy mình phù hợp với nghề giáo viên” và “đi dạy chỉ hay bị phàn nàn nhất về việc dạy lấn giờ thôi”.

Thầy Võ Trung Tín và các sinh viên trong lễ tốt nghiệp.
Là nhân vật được yêu mến, được chọn xuất hiện trên lịch của ĐH Luật.

Môn học thầy giáo này chọn để theo đuổi ở trường ĐH là Luật Môi trường (cũng là môn thầy đang làm luận án Tiến sĩ). Về một học hay bị gọi là “môn nhà giàu”, Võ Trung Tín lý giải: “Song hành cùng kinh tế, môi trường cũng cần được quan tâm không kém. Nhưng đúng là hiện nay chúng ta chỉ tập trung phát triển kinh tế, nên môn học liên quan đến môi trường trở thành “môn nhà giàu”. Tôi chọn môn này còn vì nó mới, các văn bản về luật này tại Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh, và kiến thức về môn này luôn đổi mới liên tục, có nhiều thứ để đào sâu và đòi hỏi chúng ta phải liên tục cập nhật”.

Thầy Võ Trung Tín giữ song song hai việc giảng dạy và làm việc về luật ở bên ngoài. “Lý do đầu tiên của việc này là để đảm bảo cuộc sống. Nhưng khi đi làm ngoài, tôi cảm thấy mình biết nhiều hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn để truyền đạt lại cho sinh viên khi giảng dạy. Trước kia tôi chạy “sô” nhiều lắm, vì có thời ham giảng đến độ… tắt tiếng (đã từng bị 3 lần!). Sinh viên phải nấu thuốc mang đến để thầy “mau lấy lại phong độ”. Sau này thì thấy nguy hiểm quá, mẹ cũng khuyên nên giảng ít lại để tập trung tốt hơn”.

Thầy Võ Trung Tín nói gì “xe chính chủ”?

Một phần lý do thầy được các bạn sinh viên yêu mến là vì tham gia thảo luận đến các vấn đề nóng bỏng. Bài viết ngắn về Nghị định 71 mới ban hành đã được các thành viên mạng xã hội chia sẻ “nhiệt liệt” vì sự giải đáp nhanh gọn và thiết thực của mình.

Theo thầy Võ Trung Tín - “Cả Nghị định 34 và Nghị định 71 đều quy định xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm. Như vậy, cần phân biệt chủ phương tiện với chủ sở hữu đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia lưu thông”. Thầy giáo này cũng gọi điện đến CSGT và CSTT ở các tỉnh thành và thông báo với sinh viên về việc xử phạt ở Cần Thơ hoặc “cho qua” ở Đồng Nai, Long An, TP. HCM và bổ sung thêm “các tỉnh khác chưa có alô nên không biết”.

PHƯƠNG THẢO

Theo Infonet


Nguồn: news.zing.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét