Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Người thầy, nghề thầy trong tôi - Bài 2: Dạy học bằng hiểu biết, trải nghiệm sống

Cô giáo Trần La Giang, giáo viên vật lý trường chuyên tỉnh Sơn La là một trong 128 nữ Nhà giáo Ưu tú vùng cao, biên giới, hải đảo vừa được Bộ GD&ĐT tuyên dương trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Cô nổi tiếng dạy giỏi và là mẹ của Ngô Phi Long, học sinh chuyên Sơn La đoạt Huy chương ở cả hai kì thi Olympic vật lý châu Á và Olympic vật lý Quốc tế 2012. "Với Long tôi vừa là mẹ, là cô giáo và cũng là bạn nữa, không biết thực hiện vai trò nào tốt nhất”, nhà giáo La Giang chia sẻ.

Nhà giáo La Giang và con trai Ngô Phi Long


* Làm thế nào để tạo được niềm hứng thú học tập, khơi gợi sáng tạo cho học trò trường chuyên vùng cao khi cơ sở vật chất của trường còn thiếu, như có rất ít  thiết bị  thí nghiệm đạt tiêu chuẩn, thưa chị La Giang?


- Nhà giáo La Giang:Muốn học giỏi bất cứ môn nào thì phải hiểu sâu về môn đó mà muốn hiểu sâu thì phải học kỹ hơn, chăm hơn. Tri thức cũng không thể có chuyện hôm trước còn rỗng mà hôm sau đầy ắp được. Trường chuyên Sơn La thành lập 17 năm qua, đặt khâu chọn đúng học sinh có năng khiếu là yếu tố quan trọng nhất trong đào tạo bồi dưỡng lâu dài. Để phát hiện và hình thành đội tuyển học sinh giỏi, phải vừa theo dõi quá trình học tập vừa để các em thử sức mình qua nhiều cuộc thi.


Đúng là cơ sở vật chất của trường còn thiếu, trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều, sự đầu tư của phụ huynh khác nhau, nhưng cái sự giáo dục ở nhà trường chỉ là một phần, học sinh chuyên phải biết tự học tự tìm hiểu, tự đào sâu về môn học mình yêu thích trước tiên là để làm giàu kiến thức lên. Nhu cầu tự thân đó của học sinh có năng khiếu rất cần được thầy cô nâng đỡ, dẫn dắt động viên kịp thời. Nhất là ở tỉnh có kinh tế khó khăn thì chuyên Sơn La phải nỗ lực hơn nhiều. Có lúc giáo viên phải đưa học sinh về nhà, rồi bạn bè, người thân giúp đỡ các em mới vượt qua được khó khăn.


Lửa sáng tạo khi được gieo sẽ cháy tự nhiên. Tôi thường mời những học sinh thành đạt của những khóa trước về để nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm học với các em khóa sau. Trong những lần giao lưu đó, thường học sinh của tôi sẽ có cái nhìn đúng đắn và tự xác định được thái độ học tập cũng như có lòng quyết tâm hơn. Nói ngắn gọn là khi nhà trường, các thầy cô biết đề cao những giá trị văn hóa, khi học trò có được nhu cầu tự học hỏi, biết tôn vinh những giá trị hiểu biết, thì học trò có thể vượt lên những khó khăn đời thường để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh để có trò giỏi thì đòi hỏi phải có một quá trình…


* Và chị đã luyện cho con trai mình cách gì để "chàng trai vàng Olympic Vật lí” luôn giữ được ngọn lửa sáng tạo?


- Vợ chồng tôi đều dạy vật lý cùng trường. Cháu Long biết tự giác học và có niềm say mê với vật lí từ ngày còn nhỏ nên tôi cũng không vất vả nhiều. Tôi cho rằng nội dung và phương pháp giảng dạy ở trường chuyên Sơn La ngày càng được cải thiện tích cực. Chú trọng chất hơn lượng, giảm nhồi nhét kiến thức để học sinh được sáng tạo. Trong môi trường đó, Long cũng như nhiều học sinh chuyên khác thay vì học thuộc lòng được khuyến khích và tham gia các dự án nhỏ để áp dụng kiến thức học được, rèn luyện tính độc lập, cải thiện kỹ năng giao tiếp và tăng khả năng hợp tác trong công việc. Đó là cơ sở để trò giỏi nói chung giữ được ngọn lửa ham học, ham hiểu biết. Tuy nhiên, dù con có bận học đến đâu gia đình tôi cũng nhắc nhở cháu sắp xếp thời gian nghỉ ngơi để không bị áp lực học tập khiến căng thẳng, giữ được lửa sáng tạo.


* Điều gì là quan trọng nhất với người làm thầy? Điều gì được chị coi trọng trong mối quan hệ với thầy cô cũ, với học trò?


- Khi đã làm thầy thì một người thầy chân chính nên đồng thời là nhà văn hóa. Không chỉ dạy bằng kỹ năng, kiến thức mặc dù dạy học là trang bị kiến thức cho học sinh, mà tôi nghĩ cần dạy bằng cả sự trải nghiệm sống nữa. Quan trọng là gieo được niềm hứng thú, khơi gợi sáng tạo và dẫn dắt học sinh bằng trí tuệ, bằng cả tấm lòng mình. Đối với các thầy cô giáo cũ và học sinh của mình, tôi không biết nói thế nào cho hết, chắc chắn một điều là tôi rất kính yêu và cảm phục các thầy cô của mình. Với học sinh tôi thực sự coi các em như con, em của mình, vì thế tôi nhận được nhiều tình cảm từ các em và thực sự cảm thấy hạnh phúc với nghề nhà giáo.


* Chị có sống được bằng nghề không?


- Tôi sống được bằng nghề chứ, ngoài dạy học tôi không biết kinh doanh, không biết làm nghề phụ nào. Quê gốc ở Hà Tĩnh, sinh ra lớn lên ở Sơn La, tôi tốt nghiệp ĐH Sư phạm2 Hà Nội năm 1993, về Sơn La dạy học từ đó đến nay sắp tròn 20 năm. 6 năm đầu dạy ở THPT Tô Hiệu - một ngôi trường đã có 51 năm tuổi ở thị xã Sơn La trước đây, giờ là TP Sơn La. Sau đó Sở GD&ĐT điều tôi sang dạy trường chuyên. Yêu cầu đào tạo học sinh giỏi trường chuyên ngày càng cao, đòi hỏi giáo viên phải cập nhật kiến thức, kỹ năng mới. Chính vì vậy, giáo viên là người nắm sứ mệnh rất quan trọng. Trường chuyên Sơn La đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành tốt sứ mệnh đó.


* Vậy chị đã thật sự gắn bó, lập gia đình và lập nghiệp, ở nơi này thế nào?


- Như đã nói với chị, không chỉ là môi trường làm việc ấm áp, chuyên nghiệp, trường chuyên Sơn La còn là nơi vợ chồng tôi luôn hạnh phúc vì được sống trong tình cảm của học trò, đồng nghiệp và tất cả mọi người. Tôi lập gia đình năm 1994, hai vợ chồng trước là bạn học đại học, yêu nhau từ ngày trong trường, sau là bạn đời, là đồng nghiệp gắn bó. Con đầu của chúng tôi là cháu Long, con gái thứ 2 năm nay 10 tuổi đang học lớp 5. Tôi nhớ nhất ngày 20.11 đầu tiên làm thầy, chúng tôi đã thật sự bất ngờ khi nhận được rất nhiều lời chúc mừng và những bó hoa tươi thắm từ học trò và phụ huynh. Quả thật, chúng tôi đã được tận hưởng một ngày "tết” của chính mình. Ngày 20 -11 năm nay, chúng tôi có những niềm vui mới khi mẹ và con đều có những thành tích được ghi nhận, và chắc chắn những đồng nghiệp, học trò cũ mới sẽ là những người khách quý trong ngày vui này.


* Xin cảm ơn chị


Thanh Như(thực hiện)


Xem thêm: làm sao để chọn được iphone  xịn

Nguồn: daidoanket.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét