Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Sẵn sàng cho bệnh viện vệ tinh!

(SKDS) - Các bệnh viện tại TP. HCM đã có kế hoạch cụ thể về việc xây dựng các bệnh viện vệ tinh (BVVT) tuyến tỉnh nhằm tự giải “bài toán” quá tải ở đơn vị mình và cũng chính là bài toán của ngành y tế trong nhiều năm trở lại đây.

Từ Khoa Vệ tinh đến BVVT

Cuối tháng 10 vừa qua, 7 khoa vệ tinh đã được quyết định thành lập và đi vào hoạt động. Cụ thể, BV Ung bướu có Khoa Ung bướu vệ tinh 150 giường tại BV Q.2 (đã hoạt động); BV Chấn thương chỉnh hình có Khoa Vệ tinh 100 giường tại BV An Bình và 100 giường ở BV Q.Tân Phú, 50 giường ở BV quận Bình Tân (đã hoạt động), dự kiến 100 giường ở BVĐK Sài Gòn (cuối năm); BV Nhi đồng 1 có khoa vệ tinh ở quận Bình Tân 100 giường, Nhi đồng 2 có 50 giường ở BV Q.2.

Từ hiệu quả của các khoa vệ tinh, các BV đã mạnh dạn xây dựng đề án để sớm triển khai các “vệ tinh” là các BV tuyến tỉnh nhằm “chống quá tải ngay từ cơ sở”. Ngày 11/10 vừa qua, Hội thảo trực tuyến “Phê duyệt đề án Bệnh viện vệ tinh khu vực phía Nam” của Bộ Y tế với các BV tại TP.HCM đã cho thấy, việc chuẩn bị để các BVVT tại các tỉnh chỉ còn tính bằng ngày. Theo đó, Đề án xây dựng BVVT của các BV tại TP.HCM gồm Chợ Rẫy, Ung bướu, Nhân dân Gia Định, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đã hoàn thiện (cả về dự toán kinh phí xây dựng lẫn mua sắm trang  thiết bị ).

Việc chuyển giao kỹ thuật hiệu quả sẽ giúp tuyến tỉnh “giữ” được bệnh nhân.

Chương trình thực hiện BVVT sẽ triển khai từ cuối năm 2012 - 2017. Cụ thể, BV Chợ Rẫy đã khảo sát và chọn 6 BV làm vệ tinh, gồm: BV đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, BVĐK Tiền Giang, BVĐK Bình Dương, BVĐK Sóc Trăng, BVĐK Long An, BVĐK Khánh Hòa. BV Ung bướu thành phố cũng chọn xong 5 BV làm vệ tinh về ung bướu, gồm: BVĐK Bình Định, BVĐK Khánh Hòa, BVĐK Đồng Nai, BVĐK Kiên Giang và BV Ung bướu Cần Thơ. Trong khi đó, BV Nhi đồng 1 đã khảo sát và chọn 4 BV làm vệ tinh gồm: BVĐK Long An, BVĐK Tiền Giang, BV Nhi đồng Cần Thơ, BV Sản nhi Cà Mau…

Theo các BV tại TP.HCM, việc xây dựng các BVVT tuyến tỉnh đang được các địa phương hết sức ủng hộ. Vấn đề còn lại là giải quyết bài toán kinh phí bởi việc xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm máy móc, trang thiết bị sẽ cần đến hàng trăm tỷ đồng.

Tập trung chuyển giao kỹ thuật chuyên môn

Theo quan điểm chỉ đạo của các lãnh đạo Bộ Y tế, xây dựng BV vệ tinh nhằm giảm tải nhưng phải tập trung chuyển giao được các kỹ thuật chuyên môn, nhất là tại các chuyên khoa đang quá tải như ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, nhi khoa… để các vệ tinh có thể đứng độc lập trong thời gian sớm nhất. Đồng quan điểm này, BS. Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho biết, BV Ung bướu sẽ giúp các BV và khoa vệ tinh thực hiện được hơn 80% các kỹ thuật mà Bộ Y tế đã phân tuyến, giúp giảm 50% lượng bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên BV như trong thời gian qua. Tại khối nhi khoa, Nhi đồng 1 cũng sẽ tập trung chuyển giao chữa trị các bệnh phổ biến như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết; sơ sinh; cấp cứu hồi sức; phẫu thuật nhi…

Ngoài việc tập trung vào các chuyên khoa, các BV cũng chủ trương tập trung vào các đơn vị “đối tác” tại tuyến tỉnh có đủ tiềm lực (con người và cơ sở vật chất) để việc chuyển giao đạt được hiệu quả cao nhất. BS. Trần Việt Hồng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Trưởng khoa Tai - mũi - họng BV Nhân dân Gia Định cho biết, BV sẽ xây dựng BV vệ tinh tại BVĐK Lâm Đồng (TP. Đà Lạt) và Trung tâm y tế liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro). Trong đó, xây dựng để BVĐK Lâm Đồng đại diện cho các BV ở vùng Tây Nguyên làm được kỹ thuật cao trong điều trị các loại bệnh tim mạch, giảm tỷ lệ tử vong 50%.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Đề án xây dựng BVVT sẽ được sớm trình Chính phủ. Tuy nhiên, sẽ không triển khai đồng loạt mà chỉ tập trung tại những địa phương có cả quyết tâm và tiềm lực để đề án có được đầu ra hiệu quả nhất. Thứ trưởng cũng ủng hộ và khuyến nghị các BV tuyến trên dùng các thế mạnh để chuyển giao kỹ thuật. Trước mắt cũng chỉ nên xây dựng mỗi đơn vị có dưới 7 vệ tinh để đảm bảo chuyên môn và tập trung nguồn lực. Ngoài ra, các địa phương cần có cam kết cụ thể. Tỉnh nào sẵn sàng về nhân sự, có cơ sở tốt sẽ ưu tiên triển khai sớm. Về phần Bộ Y tế, Bộ sẽ có kinh phí riêng cho đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ kịp thời trong khả năng có thể trong suốt quá trình triển khai đề án. Theo Thứ trưởng, mục tiêu chung hướng tới là năm 2015, các chuyên khoa chuyển giao sẽ được tuyến tỉnh làm được và về cơ bản sẽ không phải chuyển viện.

Bài và ảnh:Tuân Nguyễn


Xem thêm các bài viết liên quan: tư vấn  Du học singapore,Du học mỹ  uy tín nhất HCM

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét