Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Thầy giáo con!

Con, từ một đứa dân tỉnh đi học bị nhìn ngó đến khó chịu lại được nể phục và bầu làm lớp phó học tập và cán sự môn toán.

Từ một đứa thích văn vẻ hội họa, con lại quay sang đam mê môn Toán thầy dạy (Ảnh minh họa)

Thầy giáo kính mến của con ạ! Cứ mỗi lần nhắc đến thầy, con lại nhớ ngay câu nói mà thầy vẫn đùa nhưng răn đe với tụi con rằng:“Các con phải chép bài, học bài và làm bài tập đầy đủ ở nhà. Không học tập thì không có quyền được đầu tranh, nếu các con dốt nát mà đấu tranh con các sẽ bị đánh như trâu”.

Ban đầu, con hả hê với những lời nói của thầy lắm! Nghe nó hợp vần, hợp điệu mà nó cũng làm dịu đi những gay gắt mùa thi khi bài tập chồng chất thầy ạ! Con là một cô bé tỉnh lẻ bon chen vào Sài Gòn khi mới học cấp 3. Cảm giác của con khi bước vào lớp học là choáng ngợp, vì ngày đó ở quê, con chưa bao giờ được ngồi học trong một lớp mà đông đến như vậy! Con hí hửng cho rằng, thầy sẽ không nhớ con đâu. Thế là ngựa quen đường cũ, con lại tung tăng đi học như rong chơi.

Học được một tuần, tự nhiên thầy lại bắt cả lớp nộp sổ liên lạc cuối năm trước để tổng kết tình hình xếp chỗ ngồi. Quái lạ, chỉ là lớp học thêm thôi mà, có cần phải gay gắt như vậy không? Con tự nghĩ thầm và ngang nhiên cho rằng mình không cần làm điều đó.

Cho đến khi gia hạn nộp sổ đã kết thúc, chỉ còn mỗi con là không có sổ đưa cho thầy. Lúc thầy hỏi, con đã tỉnh bơ phát biểu rằng, là con ở tỉnh mới lên nên không có sổ liên lạc. Thầy nhẹ nhàng bảo con ngồi xuống.

Mọi thứ tưởng chừng đã qua thì một ngày đẹp trời trong cùng tuần đó, thầy bỗng dưng bảo cả lớp đứng dậy và sắp xếp chỗ ngồi. Không biết vì vô tình hay cố ý, thầy đã đưa con lên ngồi trước mặt thầy và ngày nào cũng dò bài con lia lịa. Ban đầu, con chẳng bao giờ học, con tự cho mình cái quyền vì mới vô nên sẽ được châm chước và thông cảm. Thế rồi, sau những lần trao quyền đó cho bản thân, con đã hì hục ăn roi đến tím tay và rướm máu.

Chỉ cần nghĩ về những điều mà thầy vun đắp cho con được như ngày hôm nay, con sẽ không bao giờ quên (Ảnh minh họa)

Biết là đau, biết là rất cay nhưng con chưa một lời than vãn hay gọi điện về mách bố mẹ cả. Con biết, họ sẽ đồng tình với thầy vì điều đó. Thời gian cứ dần dần trôi, con đã trở nên ngoan ngoãn, bài vở tinh tươm và ý thức tự giác trong con trỗi dậy mạnh mẽ. Con từ một đứa thích văn vẻ hội họa lại đi quay ra đam mê toán một cách cuồng nhiệt hơn bao giờ hết! Từ một đứa dân tỉnh đi học bị nhìn ngó đến khó chịu lại được nể phục và bầu làm lớp phó học tập và cán sự môn toán. Con không thể tin nổi con có thể làm được điều đó! Lúc con kể cho thầy nghe, thầy cười cười rồi chẳng nói gì nhưng con biết hẳn thầy rất tự hào về điều đó, vì thầy đã kể về con cho các em lớp dưới nghe và vô tình em con cũng học lớp sau của thầy nghe được.

Con nhớ lắm những ngày dầm mưa đến nhà thầy và ra về trong nước lụt khi triều cường lười biếng chưa chịu rút, những buổi đi học phải mang theo bao nilon bỏ dép vào để giữ gìn vệ sinh nhà cửa, những ngày phân công lau bảng sửa bài dài cả hai cái bảng ghép lại, những buổi sáng sớm gà chưa chịu gáy đã bị thầy bắt đến lớp, rồi lại từ nhà thầy đạp thẳng xe đến trường để học chính khóa, những lần thầy chỉ trích trực tiếp mà đầy bài học kinh nghiệm lẫn nước mắt dành cho tụi con,… Nhớ nhiều nhiều những điều khác nữa thầy ạ!

Hồi đó, con cứ tưởng lớp đông như vậy thầy sẽ chẳng nhớ được hết đâu, vậy mà thầy làm tụi con một phen hoảng hồn vì nhớ luôn cả tên phụ huynh chứ đừng nói là tên của từng đứa. Làm sao con có thể kể hết những công ơn dạy dỗ, che chở và bảo vệ cho con mỗi khi con lỡ trượt chân ngã, làm sao con có thể đong đếm được tình cảm, hi vọng mà thầy đặt lên vai tụi con khi bước ra đời, làm sao con có thể tìm một điều thiêng liêng gì đó để mà so sánh với những điều thầy đã dành cho con? Đó luôn là một điều không thể nào!

Ngày hôm nay, con đã là một cô sinh viên năm nhất, có lẽ con vẫn lười như ngày nào, vẫn ương bướng như cái thời bị đánh bầm dập nhưng con không còn là nguyên bản của ngày đó! Con đã thay đổi, thay đổi một cách tích cực để xứng đáng với niềm tin thầy đặt ra cho con.

Những bài giảng hay có lẽ chỉ tồn tại ở một khoảng nào đó rồi sẽ trôi tuột, những lời động viên nhắc nhở con đôi khi sẽ thoáng quên, những lo lắng chở che khi con vấp ngã cũng sẽ bị con vô tình quên lãng,… Nhưng chỉ cần nghĩ về thầy, về những điều mà thầy vun đắp cho con được như ngày hôm nay, con sẽ không bao giờ quên.

Con – học trò bướng bỉnh của thầy.


Nguồn: www21.24h.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét