Cho đến thời điểm hiện tại, khi năm học 2012-2013 đã đi được quá nửa học kỳ I, nhiều trường đại học, nhất là đại học ngoài công lập vẫn đang “khát” thí sinh. Có những trường chỉ tiêu tuyển sinh đặt ra cho cả hệ đại học, cao đẳng chẵn 1.000, nhưng hiện tại mới chỉ có 75 hồ sơ đăng ký; có trường dự kiến 500 chỉ tiêu tuyển sinh nhưng giờ này mới tuyển được tổng cộng 29 tân sinh viên nhập học…
Xin lấy một vài con số để minh chứng: chỉ trong vòng 1 tuần giữa tháng 10/2009, xuất hiện cùng lúc 4 trường đại học. Trong đó, Trường ĐH Tân Tạo được lập mới và 3 trường ĐH Hạ Long, ĐH Đồng Nai và ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM được nâng cấp từ các trường cao đẳng. Cũng tại thời điểm này, một trường đại học “không có giảng viên” nhưng vẫn trình chỉ tiêu tuyển sinh hoành tráng đã bị phát hiện…
Người ta phải dùng đến từ “lạm phát” đại học, bởi chỉ tính riêng từ năm 1998 đến 2009 cả nước đã có 307 trường đại học, cao đẳng mới được thành lập hoặc nâng cấp (từ cao đẳng lên đại học, từ trung cấp lên cao đẳng). Như vậy, bình quân trong vòng 1 tháng có 2 trường đại học, cao đẳng mới được thành lập. Theo thống kê mới nhất, hiện cả nước có tới trên 414 trường đại học, hầu hết tỉnh thành và ngành nào cũng có, chủ yếu được nâng cấp từ cao đẳng lên. Nhiều trường luôn rơi vào tình trạng đỏ mắt tìm sinh viên, đội ngũ giảng viên yếu kém không đủ tiêu chuẩn. Trong số này, có khoảng 81 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, chiếm khoảng 14,7% tổng số sinh viên cả nước.
Không quá khó khăn để tìm câu trả lời: Tốc độ tăng chóng mặt của các trường đại học, cao đẳng trong thời gian ngắn có tỉ lệ thuận với chất lượng đào tạo hay không? Câu chuyện “xé rào” hạ điểm tuyển sinh, tất nhiên không chỉ của riêng khối các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, nhưng đây cũng là minh chứng rõ nhất về sự đi xuống của chất lượng đầu vào, sự xuống cấp của môi trường giáo dục.
Dễ dãi trong việc mở trường, Bộ chủ quản cũng “mở” luôn cả chất lượng đầu vào. Mùa tuyển sinh 2012-2013 này, có những thí sinh chỉ cần 8,5 điểm cũng đỗ đại học. Theo chính sách tuyển sinh đặc thù mới do của Bộ GD&ĐT đưa ra, thì các thí sinh thuộc các khu vực khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Vì vậy thí sinh thuộc 1 trong 3 khu vực nói trên chỉ cần đủ 8,5 điểm là đã có thể trúng tuyển đại học vào khối A, A1 - nếu trường lấy điểm chuẩn dưới sàn 1 điểm. Trong khi các trường công lập từ chối chính sách cởi mở của Bộ GD&DT thì các trường ngoài công lập vẫn còn có cơ sở lạc quan, bởi cho tới tận 30/11 mới hết thời hạn xét tuyển. Liệu có kiểm soát được chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập? Với con số trên 414 trường đại học, cao đẳng, tính bình quân mỗi tuần Bộ GD&ĐT thanh tra được một trường, thì phải mất gần 9 năm mới thanh tra hết được số lượng trường học nói trên.
Sẽ có nhiều trường đại học đứng trước nguy cơ “đóng cửa”. Nhưng cũng chẳng có gì lạ, chỉ tại nhiều năm qua chúng ta đã mở không giới hạn, mở hết cỡ, mở không kiểm soát. Mở cho lắm rồi đóng nhiều!
Tầm Văn
Nguồn: www.petrotimes.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét