Chiều 16-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra đập thủy điện Sông Tranh 2 và nhà của người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Sau đó, bộ trưởng làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các chuyên gia tư vấn và nhà khoa học .
Nhà điều hành thủy điện bị nứt
Ông Trần Văn Hải, Trưởng ban Quản lý dự án Thủy điện 3, báo cáo: “Tâm chấn trận động đất 4,7 độ Richter xảy ra ngày 15-11 chỉ cách đập 5,2 km. Hiện thân đập không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, tại nhà điều hành và một số nơi xuất hiện vết nứt mới. Nhà dân cũng xuất hiện nhiều vết nứt mới, còn các vết nứt cũ thì lớn hơn. Đến nay đã có 856 nhà dân và tám công trình công cộng hư hỏng do động đất”.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tư vấn điện 1 (đơn vị thiết kế), khẳng định: “Đập được thiết kế theo tiêu chuẩn Mỹ, có thể chịu động đất cực đại 5,5 độ Richter. Sau trận động đất 4,7 độ Richter, chúng tôi đã kiểm tra lại và thấy chưa có điều gì bất thường. Công trình vẫn an toàn”.
Tuy nhiên, TS Lê Tử Sơn, Viện Vật lý Địa cầu, cảnh báo: “Trận động đất này trùng với khe nước Vin, có dấu hiệu dịch xuống lòng hồ. Khoảng cách chấn tâm đến lòng hồ ngắn hơn các trận động đất trước và gia tốc đo được đều lớn hơn trước rất nhiều. Phải cần đến 2-3 năm nữa, với sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài mới có kết quả nghiên cứu cuối cùng về động đất”.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng kiểm tra thân đập thủy điện Sông Tranh 2 sau trận động đất 4,7 độ richter. LÊ PHI
Số liệu mâu thuẫn?
PGS-TS Phạm Hữu Sy, chuyên gia Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, băn khoăn: “Có mâu thuẫn giữa các số liệu do thủy điện Sông Tranh 2 công bố. Con số đo được gia tốc nền ngày 15-11 khi xảy ra động đất là 268 cm/s 2 , như vậy thì động đất phải 6,5 độ Richter tương đương thang cấp 9 (thang MSK-64). Tôi đề nghị xem lại các số liệu này”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng đặt câu hỏi: “Trước đây các nhà khoa học nói 4,6 độ Richter là cao nhất rồi sẽ giảm xuống nhưng giờ lại mạnh lên. Vậy cần phải làm rõ thực chất động đất có thể mạnh hơn nữa không? Chúng tôi cần có một lời khẳng định về sự an toàn đập”.
Không trả lời thẳng các vấn đề trên, ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN, cho hay chủ đầu tư vẫn vận hành hồ chứa đúng quy định. EVN cũng đang phối hợp với địa phương sửa chữa nhà tái định cư, cùng Viện Vật lý Địa cầu lắp đặt năm trạm quan trắc động đất. Tuy nhiên, ông Thanh cũng “lưu ý” lãnh đạo tỉnh Quảng Nam: “Nếu cứ buộc hồ chứa về mực nước chết thì mùa khô năm tới hạ du tỉnh Quảng Nam sẽ khô hạn. Vì vậy, tỉnh phải cùng thủy điện Sông Tranh 2 tính toán thêm”.
Mời ngay chuyên gia nước ngoài
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải tâm sự: “Đây là công trình 5.000 tỉ đồng nhưng tính mạng 50.000 dân nơi đây vẫn trên hết. Muốn dân an tâm cần có nghiên cứu về động đất thật cụ thể và có giải pháp phù hợp. Sau động đất thì phải hỗ trợ ngay. Đề nghị EVN đến cuối năm phải xử lý xong số nhà dân hư hỏng này. Đã hứa thì phải làm ngay”.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kết luận động đất đã gây hư hỏng nhà cửa, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Do vậy, thủy điện Sông Tranh 2 “phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ là chưa tích nước. Cũng có thể sẽ không cho tích nước vĩnh viễn”.
Bộ trưởng yêu cầu: “ thiết bị quan trắc hiện tại chưa đảm bảo, EVN phải thay ngay. Viện Vật lý Địa cầu phải mời ngay chuyên gia nước ngoài vào đánh giá về động đất. Chính phủ đã cho phép mời chuyên gia Nga, Ấn Độ, Nhật Bản. Hiện các chuyên gia của Nga đã vào Bắc Trà My rồi”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng vẫn cho rằng không cần thiết phải hủy đập thủy điện nhưng có thể bắt buộc phải xả hết nước. Trường hợp Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy thì phải làm đường dẫn để làm khô nước trong hồ chảy”.
Đáng chú ý, trong lúc cuộc họp đang diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gọi điện thoại gửi lời hỏi thăm, động viên tới người dân huyện Bắc Trà My. “Chính phủ rất quan tâm đến những diễn biến động đất tại huyện Bắc Trà My và luôn coi sự an toàn của dân là trên hết” - Thủ tướng khẳng định.
Khi đưa chủ trương khai thác thủy điện, Chính phủ đặt ra các yêu cầu: Đảm bảo an toàn; Rà soát vấn đề tái định cư, di dân thì phải có điều kiện sống tốt hơn; Không tác động xấu đến môi trường; Nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật. Trong đó đảm bảo an toàn là yêu cầu cao nhất, dù hiệu quả tới đâu nhưng không đáp ứng yêu cầu này thì sẽ không làm. (…) Để chắc chắn, Chính phủ chưa cho phép Sông Tranh 2 tích nước phát điện trong mùa lũ này. Thủ tướng đã giao Hội đồng Nghiệm thu nhà nước và các bộ liên quan lập tổ công tác thường xuyên túc trực để theo dõi tất cả diễn biến của động đất. Thủ tướngNGUYỄN TẤN DŨNG(trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 14-11) 5.000 tỉ đồng cũng phải bỏ Theo tôi, thiên tai đã có dấu hiệu bất thường thì rất khó lường, ngay cả nước Nhật hiện đại như thế cũng không lường được về động đất, sóng thần. Để đảm bảo an toàn cho dân, chúng ta phải hy sinh lợi ích trước mắt. Cần bỏ luôn thủy điện sông Tranh 2, dù 5.000 tỉ đồng hay 10.000 tỉ đồng cũng phải bỏ. ÔngĐỖ VĂN ĐƯƠNG,Ủy ban Tư pháp của Quốc hội T.VĂNghi Không an toàn chút nào Động đất ở Sông Tranh 2 là động đất kích thích do cấu tạo địa chất đứt gãy, có khả năng làm tăng tần suất động đất và xuất hiện nước thấm. Địa chất ở đây phức tạp như vậy mà chúng ta đặt một nhà máy thủy điện lên trên thì càng làm cho dư chấn động đất mạnh lên. Thực tế không an toàn chút nào. GSPHAN VĂN QUÝNH,ĐH Quốc gia Hà Nội Cần xem lại những dự báo trước đây Sau trận động đất 4,7 độ Richter ngày 15-11, cần phải xem lại những dự báo về động đất trước đây ở thủy điện Sông Tranh 2. Với những diễn biến khó lường như vậy, đến nay các nhà khoa học không thể khẳng định động đất sẽ đạt đỉnh là bao nhiêu. Kể cả khi thuê chuyên gia nước ngoài, tôi e cũng không có gì mới hơn. Địa chất vùng này biến đổi liên tục, khó đưa ra quy luật nghiên cứu. Tại đây có các đới đứt gãy rất rộng chạy qua lòng hồ. Qua khảo sát thực tế ngày 16-11, tôi phát hiện thêm có hiện tượng sóng nước lăn tăn trên mặt hồ do dư chấn động đất, ngay lòng hồ còn có cá nhảy. PGSCAO ĐÌNH TRIỀU,Tổng Thư ký Hiệp hội KHKT Địa Vật lý Động đất do lén tích nước? Tôi cho rằng vùng Bắc Trà My liên tiếp chịu các trận động đất tăng dần là do thủy điện Sông Tranh 2 tích nước quá cao. Dù Chính phủ chưa cho tích nước nhưng tôi khẳng định nhà máy vẫn phát điện và tích nước trên mức 161 m, nước đi qua tràn. Ban quản lý dự án sẽ phải thừa nhận điều này. Hiện nay vai đập đã nứt, nếu động đất tiếp tục xảy ra sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ vai đập. Phải đến hơn 10 năm nữa cường độ động đất mới có khả năng giảm với điều kiện áp suất khí khe nhiệt lấy ra hoàn toàn. GS-TSVŨ TRỌNG HỒNG,Chủ tịch Hội Thủy lợi |
LÊ PHI - TRÀ PHƯƠNG
Xem thêm: làm sao để chọn được iphone xịn
Nguồn: phapluattp.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét