Trà Vinh quan tâm phát triển giáo dục cho bà con
Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 300.000 đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm khoảng 30% số dân của tỉnh. Nhiều năm qua, bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer, tỉnh còn chú trọng phát triển giáo dục cho con em đồng bào dân tộc. Đặc biệt, tỉnh rất quan tâm phát triển toàn diện hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, xem đây là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực quan trọng để bổ sung cho đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn vùng đồng bào Khmer trong tỉnh.
Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường PTDTNT huyện Châu Thành , Trà Vinh. |
Đến nay, mạng lưới trường lớp của tỉnh đã được đầu tư xây dựng đến tận các phum sóc, tạo điều kiện cho con em Khmer được đi học theo hệ thống giáo dục phổ thông. Tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer theo học hàng năm chiếm hơn 30% trong tổng số học sinh toàn tỉnh.
Trà Vinh còn là tỉnh đi đầu trong việc phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú từ tỉnh đến huyện sớm nhất so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. 7 huyện và thành phố trong tỉnh đã có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) bậc trung học cơ sở và 1 trường PTDTNT bậc trung học phổ thông. Đây là trường chuyên biệt dành cho thanh, thiếu niên dân tộc Khmer, với nhiệm vụ chăm lo tạo nguồn, đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc Khmer của tỉnh. Học sinh của trường được trường nuôi dạy và bảo đảm các điều kiện để phát triển về đức, trí, lực. Đối tượng được tuyển sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, có đủ điều kiện về hạnh kiểm, học lực khá trở lên, có sức khỏe tốt. Những năm học trước đây, các trường này tuyển học sinh theo hình thức xét tuyển, nhưng kể từ năm học 2006 - 2007, các trường chuyển đổi sang hình thức thi tuyển. Học sinh trường PTDTNT, ngoài việc được chăm lo nơi ăn chốn ở, học hành còn được hưởng mức học bổng 360.000 đồng/tháng/học sinh. Ngoài ra còn được hưởng các chế độ hỗ trợ khác như miễn học phí và các loại lệ phí thi, tuyển sinh, tiền tàu xe nghỉ hè hoặc nghỉ Tết; hỗ trợ học phẩm; tiền điện nước, bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đi đôi với sự chuyển đổi phương thức tuyển sinh và được chăm lo cho học sinh chu đáo, việc thực thi chế độ, chính sách ưu đãi cho cán bộ, giáo viên ngoài lương như hưởng chế độ phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng, phụ cấp trách nhiệm là 0,3% mức lương tối thiểu, đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Điển hình như Trường PTDTNT tỉnh, trên 10 năm qua, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đều đạt từ 98% trở lên. Hơn 1.000 học sinh của nhà trường đã và đang là sinh viên của các trường đại học và cao đẳng.
Ông Thạch Siêng, Trưởng Phòng Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Các trường PTDTNT của tỉnh hiện đều thực hiện nội dung giảng dạy đảm bảo đúng nội dung chương trình, sách giáo khoa hiện hành đối với từng bậc học. Các trường đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, số giờ còn lại trong tuần dùng để phụ đạo cho các học sinh trung bình, bồi dưỡng học sinh giỏi, học ngữ văn Khmer.
Môn học ngữ văn Khmer được bố trí học 3 tiết/tuần đối với các lớp 6, 7, 8, 10, 11 và 2 tiết/tuần đối với lớp 9, 12. Từ đó, chất lượng đào tạo hàng năm đều được tăng lên, tính trung bình năm học 2003 - 2004 đến 2011 - 2012, xếp loại học lực học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú bậc trung học cơ sở có tỷ lệ giỏi, khá 40%, trung bình 57%. Trong môi trường tập thể, học sinh được sinh hoạt và rèn luyện trong tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Các em được tham gia nhiều hoạt động như luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi, giao lưu văn nghệ, tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong cuộc sống tập thể ở trường. Hàng năm, công tác hướng nghiệp được triển khai đối với số học sinh chuẩn bị tốt nghiệp bằng các hình thức như tọa đàm, hướng dẫn các em lựa chọn nghề phù hợp với khả năng... Đội ngũ giáo viên của các trường đến nay đã được đào tạo cơ bản, nắm vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, có năng lực quản lý, có uy tín trong tập thể sư phạm và học sinh.
Hiện nay, ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh đã nâng quy mô tuyển sinh hàng năm đối với trường PTDTNT bậc trung học cơ sở lên 250 học sinh/trường; trường PTDTNT tỉnh có quy mô trên 500 học sinh. Đối với các huyện có đông đồng bào dân tộc, tiếp tục phát triển các phân hiệu của trường PTDTNT tỉnh, với quy mô giảng dạy từ 150 đến 200 học sinh. Với bước phát triển mới này, hệ thống trường lớp đã đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào Khmer và đào tạo đủ, kịp thời nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bài và ảnh: Phúc Sơn
Nguồn: baotintuc.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét