“Trọng nam khinh nữ” là tư tưởng được cho là “ấu trĩ” và đã tồn tại từ nghìn đời nay, nhất là nam giới. Một ‘thằng cu” để “chống gậy” và nối dõi “tông đường” là điều mong muốn của họ. Đây là một trong những nguyên nhân có thể khiến Việt Nam trong thời gian tới phải “nhập khẩu” cô dâu.
“Phải có cho được thằng cu nối dõi tông đường”, đó là lời khẳng định của ông An đối với Đức (con trai ông An). Hóa ra, sau 2 lần mang thai, vợ Đức đều sinh ra 2 “nàng công chúa” thông minh và láu lỉnh. Nhưng khổ nỗi do là con trưởng nên tư tưởng của ông An là phải có bằng được cháu trai. Áp lực và không khí gia đình luôn đè nặng lên vợ chồng Đức. Chị Hiền (vợ Đức) tâm sự, vợ chồng em thì con nào cũng được nhưng ông lại quá nặng nề về vấn đề con trai khiến không ít lần vợ chồng mâu thuẫn chỉ vì việc này. Hơn nữa, thời buổi kinh tế hiện nay đang khó khăn, giờ có sinh thêm thì liệu có chăm lo đầy đủ được cho con không ...? Quả thật, nhìn từ góc độ kinh tế, các cặp vợ chồng trẻ đều chỉ muốn sinh 1 đến 2 con để đảm bảo việc nuôi dạy con cái.
“Phái mạnh” trước nguy cơ bị dư thừa và ế vợ.
Một số cặp vợ chồng trẻ thì thường tìm hiểu và áp dụng các biện pháp tính toán khoa học để có thể sinh con trai. Chị Chi (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) “quyết tâm” sinh bé trai đầu lòng để chồng và bố mẹ chồng vui lòng. Qua bác sỹ tư vấn, chị phải tính toán theo chu kỳ rụng trứng và thời điểm thích hợp, thuận lợi cho việc thụ thai. Một lần sau khi đi khám, chị vội vàng gọi cho chồng báo phải về nhà ngay “có việc”. Khổ thân anh chồng đang làm việc mãi tận Gia Lâm (quận Long Biên) phải hấp tấp chạy về làm “nghĩa vụ” ... rồi lại vội vã đi làm cho kịp giờ họp. Sau vài lần như vậy, cuối cùng vợ chồng anh cũng có được một bé trai. Đúng là một tình huống “hài hước” ...
Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ thiếu nữ giới.
Ngày 3-11 vừa qua, hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh đã được tổ chức tại Hà Nội. Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, dự báo vào năm 2020 tỷ lệ giới tính khi sinh ở nước ta sẽ là 125 bé trai/100 bé gái. Với mức tăng như hiện nay, nếu không có các biện pháp can thiệp tích cực thì dự kiến đến năm 2050, tỷ lệ chênh lệch giới tính sẽ tăng cao, Việt Nam sẽ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới. Như vậy, số nam giới dưới 50 tuổi bị thừa, ế vợ sẽ chiếm 12% tổng số nam giới trong nước. Có lẽ, thời gian tới Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu” từ 3 – 4 triệu cô dâu để “giải quyết” hệ quả dư thừa này. Nhưng biết tìm đâu khi một số nước bạn như: Trung Quốc, Hàn quốc, đã phải đương đầu với thực trạng này từ nhiều năm qua.
Chênh lệch tỷ lệ giới tính không chỉ khiến cho cơ cấu dân số bị thay đổi trong thời điểm này mà còn dẫn đến những hệ lụy khó lường trong tương lai.
Nên chăng, một mặt các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền tại cơ sở. Mặt khác, gia đình và nhà trường cũng cần trao đổi và có những chương trình học về vấn đề giới tính, giúp các em hiểu và có cách nhìn nhận thấu đáo về giới và bình đẳng giới, tránh những suy nghĩ lệch lạch khi đang tuổi cắp sách tới trường.
Bài, ảnh:Nguyễn Tuấn
Nguồn: phapluatxahoi.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét