Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Ngày nhà giáo, mang khoai, sắn tặng thầy cô

Không có tiền, trong nhà có gì thì phụ huynh mang đến cho thầy cô. Chính vì thế, ngày 20/11, ngược lại với sự sung túc đầy đủ ở thành phố, cô giáo miền núi nhận được gạo, khoai, sắn... cho đến những bó hoa dại.

Đến ngày 20/11, những cô cậu học trò lại háo hức chuẩn bị quà dành tặng thầy cô. Những món quà nhỏ ấy để lại kỉ niệm khó quên với người làm nghề giáo. Quà tặng, đơn giản là những bó hoa, điểm 10 hay một bài hát chúc mừng, hoặc "hoành tráng" hơn là đồ mỹ phẩm, vật trang trí trong nhà.

Lớp học vùng cao đơn sơ, nhưng ở đây luôn ấm áp tình thầy trò. Ảnh Trần Thủy.

Những ngày này, nếu như ở thành phố, các bạn trẻ nô nức chuẩn bị cho ngày nhà giáo, thì với vùng cao, miền biển, đôi khi thầy cô lại tự tạo niềm vui cho mình và học trò. Món quà, lúc này đơn giản là những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn", ấm áp và vui vẻ.

Với gần 15 năm năm làm giáo viên, từng gắn bó với huyện miền núi Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) khoảng 5 năm, cô giáo Nguyễn Thị Hoa nhớ lại những ngày 20-11 khó quên của mình: "Ở miền núi thiếu thốn rất nhiều thứ, các em học sinh ở đây không có điều kiện như trẻ em dưới xuôi. Nhưng các bạn nhỏ ở đây rất đáng yêu, vào 20/11, không có hoa đẹp, nhiều lớp nhiều tầng như ở thành phố, thế là các em hái hoa dại tặng cô".

"Phụ huynh thì tình cảm lắm, không "phong bì phong bao gì cả" - vì họ làm gì có tiền. Thế là nhà có gì mang tặng thầy cô cái đó. Nào ngô, khoai, sắn, lúa gạo hay đặc sản. Đôi khi thì họ giúp đỡ những công việc nặng. Đến ngày thì mọi người kéo đến nhà tập thể của thầy cô trò chuyện v , không có hoa tươi nên lên núi hái hoa dại tặng cô. Còn các bậc phụ huynh thì rất nhiệt tình, đến nhà hỏi thăm. Những ngày đó, vật chất thì không bao nhiêu nhưng tình cảm mà phụ huynh cũng như học sinh thì nhiều, khiến mình có động lực để ở lại và dạy dỗ các con".

Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Nhị, dạy ở vùng biển tỉnh Quảng Bình thì được các bác phụ huynh mang cá đến tặng nhân ngày 2/11. "Học trò thì mang đến tặng cô những vòng tay làm từ vỏ sò, nhìn không được khéo cho lắm nhưng rất đáng yêu" - cô Nhị kể.

Cô giáo miền xuôi cũng cho biết: "Những ngày gần kề cho đến 20/11, phụ huynh cùng học sinh đến nhà tặng rất nhiều hoa và quà, mở ra có rất nhiều thứ như mĩ phẩm, phong bì, áo quần. Nhưng có lần mở một gói quà nhỏ thấy có một bó hoa đươc làm từ giấy, một bức tranh và thiệp của học sinh. Đọc tấm thiệp, nhìn những nét chữ trẻ con nhưng được viết nắn nót, cẩn thận mình rất cảm động".

Với các thế hệ học sinh, 20/11 là ngày được mong chờ nhất trong một năm học. Đây là dịp để các bạn học sinh thể hiện tình cảm của mình đối với thầy cô giáo. Học sinh cấp một thường rất vui vì những ngày như thế này. Vào những tuần lễ phát động kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, các bạn nhỏ thường học tập tốt hơn vì mong muốn có thật nhiều điểm mười.

Bạn Nguyễn Minh Ngọc (Nghệ An) chia sẻ: "Cho dù cứ đến dịp này, các thầy cô thường cấm học sinh đến nhà mình, nhưng bọn em vẫn cứ đi. Ngày trước đó, cả lớp cùng họp lại với nhau, lên kế hoạch mua quà gì cho cô. Các bạn cùng góp tiền dành dụm của mình mà bố mẹ cho, rủ nhau đi mua quà và hoa, sau đó cả lớp rồng rắn kéo nhau đi đến nhà cô. Vì đường xa, lại không biết nhà nên cứ bị lạc, đi xe đạp mất gần một tiếng rưỡi mới đến nhà cô. Lúc mới đi thì rất là vui, háo hức lắm nhưng khi tới cổng nhà cô lại không dám vào vì sợ bị cô mắng. Nhưng cô rất vui, cười với cả lớp và đưa vào nhà cô. Đó là ngày đầu tiên thấy cô cười nhiều và vui như thế vì ngày thường đến lớp cô rất nghiêm khắc với cả lớp".

20/11, học trò có muôn cách thể hiện sự kính trọng, yêu thương đối với các thầy cô giáo. Ảnh Lao Động.

Cô bạn còn kể, trong cả quãng đường đi, còn có nhiều chuyện xảy ra. Cả lớp bị lạc đường, có bạn thì xe bị thủng lốp, phải xuống dắt bộ mất một lúc khá lâu mới có chỗ vá xe. Hay nhất là một bạn nam vì mải nói chuyện nên không nhìn thấy đường, bị rơi xuống một cái ao. Cả người và xe ngã nhào, may mà ao không sau nên đứng lên được, áo quần bị ướt hết. Hôm đó trời lại mưa nên lạnh, đến nhà cô cứ ngồi co ro ở một góc, cô thấy thương quá lấy quần áo của con cho bạn đó thay.

Hay hai mươi năm trước, khi còn là học sinh lớp 2, một cô bé được mẹ cho 1.500 đồng, góp với các bạn đi mua quà cho cô. Không biết mua gì, cả nhóm đã quyết định chọn mua... bánh quy rồi cùng nhau đi đến thăm cô chủ nhiệm. Đến nơi thì cô mở bánh ra cho mọi người cùng ăn, thế là vừa tặng được quà cho cô lại vừa được ăn bánh.

Trong khi đó, ngày hôm qua, cựu học sinh trường chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) đã mang tặng các thầy cô thân yêu một món quà đặc biệt, đó là màn nhảy flashmob của hơn 400 bạn. Màn nhảy diễn ra ngắn gọn thôi, nhưng trước đó, các bạn trẻ đã luyện tập rất chăm chỉ, như một cách thể hiện sự trân trọng, kính yêu đối với những người đã dạy dỗ mình.

Học trò trường Nguyễn Huệ tặng thầy cô bằng màn nhảy flashmob.

Những món quà đó dù không đáng mấy tiền của nhưng luôn là những món quà ý nghĩa nhất đối với người làm nghề giáo viên. Qua đó thể hiện tình cảm của học sinh và phụ huynh đối với người làm nghề giáo. Đó là tình cảm chân thành, yêu thương, gắn bó, là món quà quý giá nhất vào ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Linh San

Theo Infonet


Nguồn: news.zing.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét