Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Chuyển giao tiến bộ KH-KT: Không thể thiếu vai trò của Doanh nghiệp

Để các dự án chuyển giao tiến bộ  khoa học  công nghệ (KH&CN) tại nông thôn, miền núi thành công, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp (DN).

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải đã khẳng định như trên tại buổi tọa đàm "Tiếp tục đổi mới cơ chế chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông thôn, miền núi" do Bộ KH&CN và báo Nhân Dân phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội.

DN đóng vai trò quyết định

Phân tích về vai trò của DN trong việc chủ trì thực hiện các dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi, PGS.TS Lê Tất Khương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ KH&CN khẳng định: Lựa chọn đơn vị chủ trì dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi là công việc rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của dự án. Lí do là hầu hết các dự án do các doanh nghiệp chủ trì đều là loại dự án sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa, do gắn liền với quyền lợi của doanh nghiệp, nên họ rất tích cực trong việc mở rộng quy mô dự án sau khi kết thúc.

Điển hình như dự án “Ứng dụng công nghệ chăn nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp, tạo giống lợn bố, mẹ phục vụ phát triển chăn nuôi tại tỉnh Yên Bái”. Tổng công ty Hòa Bình Minh, đơn vị tiếp nhận dự án đã đưa giống lợn ngoại thuần ông bà vào nuôi để cung cấp đàn giống bố mẹ có năng suất và chất lượng cao cho địa phương. Theo kết quả tẩm định, tỷ lệ nạc của các giống này đạt từ 57% đến 63%, tốc độ tăng trọng trong giai đoạn nuôi thịt từ đạt 600-700 gam/ngày. Kết quả sau 3 năm triển khai dự án, doanh thu đã đạt gần 20 tỷ đồng. Dự kiến năm 2012 doanh thu sẽ đạt khoảng 24 tỷ đồng và giải quyết việc làm tại chỗ cho 115 lao động.

Hay như dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”. Trước đây, doanh thu của công ty này chỉ đạt 2 tỷ đồng/năm, nhưng sau khi triển khai dự án khoảng 1 năm, doanh thu của công ty đã đạt 150 tỷ đồng (năm 2007) và đạt 200 tỷ đồng trong năm 2010.

Theo thống kê của Chương trình Nông thôn miền núi, nếu trước năm1998, kinh phí thực hiện các dự án chuyển giao KH&CN về nông thôn và miền núi phần lớn được cấp từ ngân sách nhà nước, kinh phí đối ứng chủ yếu là từ công lao động của các hộ dân tham gia dự án, thì từ sau năm 1998, các dự án có vốn đối ứng của địa phương, hộ nông dân và doanh nghiệp tăng rõ rệt, trong đó có những dự án vốn doanh nghiệp chiếm đến 80-90%, nguồn vốn cũng đa dạng hơn gồm vốn tự có, vốn vay ngân hàng đến vật tư, đất đai, công lao động...

Ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHKT tại địa phương góp phần phát triển KT-XH (Ảnh: Mai Hà)

Huy động mọi nguồn lực tham gia các dự án

PGS, TS Lê Tất Khương, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ KH&CN) cho rằng: Để triển khai thành công, duy trì và nhân rộng dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa, những dự án chuyển giao công nghệ có hàm lượng khoa học cao, dự án hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, của vùng hoặc của quốc gia, thì cần có những DN đủ điều kiện làm đơn vị chủ trì dự án, bởi vì DN có khả năng tổ chức, liên kết nông dân, có ưu thế về vốn, có khả năng đầu tư đổi mới công nghệ, có năng lực tiếp thu công nghệ, có khả năng tiếp cận thị trường.

Minh chứng vai trò quan trọng của DN trong việc huy động nguồn lực thực hiện dự án, Giám đốc Công ty Mây tre xuất khẩu Ngọc Động (Hà Nam) Nguyễn Xuân Mai cho biết: Trên thực tế, các dự án của Chương trình Nông thôn, miền núi, vốn cấp từ địa phương và trung ương chỉ chiếm từ 30-50% trên tổng số vốn. Do vậy DN bắt buộc phải huy động vốn của mình tham gia vào chương trình.

Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Ninh Trần Văn Quy cho biết, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang có rất nhiều DN muốn được tham gia và sẵn sàng dành nguồn lực của DN để tham gia thực hiện các dự án đầu tư KH&CN nói chung và các dự án thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi nói riêng. Thực tế trong 3 năm qua,các DN của Quảng Ninh đã tham gia Chương trình này với kinh phí đối ứng từ 55% đến hơn 60% tổng kinh phí thực hiện dự án.

Tuy nhiên, để các dự án được triển khai thực sự đạt hiệu quả thì công nghệ lựa chọn phải thật sự gắn liền với công việc sản xuất và kinh doanh. Các nội dung chuyển giao phải thật sự giải quyết được các vấn đề then chốt còn vướng mắc của thực tiễn sản xuất, kinh doanh của DN. Công nghệ lựa chọn phải phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, và khả năng đầu tư, TS Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng chia sẻ thêm.

Về việc lựa chọn đơn vị chủ trì dự án tại các địa phương TS Vũ Văn Họa, phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đưa ra một số kiến nghị như với các dự án có quy mô vừa và nhỏ diễn ra trên địa bàn huyện có trụ sở xa trung tâm tỉnh lỵ, nên lựa chọn UBND huyện làm đơn vị chủ trì. Đối với các dự án có quy mô lớn (kể cả một số dự án có quy mô vừa và nhỏ diễn ra trên địa bàn huyện có trụ sở gần trung tâm tỉnh lỵ), nên lựa chọn sở KH&CN (hoặc các trung tâm trực thuộc sở KH&CN) làm đơn vị chủ trì; Đối với một số dự án đặc thù, có sản phẩm cụ thể sản xuất tại doanh nghiệp thì giao cho các DN chủ trì thực hiện.

Sau khi nghe những ý kiến đóng góp từ các vị khách mời tham gia buổi tọa đảm, thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải kết luận “Nên giao cho DN chủ trì các dự án sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa có quy mô lớn, khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu đến sơ chế, chế biến sâu và đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường. Các loại hình dự án yêu cầu có tổng số vốn đầu tư cao, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn lại là nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp”.


Xem thêm: làm sao để chọn được iphone  xịn

Nguồn: khoahoc.baodatviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét