Số liệu quan trắc vẫn còn gây… thắc mắc Sau khitrận động đấtmạnh 4,7 độ richter tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 với độ sâu tâm chấn khoảng 6km xảy ra lúc 14h24 ngày 15/11 khiến người dân hoảng loạn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác liên Bộ Xây dựng và khoa học - Công nghệ đã cấp tốc thực hiện chuyến khảo sát vùng tâm chấn thuộc huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và làm việc với các đơn vị liên quan về hoạt động địa chất bất thường tại khu vực này. Theo đánh giá của Viện Vật lý địa cầu, trận động đất chiều 15/11 cách đập thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 5km về phía thượng lưu và gây nên rung động trên cấp 6 (theo thang MSK-64). Ông Trần Văn Hải - Trưởng BQL dự án thủy điện 3 - chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 khẳng định: Đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn sau trận động đất có cường độ lớn nhất kể từ khi ngăn dòng sông Tranh, lưu lượng thấm qua thân đập vẫn bình thường ở mức 2,77l/s. Đại điện Tổng Công ty Tư vấn điện 1 - đơn vị thiết kế thủy điện Sông Tranh 2 khẳng định đập thủy điện này được thiết kế theo tiêu chuẩn Mỹ; thi công theo tiêu chuẩn Nga và Việt Nam. Kết quả nghiệm thu sau xây dựng cho thấy đập có thể chịu mức động đất vượt mức thiết kế là 5,5 độ richter… nên trận động đất chiều 15/11 không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình.Toàn cảnh thủy điện Sông Tranh 2.
Cùng nhận định về mức độ an toàn của thân đập, tuy nhiên PGS Phạm Thử Sy - thành viên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã chỉ ra mâu thuẫn giữa các số liệu quan trắc. Theo PGS, gia tốc trận động đất chiều 15/11 được các máy quan trắc tại thủy điện Sông Tranh 2 đo được là 268cm/s2, tức tương đương 6,5 độ richter và rung động cấp 9 (theo thang MSK-64). Nếu ở mức này thì các công trình lớn bị hư hỏng, xê lệch khỏi móng, nhiều nhà sập, nhưng thực tế không xảy ra. Vì thế, con số 268cm/s2 này là “có vấn đề”
Giải thích điều này, ông Lê Tử Sơn - chuyên viên địa chất Viện Vật lý địa cầu cho rằng thông số gia tốc 268cm/s2 mà các máy gia tốc đo trên mặt đập Sông Tranh 2 là đúng. Ông Sơn quả quyết: “Máy đo trong thân đập chỉ thể hiện phản ứng của đập với động đất chứ không phải mức độ của động đất”. Theo ông Sơn, trận động đất chiều 15/11 ở Bắc Trà My đạt độ rung động cấp 7, lớn hơn một cấp so với nhận định trước đó của Viện Vật lý địa cầu.
Trước đó, BQL dự án Thủy điện 3 cũng từng thông tin một trận động đất xảy ra ngày 7/9/2012 tại Bắc Trà My đạt mức 4,6 độ richter, nhưng sau đó Viện Vật lý địa cầu khẳng định lại trận động đất này chỉ có cường độ 4,2 độ richter…
Dân còn bất an thì không được tích nước
Trước hiện tượng động đất xảy ra liên tục tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 với cường độ ngày càng mạnh hơn, chính quyền và người dân Quảng Nam và người dân Quảng Ngãi giáp ranh với huyện Bắc Trà My vô cùng hoang mang, lo lắng. Theo thống kê sơ bộ, các trận động đất vừa qua khiến 856 nhà dân và 8 công trình công cộng bị hư hại. Ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ: “Trận động đất hôm qua tác động rất lớn, tới tận Tam Kỳ, Cù lao Chàm, Đà Nẵng, Quảng Ngãi khiến chúng tôi hết sức lo lắng. Người dân lân cận khu vực thủy điện ngày càng bất an hơn vì phạm vi động đất ngày một rộng. An toàn đập Sông Tranh 2 là vấn đề đáng lo, nhưng nỗi lo không kém là sự an toàn của hàng nghìn ngôi nhà”.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác khảo sát trong thân đập Sông Tranh 2. |
Ông Nguyễn Đức Hải cho biết đã tận mắt nhìn thấy rất nhiều ngôi nhà dân đang nứt rộng ra khiến buổi tối họ không dám ngủ trong nhà. Nếu để nhà dân đổ sụp thì hệ quả nguy hiểm như thế nào thật khó lường. Vì vậy, phải đảm bảo an toàn nhà dân cùng với đảm bảo an toàn đập...
Sau khi nghe y kiến của các chuyên gia, nhà tư vấn, chủ đầu tư… và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định hiện tượng động đất xảy ra ở Bắc Trà My sau khi xây đập Sông Tranh 2 cần phải đánh giá thận trọng. Vì động đất là hiện tượng rất khó dự đoán nên phải khẩn trương xúc tiến việc mời các chuyên gia có kinh nghiệm của nước ngoài tiếp tục đến nghiên cứu động đất ở Bắc Trà My. Bộ trưởng cũng yêu cầu EVN lắp đặt đầy đủ và bổ sung thêm các thiết bị quan trắc gia tốc càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo việc đo đạc quan trắc đảm bảo kết quả chính xác phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự đoán về động đất để từ đó có giải pháp xử lý phù hợp.
Để giúp người dân giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu EVN sớm trao số tiền 2,53 tỷ đồng để hỗ trợ sửa chữa những nhà dân bị động đất gây hư hại. Đồng thời, EVN phải thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân địa phương như đóng góp xây dựng, tu sửa đường giao thông, bố trí đất sản xuất cho người dân…
Bộ trưởng nhấn mạnh: Phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng là chưa cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Có thể vĩnh viễn không cho tích nước nếu công trình không đảm bảo an toàn và còn khiến người dân lo lắng, bất an
Xem thêm: làm sao để chọn được iphone xịn
Nguồn: cand.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét