Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Tìm lại vị thế của nghề sư phạm

SGTT.VN - Ngày 20.11 không chỉ tôn vinh nhà giáo, mà tôn vinh cả nghề dạy học. Nhưng tự bao giờ, trong xã hội vẫn lưu truyền những phương châm chọn nghề thật đáng buồn: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, xê ra sư phạm”, “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”… Xin dành trang Giá trị sống kỳ này để ghi nhận ý kiến của những người đang làm công việc giảng dạy, quản lý và nghiên cứu phát triển giáo dục về việc làm sao tìm lại vị thế cao quý của nghề dạy học.

Giá trị sống

Tọa đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Nguyễn Trung vẽ.

TS Nguyễn Đức Lộc, khoa nhân học đại học  khoa học  xã hội và nhân văn TP.HCM

Đã là muối thì phải mặn dần lên

Tốt nghiệp phổ thông, nhiều học sinh giỏi không chọn sư phạm vì nhiều lẽ, một trong những nguyên nhân chính là mẫu hình mà xã hội đang tôn vinh phần lớn đề cao giá trị vật chất, hào nhoáng bên ngoài. Xã hội kim bản vị dẫn đến nhiều giá trị ảo lên ngôi, đời sống nhân văn bị mờ nhạt. Trường học lẽ ra phải là nơi gìn giữ đời sống nhân văn cũng đang bị tác động bởi xã hội thị trường, những giá trị tinh thần đang bị quy đổi thành tiền, trào lưu thương mại hóa giáo dục khiến mọi thứ trong giáo dục đều trở thành hàng hóa. Ngay cả phụ huynh cũng coi nhẹ nghề giáo, hình ảnh người thầy đang bị xuống cấp trầm trọng. Ngày 20.11, đa số phụ huynh chỉ nghĩ đến việc phải đi phong bì cho thầy cô, ít ai hướng đến thầy cô như hình ảnh tôn vinh, đáng trân trọng… Chính những điều đó dẫn tới thực tế các em không định hướng nghề nghiệp theo giá trị tinh thần.

Còn ở bậc đại học, một trong những lý do người trẻ không chọn ở lại giảng dạy là họ thấy mình không được trân trọng. Tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại trường là một niềm vinh hạnh, nhưng vài năm gần đây, một hiện tượng rất lạ là nhiều sinh viên giỏi từ chối ở lại trường, mà chọn làm việc ở những công ty hoặc các lĩnh vực khác, để có thể thỏa sức thể hiện, làm việc ngay. Còn ở lại trường, làm việc với các giáo sư, thầy cô, họ thường bị coi là người chưa trưởng thành, không được giao công việc đúng phẩm cách người thầy, cũng không được trợ giảng, mà chỉ làm những việc lặt vặt như giáo vụ, văn phòng, thư ký… Chính điều đó làm mất đi sự đam mê tìm tòi chuyên sâu, không có thời gian đào sâu nghiên cứu. Cách nhìn của những người đi trước khiến cho thế hệ trẻ không thấy mình có tương lai. Với đồng lương mới ra trường từ 2 – 3 triệu đồng, không được hưởng gì thêm, làm sao đủ sống với mức sinh hoạt đắt đỏ hiện nay. Những giáo viên trẻ phải đối diện với khó khăn đủ thứ về tài chính, về cách nhìn xã hội, về đào tạo… nếu không đủ đam mê dễ rẽ lối đi sang ngành khác.

Giữa thực tế nhố nhăng này, hơn ai hết, mỗi người thầy phải nỗ lực tự thân để giữ đạo làm thầy, như nhà sư phải giữ giới, để học trò vẫn còn một chút niềm tin. Chúng tôi tự bảo nhau phải dạy và chấm bài nghiêm túc, nhưng nhiều lúc làm vậy phản ứng của sinh viên không thoải mái lắm đâu, vì họ đã quen với cách khác để tiến thân. Vượt lên những điều bình thường để giữ lại những giá trị nhân văn cũng khó lắm!

Đã theo nghề giáo, hãy cố gắng giữ những giá trị tốt đẹp trong hoàn cảnh xã hội chưa đúng, và phải chứng minh điều đó. Mỗi người một chút, hãy tự bảo vệ những gì mình tin là tốt đẹp, giữ lại những giá trị cốt lõi của môi trường giáo dục chính là tôn vinh nghề giáo một cách đúng nghĩa. Đã là muối, phải mặn dần lên.

Hoàng Tường vẽ.

Ông Giản Tư Trung, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED)

Người thầy có tâm mới tạo ra học trò có hồn

Hầu như những nước có nền giáo dục tốt đều có đội ngũ giáo viên giỏi. Chỉ có thầy giỏi mới có trò giỏi. Một trong những nước có nền giáo dục phổ thông tốt là Phần Lan. Khi tôi tham quan đại học Helsinki, trường sư phạm danh tiếng Phần Lan, trưởng khoa giáo dục của trường cho biết sư phạm là một trong những ngành khó nhất ở nước này. Hàng năm, ứng viên vào các khoa kinh tế, kinh doanh chỉ khoảng một chọi năm chọi sáu, thì ở khoa giáo dục là một phải chọi với 20 hoặc hơn. Còn ở Pháp, ngành sư phạm bao giờ cũng có điểm chuẩn đầu vào cao nhất. Tại sao đầu vào ngành sư phạm của các nước lại tốt như thế? Xuất phát từ ý thức hệ xã hội luôn coi trọng nghề dạy học.

Ở ta, Nhà nước luôn hô hào “giáo dục là quốc sách”, nhưng lại chưa có chính sách thỏa đáng để phát triển giáo dục, chưa có chế độ hợp lý với người thầy để họ thực hiện được vai trò của mình.

Trong phát triển đất nước, sư phạm là một ngành tạo ra sản phẩm phi lợi nhuận, nếu sản phẩm ngành này tốt thì tất cả các sản phẩm ngành khác cũng tốt theo và ngược lại, sản phẩm ngành này tệ sẽ kéo theo các ngành khác tệ hơn, vì con người là sản phẩm của giáo dục, ngành “công nghiệp mẹ”. Muốn có được người thầy tốt, bắt buộc phải thay đổi từ ý thức hệ. Chúng ta đừng trách lớp trẻ ngày nay sao thờ ơ, vô cảm, ích kỷ… Giáo dục là dạy làm người, chỉ những người thầy có tâm mới tạo ra được những học trò có hồn, chỉ có những người thầy được khai minh mới tạo ra những học trò khai minh, đó là quy luật.

Hoàng Tường vẽ.

PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng đại học Quốc tế (đại học Quốc gia TP.HCM)

Cải tổ chính sách phải tập trung vào thầy cô bậc phổ thông

Trong lịch sử đất nước mình, từng có thời kỳ ngành sư phạm thu hút được nhiều học trò giỏi, điểm đầu vào rất cao. Ở miền Nam trước 1975 thì trường sư phạm bắt buộc phải thi vào chứ không ghi danh như một số trường khác, và chỉ chọn học sinh giỏi. Để trả lời câu hỏi vì sao học sinh ưu tú đã từng chọn học sư phạm, giờ lại khác đi, Nhà nước phải có những nghiên cứu xã hội thật bài bản. Vẫn biết không có lời giải nào là bất biến, vì hoàn cảnh, môi trường đã khác, nhưng phải tìm được nguyên nhân gốc rễ mới có lời giải mới, biện pháp mới.

Một đặc điểm rất khác là ngày nay, người đi học chọn trường để học, vì phải tự quyết định tương lai. Học để bảo đảm có việc làm mới lo được cuộc sống của mình và gia đình, học để thỏa mãn ước mơ, phù hợp tâm huyết. Nếu Nhà nước coi giáo dục là quốc sách, phải bảo đảm nghề giáo đạt được những tiêu chí đó. Chính sách giáo dục phải thay đổi căn cơ trong đãi ngộ, tiền lương, điều hành giáo dục. Phải bảo đảm thu nhập của nghề giáo như bao nhiêu nghề khác, nếu thầy cô chạy vạy lo toan thì làm sao có thời gian nghiên cứu khoa học, làm sao khuyến khích lớp trẻ vào nghề giáo.

Với tôi, thầy cô thời phổ thông là những người không bao giờ được quên, vì chính thầy cô là người khai sáng cho tôi, tôi luôn ghi nhớ, trân trọng. Nhưng thăm lại thầy cô, tôi thấy thầy cô vô cùng vất vả. Nghiên cứu cải tổ chính sách phải tập trung nhiều nhất vào đối tượng thầy cô bậc phổ thông, lực lượng khó khăn nhất, nhận lãnh trách nhiệm nặng nề nhất. Đây là giai đoạn hình thành và định hướng nhân cách trẻ thơ, đòi hỏi thầy cô phải bươn chải, phải dìu dắt, công sức bỏ ra lớn lắm. Hãy nhìn nhận việc dạy thêm của các thầy cô phổ thông một cách khoan dung hơn. Bản thân tôi ngày xưa cũng vất vả lắm, muốn kiếm đủ tiền mua sữa cho con cũng phải đi dạy thêm chứ đâu có cách nào khác. Tuy nhiên, mình mở lớp tại nhà, trò nào muốn đến thì đến chứ không phải ép các em tới học mới được điểm cao… Chống lại việc dạy thêm, phải xem xét nguyên nhân căn cơ là gì, đừng chống kiểu phần ngọn, nhất thời. Đánh giá kết quả học tập cũng phải dựa trên cả một quá trình, đừng vì bệnh thành tích mà ép cả thầy và trò phải “chạy” quá mệt mỏi.

Đã chọn nghề giáo, chẳng ai nghĩ mình sẽ làm giàu, họ chỉ cần đủ sống để yên tâm cống hiến cho xã hội. Thời buổi cạnh tranh quyết liệt, không chỉ nghề giáo, nghề nào cũng vậy, trăn trở, có tâm, biết làm việc hiệu quả mới tạo ra sản phẩm tốt được. Sản phẩm giáo dục vừa hữu hình vừa vô hình, đó là đào tạo con người, nên chăm chút cho sản phẩm này không chỉ bằng hành động mà còn bằng tất cả tâm tưởng. Phải thật hết lòng, đối xử bằng tình thương, khi có tình cảm mới có sự đồng cảm, tôn trọng giữa thầy và trò.

Hoàng Tường vẽ.

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM:

Danh dự nhà giáo đang bị xúc phạm

Giới trẻ hiện nay, nhất là học sinh giỏi không chọn sư phạm vì nhiều lý do. Giả sử chúng ta có con và con đang chọn một nghề để học, chúng ta thường khuyên: hãy chọn nghề nào con thích, nuôi sống được gia đình, và con đường tiến bộ còn dài… Nếu nhìn vào thầy cô của chính mình, hẳn là các em rất ngần ngại, vì thấy ngay rằng nghề sư phạm không thể nuôi sống được gia đình.

Hiện có khoảng 50% số giáo viên từ bậc tiểu học đến THPT thu nhập 3 – 3,5 triệu đồng/tháng, thấp hơn cả lương của người làm công tác đánh máy, lái xe... Đồng lương như thế đủ nuôi gia đình nhà giáo sống tại đô thị trong bao lâu: một tuần hay nửa tháng? Do phải sống mẫu mực, mô phạm để làm gương nên nhà giáo chân chính luôn vượt lên chính mình để “đói cho sạch, rách cho thơm”. Ngành sư phạm không hấp dẫn giới trẻ vì bề ngoài không hào nhoáng đã đành, nhưng cái cần bảo đảm nhất cũng không khả thi, nên có treo học bổng cỡ nào cũng khó thuyết phục được học trò.

Nhà giáo hiện nay có tâm tư rất nặng nề bởi nguồn thu nhập đã hạn hẹp sẽ càng hạn hẹp hơn và uy tín người thầy đang bị xúc phạm. Một cô giáo trẻ tiểu học hỏi hiệu trưởng mình: “Cô ơi, rồi đây dạy thêm có bị bắt không?” Cô hiệu trưởng thì lắc đầu ngao ngán vì tự nhiên bị đặt vào tình thế phải làm thêm việc bất khả thi là quản lý giáo viên ngoài nhà trường. Chính quyền thì lúng túng không biết phải duyệt cấp phép như thế nào, hậu kiểm ra sao, ai vi phạm thì ghép vào “tội” gì...

Nhà giáo lao động với cường độ cao một cách thầm lặng, dù được trả lương thấp nhưng đặc biệt coi trọng danh dự. Nhà giáo không chỉ cố tránh làm sai pháp luật mà còn tránh làm những việc dù rất bình thường với người khác nhưng “khó coi” với mình để tránh gây điều tiếng cho bản thân và cho ngành. Thế nhưng, làm sao không tâm tư khi nhà giáo và cả cấp trên của nhà giáo bị nhắc nhở công khai về việc dạy thêm. Có cô giáo, thầy giáo bị bắt và lập biên bản vì dạy thêm trước mặt học trò. Bẽ bàng cho nhà giáo chúng ta quá.

Nên đối xử với nghề giáo như những nghề khác. Bác sĩ có quyền mở phòng mạch tư thì nhà giáo cũng được làm ngoài để có thêm thu nhập từ nghề dạy học, để sống như một công dân lương thiện. Lương không đủ sống, nhà giáo đang đứng giữa hai ranh giới mong manh là phẩm chất và tiêu cực – nếu coi dạy thêm là hành vi tiêu cực. Pháp luật không cấm người làm thêm để có thêm thu nhập thì nên khuyến khích người lao động có thêm thu nhập từ chính nghề của mình, miễn thu nhập đó là chính đáng.

Nguyện vọng của các nhà giáo là được sống bằng lương để có thể toàn tâm, toàn ý dốc sức cho sự nghiệp giáo dục. Nếu coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên tạo cho giáo viên một cuộc sống ổn định. Một đòi hỏi rất chính đáng và tối thiểu vậy mà mấy đời bộ trưởng của ngành “quốc sách hàng đầu” này chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được! GS.TSKH Vũ Minh Giang đã nhận định rất đúng: “Chính sách đối với nhà giáo phải được xem là thái độ chính trị đối với trí thức, đồng thời đó cũng là thái độ chính trị với tương lai của đất nước. Chính vì vậy cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nhà giáo”. Nhà giáo là thủy thủ làm nhiệm vụ trên con tàu giáo dục. Lòng tự hào, vị thế của thủy thủ sẽ được nâng lên nếu được phục vụ không phải trên một con tàu cũ,  thiết bị  lạc hậu, chạy chậm mà lại đang lạc lối mà là trên một con tàu thiết kế hiện đại, tốc độ cao, có thuyền trưởng vững vàng và sáng suốt, biết tôn trọng thủy thủ. Khi đó tương lai của đất nước sẽ tươi sáng hơn.

thực hiện: Kim Yến

Sinh viên sư phạm nói gì?

Nguyễn Thị Nhung, khóa 38 ngành sư phạm vật lý, đại học Sư phạm TP.HCM:

Nhiều người ngại vào sư phạm, thậm chí chê vì những ngành kinh tế, kỹ thuật, y dược ra trường công việc tốt hơn... Tuy nhiên tham khảo ý kiến của gia đình và các thầy cô, em nghĩ quan trọng là mình thích ngành đang học hay không chứ ngành nào xã hội cũng cần, nếu ai cũng vì lý do thu nhập mà không học sư phạm thì còn ai dạy dỗ học trò. Sau thời gian học, em càng tin tưởng vào quyết định của mình.

Nguyễn Trần Thủy Tiên, ngành giáo dục thể chất, đại học Sư phạm TP.HCM:

Có nhiều lý do để người ta ngại thi vô sư phạm nhưng em thấy rõ nhất là thu nhập của giáo viên thấp hơn nhiều trong khi những ngành học khác ra trường có nhiều nơi tuyển dụng, thu nhập cao. Khi đăng ký thi vô ngành sư phạm, em cũng suy nghĩ nhiều và đã nhờ gia đình và thầy cô dạy giáo dục thể chất tư vấn. Bây giờ khi đã trải qua một thời gian học tập, em thấy lựa chọn của mình là đúng bởi ngành nào cũng cao quý. Tuy người ta hôm nay có thể chê ngành sư phạm nhưng ngày mai vẫn phải gửi con đến trường nhờ thầy cô dạy dỗ.

Trung Dũng ghi


Xem thêm: làm sao để chọn được iphone  xịn

Nguồn: sgtt.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét