Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Việt Nam đăng cai Asiad 18-2019: Nguy cơ “đội giá”

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất sau khi Việt Nam nhận quyền đăng cai Asiad 18 chính là làm sao lo đủ kinh phí để phục vụ cho các công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội. Đã có rất nhiều bài học trong quá khứ cho thấy, các nước chủ nhà luôn bị "đội giá” rất nhiều so với kinh phí dự trù ban đầu. Điều đó cho thấy, nếu như các nhà quản lý thể thao nước nhà không có sự tính toán kỹ lưỡng, sẽ phải chịu hậu quả khó lường thời hậu Asiad, tạo gánh nặng cho toàn xã hội.

150 triệu USD liệu có đủ để tổ chức Asiad

Kinh phí thấp hơn cả SEA Games 2003

Theo dự kiến, tổng chi phí cho các cơ sở vật chất xây mới các công trình phục vụ Asiad 18 là 1.500 tỷ. Các nhà thi đấu tại Hà Nội và các thành phố vệ tinh sửa chữa khoảng 600 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng khoản chi cho cơ sở vật chất là 2.100 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.200 tỷ đồng là chi cho công tác tổ chức Đại hội. Ngoài ra, Việt Nam sẽ còn phải sử dụng nhiều khoản kinh phí khác, như chi phí đặt cọc cho Hội đồng Olympic châu Á (OCA) một tháng sau khi đăng cai Asiad là 1 triệu USD (21 tỷ đồng). Chi phí ký hợp đồng quảng cáo, tiếp thị với OCA một năm sau khi giành quyền đăng cai Asiad là 15 triệu USD (315 tỷ đồng)...Riêng kinh phí chuẩn bị lực lượng VĐV trong bảy năm của thể thao Việt Nam cho Asiad 2019 không được đưa vào chi phí tổ chức Asiad mà quy về nguồn ngân sách hằng năm.

Như vậy, tổng chi dự kiến để tổ chức Asiad 18 là 4.126 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi phí để chuẩn bị và tổ chức Đại hội là 3.149 tỷ đồng (150 triệu USD). Số tiền này thậm chí thấp hơn cả kinh phí 4.700 tỷ đồng để tổ chức SEA Games 2003 của 9 năm về trước. Không chỉ đưa ra một con số kinh phí rất khiêm tốn, Việt Nam cũng dự kiến sẽ thu về một số tiền khổng lồ từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, con số thu 1.000 tỷ đồng trong đề án của ngành thể thao khiến nhiều người phải "choáng”. Số tiền này bao gồm hơn 100 tỷ từ lệ phí tham dự của các đoàn, khoảng 30 tỷ từ bán vé và hơn 800 tỷ từ quảng cáo, bản quyền truyền hình, tài trợ...Điều đáng nói là con số dự kiến này đều được tính dựa trên tình hình kinh tế hồi phục sau 7 năm nữa. Tuy nhiên, trong trường hợp nền kinh tế vẫn trì trệ, thậm chí là đi xuống, thu 1.000 tỷ đồng để bù đắp khoảng 1/3 kinh phí tổ chức Asiad 18 có thực tế? Cần phải nói rõ hơn là tại SEA Games 2003 Việt Nam thu được 70 tỷ, còn AIG 3 thậm chí còn thảm hơn, chỉ vỏn vẹn 30 tỷ.

Bài học từ các nước chủ nhà

Dù "ăn theo” quy hoạch phát triển của thành phố Hà Nội tới năm 2030, nhưng ngay cả như vậy thì con số 150 triệu USD trong dự trù kinh phí mà Phó Chủ tịch UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đưa ra có vẻ khá khiêm tốn. Đây thậm chí còn là số tiền dự trù thấp nhất trong lịch sử các kỳ tổ chức Asiad và ngay từ bây giờ, Việt Nam đã có thể tự hào về một kỳ Á vận hội "siêu tiết kiệm”. Tuy nhiên, như khẳng định của nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, con số 150 triệu USD khá mơ hồ, không sát với thực tế và ngay cả chỉ là "phần cứng”, cũng khó có thể đủ. Điều đáng nói là trong quá khứ, đã có rất nhiều bài học về sự "đội giá” kinh phí của các nước đăng cai, có những nước rơi vào cảnh nợ nần rồi dẫn đến vỡ nợ cũng vì không có sự tính toán hợp lý.

"Chúng ta có nhiều bài học rồi. Mexico từng phải mất 30 năm để trả nợ sau khi tổ chức Olympic 1968. Olympic Matxcova 1980 cũng tốn một khoản kinh phí khổng lồ. Tiếp đó, lần tổ chức Olympic ở Hy Lạp năm 2004 đã trở thành gánh nặng và là một trong những nguyên nhân khiến quốc gia này những năm sau đó bị vỡ nợ. Gần nhất, Trung Quốc lên kế hoạch tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 khoảng 22 tỷ USD, nhưng thực tế lại gấp đôi con số này. Cũng ở Trung Quốc, dù được sử dụng các  thiết bị  từ Olympic nhưng kỳ Asiad 2010 đã phải bỏ gần 20 tỷ USD, cao gấp 10 lần dự kiến. Như vậy có thể thấy, hầu như các quốc gia đều có những phát sinh trong quá trình tổ chức và nếu không tính toán một cách thực tế nhất, chúng ta sẽ rơi vào cảnh khó khăn những năm sau đó”, ông Minh nói.

Sự cảnh báo của ông Minh là hoàn toàn có cơ sở. Nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan cũng dự trù kinh phí khoảng hơn 80 triệu USD cho kỳ Asiad 1998, nhưng con số thực tế là hơn 600 triệu USD. Hàn Quốc từng đưa ra con số kinh phí tổ chức Asiad 2002 là 182,5 tỷ won (167,4 triệu USD), nhưng con số thực tế lên tới 3.140 tỷ won (2,9 tỷ USD), tức là gấp hơn 10 lần so với kinh phí dự trù. Còn trong lần tổ chức Asiad tới đây vào năm 2014, Hàn Quốc đã thông báo mình đang chịu sức ép rất lớn vì khó đảm bảo nguồn kinh phí cho rất nhiều công trình đang được triển khai xây dựng.

Bài học mang tên SEA Games, AIG

Có thể trong gần 10 năm tới, mọi thứ sẽ tiến triển tốt. Đó là chưa kể Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp từ năm 2020. Tuy nhiên ông Minh cho rằng: "Chúng ta cần phải có những cái nhìn thực tế, lường trước được mọi khó khăn rồi mới bắt tay vào làm. Cá nhân tôi cũng cho rằng các quan chức TTVN nên hết sức trung thực, khách quan trong việc nhìn nhận vấn đề. Chúng ta không thể cứ nhìn thấy cơ hội đăng cai là quyết làm, mà không tính đến chuyện có thể kế hoạch đăng cai ấy sẽ đánh đổi gánh nặng. Cứ nhìn lần tổ chức AIG 3 năm 2009 đến nay, tôi biết một số chi phí vẫn chưa quyết toán được. Một Đại hội không chỉ có kinh phí xây mới các địa điểm thi đấu, mà còn rất nhiều hạng mục khác. Điều này thì ngành thể thao đã tính hết chưa?”.

Bài học lớn nhất của Việt Nam, chính là 2 lần tổ chức SEA Games 22 năm 2003 và AIG 3 năm 2009. Nếu như SEA Games 22 được cho là Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức và con số thu về là 70 tỷ đồng cũng chấp nhận được thì ở AIG 3 mới thực sự bi đát. Bỏ ra hơn 100 triệu USD, trong đó tốn kém nhất là việc xây dựng cung điền kinh trong nhà và tu sửa các nhà thi đấu, nhưng khi thu về chỉ vỏn vẹn có 30 tỷ, chủ yếu là bằng hiện vật, thiết bị... Điều đặc biệt là hầu như rất nhiều người dân, thậm chí còn chẳng biết AIG là cái gì, nên hiệu quả từ sức hút rộng lớn của người hâm mộ rất thấp, đồng nghĩa với việc BTC không bán được vé, nhà tài trợ không mặn mà và giải đấu cũng bị lãng quên ngay cả khi còn chưa kết thúc.

Đó thực sự là những bài học xương máu với các nhà quản lý thể thao nước nhà. Tất nhiên, Asiad 18 sẽ được kỳ vọng hơn rất nhiều vì ở một tầm khác. Tuy nhiên, nếu con số dự trù khác xa so với thực tế, bài toán hậu Asiad sẽ trở thành gánh nặng với toàn xã hội.

Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Vương Bích Thắng, thừa nhận: "150 triệu USD là chi phí tổ chức, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có và xây mới một số hạng mục, công trình. Theo tôi, sự đầu tư tổng thể để phục vụ cho Á vận hội 2019 sẽ lớn hơn rất nhiều ". Trong khi đó ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng kể cả có 500 triệu USD cũng chưa chắc đã đủ.

Nhiều công trình có nguy cơ rơi vào cảnh đắp chiếu sau Asiad

Những công trình ngốn tiền tỷ sau Asiad

Dự trù kinh phí tổ chức cả Asiad của Việt Nam là 150 triệu USD nhưng riêng việc xây dựng khu xe đạp lòng chảo đã tốn kém tới...250 triệu USD (chưa kể kế hoạch xây dựng tổ hợp khách sạn dịch vụ thể thao 5 sao 250 triệu USD). Để giải quyết bài toán này, Việt Nam có kế hoạch liên doanh với phía Hàn Quốc, nhưng ngay cả như vậy cũng phải bỏ ra ít nhất vài chục triệu USD. Một số nguồn tin còn cho rằng, Việt Nam sẽ phải chấp nhận cho Hàn Quốc tổ chức cá cược xe đạp, coi đó là điều kiện ràng buộc để đối tác này chịu bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư. Đó là chưa kể Việt Nam sẽ phải xây dựng mới ít nhất khoảng 5-6 nhà thi đấu nữa phục vụ cho các môn: bóng chày, bóng bầu dục, khúc côn cầu...Đặc biệt, việc xây dựng Nhà thi đấu đa năng cũng tốn kinh phí khoảng 80 triệu USD.

Rất nhiều công trình lên tới hàng triệu đô đang có nguy cơ bị "đắp chiếu” sau Asiad. Đặc biệt, những môn như xe đạp lòng chảo, bóng chày, bầu dục...Việt Nam thậm chí còn không có đội tuyển, chứ chưa nói đến người dân tập luyện môn này. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, các công trình thể thao do Hà Nội quản lý, UBND thành phố sẽ phải có quyết định sử dụng sao cho hợp lý với công suất tối đa, tránh hiện tượng xuống cấp hoặc rơi vào tình trạng không sử dụng, gây lãng phí. Cụ thể, các công trình này sẽ phục vụ những lợi ích cộng đồng. Các nhà thi đấu có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, phát triển các môn thể thao có thế mạnh.

Tất nhiên, nói thì dễ nhưng thực tế lại khác. Chỉ cần nhìn những công trình có quy mô nhỏ như tại SEA Games 22, tới nay đang gần như không được sử dụng hiệu quả. Thảm nhất là Cung điền kinh trong nhà phục vụ cho AIG 3, giờ chủ yếu tổ chức một số giải nghiệp dư và thậm chí là cả...đám cưới, tiệc tùng.

An Chi


Nguồn: daidoanket.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét