Tan buổi học, tôi đón con tại một ngõ nhỏ. Con tôi chuẩn bị thi chuyển cấp. Vậy là phải cho nó học thêm môn Toán, mà người dạy thêm lại chính là giáo viên chủ nhiệm ở trường. Từ trong ngõ hẹp, tôi nghe lũ nhỏ xôn xao: “Lão ấy cứ tiền trám vào là xong, không tiền a lê… nghỉ khỏe…”. Gọi thầy giáo mình là lão ta, tôi nghe mà rát mặt. Ngồi đằng sau xe, con tôi ngậm ngùi cho thằng bạn bị thầy đuổi học. Vì sao ư? Vì nó không kịp nộp học phí.
- Mỗi tháng 200 nghìn đồng, phải nộp đủ ngay một lần lão ta mới nhận dạy. Mẹ nó đến xin thầy nộp hai tháng trước, những tháng sau sẽ lo dần. Thế là thằng bạn con a lê … về nhà. Bố thấy có dã man không.
Trên quãng đường về nhà, tôi chợt nhớ tới ánh sáng ngọn đèn vàng vọt ngày nào nơi căn nhà thầy giáo tôi ở số 40 Hàng Tre: Thầy Trịnh Thế Vinh.
Ngày đó, cách nay tới 40 năm có dư. Thầy Vinh chừng 34 – 35 tuổi dạy Toán, cũng là chủ nhiệm lớp tôi, hiền và rất hóm. Không như nhiều thầy dạy Toán khác, là nỗi ám ảnh của không ít học trò, thầy Vinh dẫn chúng tôi vào môn học cứ như người đi kiếm tìm vật lạ trong khu vườn. Vậy mà không ít người bị thầy hút hồn lúc nào không hay. Sau này gặp lại, thầy mới nói: “Kiến thức cơ bản, ai cũng có thể truyền đạt được, nhưng điều quan trọng là gây được hứng thú học. Giáo viên nào làm được điều đó là thành công”. Vào giờ của thầy, kể cả học sinh dốt Toán cũng cảm thấy nhẹ nhàng. Mỗi lần trả bài, tôi nhớ như in những nhận xét hóm hỉnh bằng mực đỏ bên lề. Có lần tôi bị điểm 3- trong khi đó xung quanh điểm 4, điểm 5 rào rào ( ngày đó còn thang điểm 5). Tôi chỉ muốn tìm lỗ mà chui. Nhưng khi đọc lời phê: “Công thức này cậu tìm ở đâu vậy, tài thật” (Đó là khi tôi ứng dụng nhầm một công thức ). Xuống dưới một chút, thầy lại phê: “Cậu bịa khiếp thật đấy”. Mà nghĩ cho cùng, công thức tôi đóng khung trông có vẻ lắm, nhưng thực ra là tôi tự sáng tác thôi vì… bí. Cuối buổi học thầy gọi tôi và mấy anh bạn có lẽ cùng có năng khiếu “sáng tạo” công thức như tôi ở lại. Thầy bảo:
- Anh bạn khu 4 này, tôi xin cậu tưởng tượng vừa vừa thôi. Để dành đó sau này dùng cho văn chương. Còn bây giờ cậu cầm lấy cuốn sổ này về đọc cho kỹ. Chỉ những nơi tôi gạch mực đỏ thôi. Tuần sau tôi kiểm tra.
Tuần sau, đúng như lời thầy, tôi phải lên bảng. Không phải để đọc thuộc các công thức, mà làm những bài Toán cụ thể. Thầy gạch thêm mực đỏ vào 4, 5 trang tiếp theo và nhắc tôi học tiếp. Cứ vậy dần dần tôi kịp hệ thống lại những kiến thức cơ bản. Thầy chia lớp ra mấy nhóm. Nhóm giỏi Toán, nhóm yếu đại, nhóm yếu hình, mỗi nhóm có những bài tập thích hợp. Nhiều hôm thầy còn gọi một vài người tới nhà vào buổi tối. Tôi trong số thường xuyên được “mời” đến thăm nhà thầy vào các buổi tối. Đó là ngôi nhà số 40 Hàng Tre. Đêm mùa hè, đường phố vắng và mát. Thoang thoảng mùi dạ hương tỏa dài theo con phố hẹp ra phía Bờ Hồ. Nhà thầy sáng một ngọn đèn. Tôi biết giờ này thầy đang sốt ruột chờ chúng tôi sau ô cửa sổ. Một lần, tôi nhìn thầy tủm tỉm cười:
- Cậu Diễn này, tôi biết văn chương thơ phú nó ám ảnh cậu, nhưng muốn qua sông, nhất định phải vượt cho được cái cầu này. Đây là tập hợp những bài Toán mẫu. Còn một tháng nữa, chưa muộn… Trong kỳ thi Toán năm đó, lớp tôi được 3 người trong đội tuyển thành phố, và Đoàn Trịnh Ninh đạt giải nhất Toán toàn miền Bắc năm học 1962 - 1963. Họ đều bị thầy Vinh mê hoặc mà trở thành những học sinh giỏi Toán. Còn tôi, hú vía, đã vượt được cầu.
Hơn 20 năm sau, biết thầy là giáo viên chuyên Toán của Sở GD&ĐT Hà Nội, tôi đến thăm thầy tại trường Chu Văn An. Gặp thầy, tôi chào và vui vẻ nói: “Có lẽ thầy không nhớ em. Chúng em là học sinh 10 D năm học…”
- Thôi mà, làm sao quên được anh bạn tài bịa tạc. Từ bấy tới nay có sáng tác thêm được công thức mới nào không?
Thầy cười, chúng tôi cười, sống lại tình thầy trò như hồi nào. Ngày quốc tế Nhà giáo năm đó tôi mang hoa tặng thầy. Giấu một chút bối rối, thầy nói: “Thì ra cậu vẫn nhiều ý tưởng nhỉ”. Nỗi xúc động hiện lên đôi mắt của thầy.
Những buổi dạy thêm, không một đồng học phí, không quà cáp bồi dưỡng. Lũ học trò chúng tôi ngày đó sao mà vô tâm đến không thể tha thứ được. Ấy vậy mà thầy thật vui, nhất là khi lũ “D.Ố.T” chúng tôi khá dần lên. Những năm tháng học trò của lũ chúng tôi trong trẻo biết dường nào. 50 năm đã trôi qua mà nghĩ lại, không hết bồi hồi. Có lẽ bởi trong khuôn viên trường học chúng tôi có những người thầy để kính trọng, và để yêu mến nữa. Lẽ nào những người như thầy Trịnh Thế Vinh của chúng tôi đã… xưa lắm rồi?
Mỗi lần có dịp đi qua con phố nhỏ Hàng Tre quen thuộc, bất giác tôi lại ngước lên ngôi nhà số 40, nơi người thầy của chúng tôi đã sống, đã dạy học. Ngày nay nhiều công thức Toán học chúng tôi không còn nhớ nữa, nhưng hình ảnh người thầy cao thượng và hết lòng thì đã in sâu vào ký ức của những học trò năm nào.
Đoàn Tử Diễn
Nguồn: phapluatxahoi.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét