Tiết kiệm tối đa “đầu vào”
Theo ông Ngô Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục BVTV, so với phương pháp thâm canh lúa truyền thống, với SRI, lượng thóc giống giảm 70- 90%, phân đạm giảm 20- 25%, nhu cầu tưới nước cho ruộng lúa giảm được khoảng 30%. “Điều này rất hữu ích trong điều kiện khan hiếm nguồn nước tưới như hiện nay. Đồng thời, canh tác theo SRI luống mạ nhỏ hơn, do đó dễ quản lý, tiết kiệm công chăm sóc, chi phí cũng như diện tích đất...” - ông Dũng nói.
SRI được ứng dụng tại huyện Nam Đàn, Nghệ An. |
Khi áp dụng SRI, nông dân có thể thu được sản lượng cao hơn từ những giống lúa truyền thống, nếu áp dụng đầy đủ nguyên tắc của SRI, thu nhập sẽ tăng trung bình trên 2 triệu đồng/ha, đặc biệt chi phí đầu tư cho 1kg thóc giảm trung bình 342-520 đồng.
Ông Dũng cho rằng: “Các giống lúa truyền thống thường mang đặc điểm di truyền có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Việc cải tạo và bảo tồn các giống lúa địa phương giúp ứng phó với các điều kiện bất thuận và duy trì tính bền vững của các hệ thống canh tác. Như vậy SRI sẽ tiết kiệm tối đa vật tư đầu vào”.
Theo cách thức quản lý SRI, ruộng lúa thông thoáng hơn, cây lúa khỏe hơn, ít bị đổ ngã. Đây là lợi thế đặc biệt quan trọng trước nguy cơ hạn hán, tài nguyên nước cạn kiệt, lượng mưa thay đổi trong suốt mùa vụ như hiện nay. Do đó, nông dân có thể canh tác lúa ở cả những khu vực ngày càng khan hiếm nước hoặc khó dự báo chế độ mưa, giảm rủi ro thất bát khi mưa đến muộn hoặc lượng mưa ít.
Trong trường hợp cây lúa bị chết khi gặp thời tiết xấu, SRI sẽ giúp nông dân nhanh chóng cấy lại vì họ chỉ cần 1/5 lượng giống và mạ có thể cấy được sau 10- 15 ngày thay vì 20- 30 ngày so với tập quán. Với thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích đất, nông dân có thể chuyển một phần đất sang một số loại cây giàu dinh dưỡng và cho lợi nhuận cao như hoa màu, rau, đậu, nuôi thả gia súc, cải thiện bữa ăn và tạo thêm thu nhập. Hệ thống cây trồng được đa dạng giúp bảo vệ đa dạng sinh học và tích tụ cácbon cải tạo đất.
Hỗ trợ đào tạo nông dân nòng cốt
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, từ khi bắt đầu áp dụng SRI đến việc phát triển SRI như hiện nay, Cục BVTV đã nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhiều chương trình, dự án quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong đó, điển hình là Tổ chức Oxfam của Mỹ.
SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả dựa trên những nguyên tắc cơ bản là: Cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ.
Năm 2007, được sự hỗ trợ của tổ chức này, Chi cục BVTV Hà Tây (cũ) đã xây dựng và áp dụng thành công mô hình "Cộng đồng ứng dụng SRI" trên quy mô toàn xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây trên tổng diện tích 170ha với hơn 1.000 nông dân được tiếp cận SRI. “Kết quả của mô hình chính này là cơ sở để Bộ NNPTNT công nhận SRI là tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất lúa nước ở các tỉnh phía Bắc”- ông Hồng cho biết.
Trao đổi với NTNN, ông Ngô Tiến Dũng cho rằng, các tiến bộ kỹ thuật của SRI hoàn toàn có thể mở rộng vào các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay, SRI mới phủ được 16% diện tích đất lúa ở miền Bắc, chiếm 6% diện tích đất lúa cả nước. Tính đến vụ đông xuân 2011, trên cả nước đã có 22 tỉnh với khoảng 1 triệu nông dân áp dụng các kỹ thuật sáng tạo từ SRI. Vì thế, theo ông Dũng, để nhân rộng SRI, các địa phương cần tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ xây dựng, đào tạo những nhóm nông dân nòng cốt.
Hữu Thông
Xem thêm: làm sao để chọn được iphone xịn
Nguồn: danviet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét