Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Chó gây tai nạn chủ phải đền

Theo quy định của pháp luật thì chó là vật nuôi phải được quản lý chặt chẽ, di chuyển trong khu vực cố định và đảm bảo không được gây ảnh hưởng người khác.


Cách đây 3 ngày, cháu tôi bị tai nạn do cán phải con chó nhà hàng xóm. Trong lúc đang trên đường chạy xe về nhà (cháu tôi đi đúng đường) thì một con chó nhà hàng xóm từ trong ngõ lao ra tông vào xe của cháu tôi làm cháu tôi ngã và bị gãy tay, xe thì hỏng nặng. Hiện gia đình đã đưa cháu đi bệnh viện điều trị. Ngay lúc đó chúng tôi có gọi công an tới hiện trường lập biên bản. Như vậy gia đình tôi có bắt chủ nuôi chó bồi thường thiệt hại về người và xe cho cháu tôi được không?
Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:

Theo quy định của pháp luật thì chó là vật nuôi phải được quản lý chặt chẽ, di chuyển trong khu vực cố định và đảm bảo không được gây ảnh hưởng người khác. Nếu chó gây thiệt hại thì chủ chó phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Căn cứ theo các quy định pháp luật tại khoản 1 điều 625, điều 608, 609 BLDS 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, gia đình bạn có thể yêu cầu chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại cho cháu bạn phải bồi thường. Các khoản bồi thường mà gia đình bạn có thể yêu cầu trong trường hợp này bao gồm:

- Khoản tiền bồi thường do tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng

- Khoản tiền bồi thường lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.
Cơ sở pháp lý:

- Điều 625. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.

- Điều 608. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

- Điều 609. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

- Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006

LS Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật- Đoàn Luật sư TP.HCM 120 Sương Nguyệt Anh, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM. ĐT: 0906633168-08.62906420.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số  điện thoại  để chúng tôi tiện liên hệ).


Nguồn: vietnamnet.vn

Thị trường bảo hiểm tăng trưởng khả quan

Thông tin từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết: Tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ gốc 9 tháng đầu năm ước đạt 17.039 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Thông tin từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết: Tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ gốc 9 tháng đầu năm ước đạt 17.039 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2011.

CôngThương- Dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là Bảo Việt, ước đạt 4.090,3 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm thị phần 24%. Tiếp đến là PVI (3.820,9 tỷ đồng, tăng 9,5%, chiếm thị phần 22,4%), PJICO (1.500 tỷ đồng, tăng 11,4%, chiếm thị phần 8,8%) và PTI (1.222,3 tỷ đồng, tăng 64,5%, chiếm thị phần 7,2%).

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm trước là: Bảo hiểm Hàng không (320,2 tỷ đồng, giảm 26,7%), Phú Hưng (3,2 tỷ đồng, giảm 22,5%), Bảo Ngân (79,7 tỷ đồng, giảm 22,8%), VASS (166,3 tỷ đồng, giảm 25%), Bảo Long (182,7 tỷ đồng, giảm 17,2%) và AAA (314,5 tỷ đồng, giảm 2%).

Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, sau 9 tháng kinh doanh, tổng doanh thu phí ước đạt 12.783 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Đến hết tháng 9/2012, việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố với 135.916 hộ dân đã tham gia ký hợp đồng bảo hiểm (trong đó 85% hộ nghèo) với giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản là 2.005 tỷ đồng, phí bảo hiểm 126.770 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều địa phương đã tham gia bảo hiểm vật nuôi với tổng số 167.733 con, giá trị được bảo hiểm 182.259 triệu đồng; tổng số phí bảo hiểm 10.468 triệu đồng. Các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm thủy san khi đã có trên 3.900 hộ tham gia, với tổng diện tích bảo hiểm là 1.247 ha; giá trị được bảo hiểm 1.023.517 triệu đồng.


Nguồn: baocongthuong.com.vn

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật - Báo động đỏ

Tình trạng lạm dụng, sử dụng vô tội vạ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vào trồng lúa, cây ăn trái, nuôi thủy sản và cả trồng rau màu đã đến hồi báo động đỏ. Cùng với những nguyên nhân từ rác thải công nghiệp đang đẩy vùng sản xuất trọng điểm lúa, thủy sản, cây ăn trái ở ĐBSCL rơi vào những nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn vùng trong một tương lai gần.

Một bảng hướng dẫn “1 phải - 5 giảm” của Chi cục BVTV An Giang. Ảnh: C.P.

Lúa, tôm, cây ăn trái đều dính thuốc

Báo cáo mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta sử dụng 15.000 - 25.000 tấn thuốc BVTV. Gần 100% diện tích đất canh tác nông nghiệp đều có sử dụng thuốc BVTV, áp dụng cho tất cả các loại cây trồng. Ước tính hiện có trên 1.000 chủng loại thuốc BVTV có độc tính cao đang được sử dụng trên đồng ruộng.

Các hóa chất BVTV hiện nay có một số nhóm chính như phospho hữu cơ, chlor hữu cơ, carbamat, pyrethroid và một số chất khác như aldicarb, camphechlor… với hàng trăm tên thương mại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau dẫn đến nhiều khó khăn trong việc sử dụng và quản lý. Trong tháng 9-2012, Cục BVTV đã tiến hành kiểm tra các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Kết quả, có 427/455 mẫu đạt chất lượng, chiếm 93,8%, có 28 mẫu (chiếm 6,2%) không đạt chất lượng.

Còn khi tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trên rau của hơn 14.500 hộ nông dân, Cục BVTV đã phát hiện số hộ vi phạm lên tới hơn 3.900, chiếm 26,85%. Các hình thức vi phạm chủ yếu: sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục, sử dụng thuốc không đúng quy trình kỹ thuật, nồng độ, liều lượng…

Nếu như trước đây, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV chỉ diễn ra trên cây ăn trái, trồng rau, sản xuất lúa thì nay ở các vùng nuôi thủy sản lại tăng rất nhanh. Tình trạng tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL vừa qua, có nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả phân tích mẫu nước và mẫu bùn đáy ao được lấy từ các hộ nuôi tôm do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 thực hiện rất đáng quan tâm.

Theo đó, đa số các mẫu kiểm chứng đều có chứa chất thuốc BVTV. Việc sử dụng tràn lan thuốc BVTV (như Cybermethrin) trong diệt giáp xác là nguyên nhân chính dẫn đến tôm bị bệnh hoại tử gan tụy. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Cybermethrin là một loại thuốc diệt giáp xác rất độc. Cách đây 20 năm, Thái Lan đã cấm sử dụng Cybermethrin và thay vào đó là dùng lân hữu cơ để diệt giáp xác. Lạm dụng thuốc diệt giáp xác trong thời gian qua của người nông dân là một việc làm hết sức nguy hiểm, không chỉ hại người nuôi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy sản Việt Nam.

Thói quen sử dụng thuốc BVTV rất có hại cho môi trường. Ảnh: D.Hoàng

Siết lại bằng cách nào?

“Quản lý lỏng lẻo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng sử dụng hóa chất tràn lan hiện nay cũng rất đáng báo động, là nguy cơ dẫn đến đất bị thoái hóa, bạc màu. Nhiều lô hàng rau, quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị thông báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, do nhiễm vi sinh vật và một số dịch hại”, PGS-TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội  khoa học  kinh tế và quản lý TPHCM nhận định.

Tình trạng này cũng xảy ra trên các mặt hàng xuất khẩu thủy sản và trái cây. Theo đó, thói quen tiêu dùng của người đô thị giờ đây đã thay đổi, yêu cầu cao hơn về chất lượng nông sản, đòi hỏi nông dân cần phải thích ứng trước các thử thách mới.

Do vậy, cần ứng dụng khoa học công nghệ để đẩy mạnh phong trào trồng rau, sản xuất trái cây sạch, không lạm dụng hóa chất; xua đuổi côn trùng bằng các dược thảo không độc hại. Trồng rau thủy canh hạn chế sâu bệnh, tận dụng nguồn dinh dưỡng nuôi cây. Trồng những loại cây cao cấp, cho sản phẩm sạch, đạt hiệu quả, lợi nhuận cao.

Những năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao ý thức của nông dân trong việc sử dụng giống xác nhận để tạo cây lúa khỏe ngay từ ban đầu; áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp; hướng dẫn nông dân nuôi cấy nấm xanh… để quản lý sâu rầy dịch hại.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục BVTV TP Cần Thơ, trong điều kiện sâu bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, áp lực giữ vững năng suất, sản lượng và đảm bảo an ninh lương thực thì việc quản lý dịch hại bằng BVTV vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu. Vì vậy, hiểu đúng và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả canh tác mà còn đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và môi trường.

Phát triển bền vững vùng ĐBSCL luôn gắn liền với giữ gìn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên một cách hợp lý là phương cách tốt nhất bảo vệ cộng đồng và phát triển bền vững vùng. Lối sản xuất “ăn xổi ở thì” trong nông nghiệp càng không thể tồn tại vì thiếu bền vững. Cần phải có chiến lược về nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam “tươi ngon, sạch đẹp, bổ rẻ”, bỏ lối sản xuất làm ăn nhỏ lẻ, manh mún để hội nhập cùng thế giới.

Muốn làm được điều này, cần quản lý công nghệ và tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức hướng dẫn nông dân hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần phải siết chặt, bổ sung các quy định về kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường các hoạt động kiểm tra kiểm soát. Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT sớm ban hành văn bản phân định rõ chức năng quản lý của từng cơ quan để thống nhất thực hiện.

Cao Phong

Nghệ An: 913 điểm tồn dư thuốc BVTV

Bà Nguyễn Thị Đào, Chi cục phó Chi cục BVTV Nghệ An cho biết, theo điều tra khảo sát và đánh giá sơ bộ của đơn vị này thì địa bàn Nghệ An có 913 điểm tồn dư thuốc BVTV. Số điểm tồn dư này phân bố ở 446 xã trên địa bàn, tập trung ở vùng đồng bằng và trung du. Các kho thuốc này chủ yếu dùng trong nông nghiệp với hệ thống các hợp tác xã trước đây, nông - lâm trường, các xã - đội... Tiếp đó là một phần ở các kho của quân đội, y tế dùng để chống mối mọt, côn trùng... Thực trạng tồn dư thuốc BVTV có nhiều nguyên nhân. Trước đây, chúng ta dùng thuốc BVTV chỉ quan tâm đến vấn đề sử dụng nhưng không quan tâm đến vấn đề môi trường. Nhiều nơi xảy ra tình trạng, khi chuyển giao từ quản lý bao cấp sang mở cửa, chúng ta chỉ chuyển giao bộ máy nhân sự, còn kho thuốc thì bỏ quên. Chính vì vậy, người dân đã tự lấy thuốc về sử dụng riêng, một số nơi chính quyền cho dân xây dựng nhà trên nền kho thuốc cũ. Nhận thức của người dân trước đây còn xem nhẹ tác hại của thuốc BVTV. Ngoài ra còn việc các kho thuốc thường được xây dựng trên nền cao, kho xây tạm bợ... khiến thuốc thấm lan ra ngoài.

D.Cường


Nguồn: sggp.org.vn

Những thầy cô 'hot' hơn cả sao (P2)

Tiin.vn - Chuyên môn giỏi, hết lòng vì học sinh và có những cách dạy cực sáng tạo, các thầy cô đã trở thành "thần tượng" của học trò.

5. Cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm và “siêu lò luyện”

Cô Quỳnh Trâm trước đây là một chàng trai mang tên Phạm Văn Hiệp. Càng lớn càng thể hiện tính nữ nên cô đã phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan. Cô là người đầu tiên tại Việt Nam được chính quyền công nhận và cấp giấy chứng nhận "xác định lại giới tính" với tên gọi hiện tại là Phạm Lê Quỳnh Trâm. Tên họ này đã được thay đổi trong toàn bộ giấy tờ tùy thân của cô.

Trở thành một con người với giới tính thật của mình, cô tiếp tục công tác dạy học tại mộttrung tâm luyện thiđại học ở TP HCM. Khẳng định được năng lực giảng dạy của mình, lớp luyện thi do cô Trâm phụ trách luôn đạt kết quả cao trong các kỳ thi đại học. Hơn 200 học sinh ở một vùng quê nghèo tỉnh Bình Phước đã thi đậu vào những trường đại học có tiếng ở TP HCM như: Y dược, Công nghệ Sài Gòn, Kiến trúc, Công nghiệp... là nhờ công lớn của cô giáoPhạm Lê Quỳnh Trâm. Những bài giảng nhiệt tình và sự quan tâm sâu sắc của cô dành cho trò khiến cho các học sinh cảm động và biết ơn sâu sắc.

Kể về cô giáo cũ, một sinh viên cho biết: "Không có từ ngữ nào diễn tả hết sự ngưỡng mộ và kính trọng của em đối với cô. Nhà chúng tớ đứa nào cũng nghèo, cô thì chẳng giàu nhưng thấy học trò cần gì là giúp đỡ ngay. Bạn nào không có tiền, cô sẵn sàng dạy miễn phí. Ngày học trò đi thi đại học ở TP HCM cô cũng đưa đi, rồi lo cho chỗ ăn, chỗ ở".

6. Thiên đạ đệ nhất dạy Lý

Photon là sóng điện từ

Không điện, không khối sống lâu vô cùng

Vận tốc xưng bá xưng hùng

300 triệu đấy ai thời hơn không?

Hạt nhẹ thì gọi Lepton

200 không đủ 4 ông 1 bàn

Nơtrinô chẳng dám bàn

Điện thì không biết, khối thì cũng không

Âm 1 electron

Khối 0,91 mũ trừ 30

Mêzôn thấy vậy liền cười

Tớ đây mới chính là người Muyzôn

Tất ca thua Pôzitôn

Nghe đồn tên ấy họ Dương rành rành

Điện tích dương 1 chí thành

Tay không số khối cũng dành em yêu

Bài thơ trên là một trong những sáng tác màthầy Dương Văn Cẩndùng để đưa những bài giảng Vật Lý khô khan trở nên dễ hiểu với học trò. Với quan niệm "luôn muốn học trò của mình vui vẻ nhất, đưa vật lý vào cuộc sống chứ không phải là đưa vào đầu và viết vào bài thi, thi xong là quên", thầy Cẩn thường xuyên sáng tạo những bài giảng vật Lý hỏm hỉnh, sinh động.

Thầy Cẩn là giáo viên môn Vật Lý nổi tiếng ở trung tâm luyện thi tại Hà Nội trong mỗi mùa thi Đại học. Với cách giảng bài dễ hiểu, cách nói chuyện hài hước dí dỏm, thầy truyền cảm hứng học Lý cho học trò. Theo nhiều teen nhận định thì bài giảng Vật lý dù có khô khan cỡ nào nhưng thầy Cẩn đã dạy rồi chỉ có ngồi nghe mê mệt.

Bày tỏ lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ của mình, nhiều học trò "nhất loạt" đồng ý phong cho thầy danh hiệu cao quý: “Thiên hạ đệ nhất dạy Lý" và in cup tặng thầy.

Biệt danh mà học sinh tặng thầy Cẩn như DVCIAM chính là cách viết ngược của câu "I am Dương Văn Cẩn" hay "Dịch vụ Cười” xuất phát từ những câu thầy vẫn từng nói trên lớp. Nhiều học sinh còn truyền tai nhau câu nói của thầy: “Cuộc sống có thể đánh ngã con người nhưng không thể đánh gục họ. Chúng ta cần cố lên, cố lên, tương lai tốt đẹp đang đón chờ chúng ta.”

7. Thầy giáo tiếng Anh “tài tử” Võ Trọng Phúc

Xuất phát từ chương trình Vietnam’s Got Talent 2011,thầy giáo Võ Trọng Phúcvới những ca khúc tiếng Anh ý nghĩa, trữ tình và sâu lắng đã giúp cho thầy Phúc trở thành một hiện tượng trong giới trẻ.

Chất giọng đặc biệt của thầy cộng với vẻ ngoài nam tính “đốn ngã” hàng triệu trái tim khán giả cả nước, đặc biệt là các teen girl. Hai năm qua, thầy Phúc là một thầy giáo được teen cực ngưỡng mộ.

Thầy Võ Trọng Phúc là giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ. Truyền đạt bí kíp học tiếng Anh và âm nhạc của mình, thầy Phúc từng nói: “Nếu bạn muốn học nghe từ nhạc tiếng Anh, hãy bắt đầu bằng nhạc của Jason Mraz”.

8. Thầy Thái Bá Tân của sinh viên Hà Nội

Chắc hẳn rằng trong giới sinh viên Hà Nội ít ai không biết đến thầy giáo dạy tiếng Anh Thái Bá Tân. Với kinh nghiệm của mình, thầy được rất nhiều thế hệ học sinh nể trọng vì tài năng và cái tâm nghề giáo. Giáo trình của thầy là những bài báo được thầy chọn lựa trên Internet phù hợp với trình độ học sinh. Lối giảng dạy tiếng Anh của thầy cũng vô cùng dí dỏm hài hước nhưng lại đạt hiệu quả cao.

Ngoài giảng bài trên lớp, thầy còn rất nhiệt tình trong việc gửi cho sinh viên qua email những tài liệu học tiếng Anh rất quí giá như những tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới bằng tiếng Anh, hay cách viết một CV (curriculum vitae - bản lý lịch để xin việc) thế nào cho đúng cách và ấn tượng. 50 cuốn sách văn học thầy đăng trên website cá nhân của thầy, luôn khuyến khích các học sinh, sinh viên tìm đọc để sống tốt hơn và thầy cam đoan: “Nếu đọc hết 50 cuốn này thì chắc chắn thành người tốt”.

Thầy Thái Bá Tân (sinh năm 1949), học tại Liên Xô (cũ) từ năm 1967-1974, chuyên ngành tiếng Anh. Ngoài giảng dạy tiếng Anh, thầy Tân còn là dịch giả, nhà văn (đặc biệt trong lĩnh vực truyện ngắn), nhà thơ.

Nói về thầy Tân, một sinh viên viết trên forum: “Thầy tôi có thể hơi quái, không, siêu quái. Nhưng chỉ cần 2 ưu điểm: thương học sinh và dạy rất hay – thế là đủ để học trò, dù có hợp với tính khí của thầy hay không, đều yêu quý".


Nguồn: tiin.vn

Biết tìm đâu cô dâu để “nhập khẩu”?

(PL&XH) - Một số cặp vợ chồng trẻ thì thường tìm hiểu và áp dụng các biện pháp tính toán  khoa học  để có thể sinh con trai. Chị Chi (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) “quyết tâm” sinh bé trai đầu lòng để chồng và bố mẹ chồng vui lòng.

“Trọng nam khinh nữ” là tư tưởng được cho là “ấu trĩ” và đã tồn tại từ nghìn đời nay, nhất là nam giới. Một ‘thằng cu” để “chống gậy” và nối dõi “tông đường” là điều mong muốn của họ. Đây là một trong những nguyên nhân có thể khiến Việt Nam trong thời gian tới phải “nhập khẩu” cô dâu.

“Phải có cho được thằng cu nối dõi tông đường”, đó là lời khẳng định của ông An đối với Đức (con trai ông An). Hóa ra, sau 2 lần mang thai, vợ Đức đều sinh ra 2 “nàng công chúa” thông minh và láu lỉnh. Nhưng khổ nỗi do là con trưởng nên tư tưởng của ông An là phải có bằng được cháu trai. Áp lực và không khí gia đình luôn đè nặng lên vợ chồng Đức. Chị Hiền (vợ Đức) tâm sự, vợ chồng em thì con nào cũng được nhưng ông lại quá nặng nề về vấn đề con trai khiến không ít lần vợ chồng mâu thuẫn chỉ vì việc này. Hơn nữa, thời buổi kinh tế hiện nay đang khó khăn, giờ có sinh thêm thì liệu có chăm lo đầy đủ được cho con không ...? Quả thật, nhìn từ góc độ kinh tế, các cặp vợ chồng trẻ đều chỉ muốn sinh 1 đến 2 con để đảm bảo việc nuôi dạy con cái.


“Phái mạnh” trước nguy cơ bị dư thừa và ế vợ.


Một số cặp vợ chồng trẻ thì thường tìm hiểu và áp dụng các biện pháp tính toán khoa học để có thể sinh con trai. Chị Chi (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) “quyết tâm” sinh bé trai đầu lòng để chồng và bố mẹ chồng vui lòng. Qua bác sỹ tư vấn, chị phải tính toán theo chu kỳ rụng trứng và thời điểm thích hợp, thuận lợi cho việc thụ thai. Một lần sau khi đi khám, chị vội vàng gọi cho chồng báo phải về nhà ngay “có việc”. Khổ thân anh chồng đang làm việc mãi tận Gia Lâm (quận Long Biên) phải hấp tấp chạy về làm “nghĩa vụ” ... rồi lại vội vã đi làm cho kịp giờ họp. Sau vài lần như vậy, cuối cùng vợ chồng anh cũng có được một bé trai. Đúng là một tình huống “hài hước” ...


Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ thiếu nữ giới.


Ngày 3-11 vừa qua, hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh đã được tổ chức tại Hà Nội. Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, dự báo vào năm 2020 tỷ lệ giới tính khi sinh ở nước ta sẽ là 125 bé trai/100 bé gái. Với mức tăng như hiện nay, nếu không có các biện pháp can thiệp tích cực thì dự kiến đến năm 2050, tỷ lệ chênh lệch giới tính sẽ tăng cao, Việt Nam sẽ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới. Như vậy, số nam giới dưới 50 tuổi bị thừa, ế vợ sẽ chiếm 12% tổng số nam giới trong nước. Có lẽ, thời gian tới Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu” từ 3 – 4 triệu cô dâu để “giải quyết” hệ quả dư thừa này. Nhưng biết tìm đâu khi một số nước bạn như: Trung Quốc, Hàn quốc, đã phải đương đầu với thực trạng này từ nhiều năm qua.
Chênh lệch tỷ lệ giới tính không chỉ khiến cho cơ cấu dân số bị thay đổi trong thời điểm này mà còn dẫn đến những hệ lụy khó lường trong tương lai.

Nên chăng, một mặt các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền tại cơ sở. Mặt khác, gia đình và nhà trường cũng cần trao đổi và có những chương trình học về vấn đề giới tính, giúp các em hiểu và có cách nhìn nhận thấu đáo về giới và bình đẳng giới, tránh những suy nghĩ lệch lạch khi đang tuổi cắp sách tới trường.


Bài, ảnh:Nguyễn Tuấn


Nguồn: phapluatxahoi.vn

“Giáo viên di động” ở Áp-ga-ni-xtan

QĐND - Áp-ga-ni-xtan đã khởi động một chương trình học tập độc đáo nhằm giúp các phụ nữ của đất nước Hồi giáo này có thể giành quyền được giáo dục cơ bản, biết đọc và biết viết. Theo đó, các chương trình học tập quốc gia được cung cấp thông qua một phần mềm  điện thoại  di động có tên Ustad, hay còn được gọi là “giáo viên di động”, bằng cả hai ngôn ngữ Đa-ri và Pa-stô. Không chỉ dạy chữ đơn thuần, chương trình còn có cả môn toán. Tất cả các bài học được thể hiện dưới dạng hình ảnh và âm thanh, bao gồm chữ viết, phát âm và các cụm từ được cài đặt trong điện thoại. Điều quan trọng là tất cả đều được cung cấp miễn phí cho người học. Các cửa hàng bán  điện thoại di động  ở Áp-ga-ni-xtan đều sẵn sàng cài phần mềm này cho những khách hàng có yêu cầu.

Trong một phòng học nhỏ ở Ca-bun, cô Mu-dơ-gan Na-da-ri (Muzhgan Nazari), 18 tuổi, đang cùng một nhóm nữ sinh học đọc và viết cùng với “giáo viên di động”. Cô cho biết, khi Ta-li-ban còn thống trị Áp-ga-ni-xtan, phụ nữ bị cấm tới trường. Cơ hội học tập của phụ nữ ở Áp-ga-ni-xtan như Na-da-ri càng ít ỏi còn bởi định kiến coi nhẹ phụ nữ của đàn ông nước này. Chính cha của Na-da-ri cũng phản đối các con gái của mình tới trường học.

Phần mềm “giáo viên di động” do Pai-oa-xtun, một công ty công nghệ thông tin của Áp-ga-ni-xtan phát triển, nhằm giúp Áp-ga-ni-xtan giảm tỷ lệ mù chữ vốn thuộc loại cao nhất thế giới. Mặc dù hiện hàng triệu bé gái Áp-ga-ni-xtan đã được đi học, song tỷ lệ mù chữ ở phụ nữ nước này vẫn ở mức 12,5%. Ngoài các chương trình dạy chữ cơ bản, Pai-oa-xtun sẽ phát triển thêm các môn học như tiếng Anh, tiếng A-rập, nông nghiệp và giáo dục y tế. Ngoài việc cài trực tiếp phần mềm vào điện thoại, phần mềm cũng sẽ được phân phát miễn phí dưới dạng đĩa CD và DVD nhằm khuyến khích mở rộng số lượng người sử dụng.

Hiện có khoảng 100 học viên đang học với “giáo viên di động” trong khuôn khổ một dự án thí điểm ở thủ đô Ca-bun, trong đó, 65% là phụ nữ. Bộ Giáo dục Áp-ga-ni-xtan cho biết, họ có kế hoạch triển khai dự án trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu vào đối tượng là các phụ nữ không có cơ hội học tập.

XUÂN PHONG


Nguồn: www.qdnd.vn

Việt Nam đăng cai Asiad 18-2019: Nguy cơ “đội giá”

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất sau khi Việt Nam nhận quyền đăng cai Asiad 18 chính là làm sao lo đủ kinh phí để phục vụ cho các công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội. Đã có rất nhiều bài học trong quá khứ cho thấy, các nước chủ nhà luôn bị "đội giá” rất nhiều so với kinh phí dự trù ban đầu. Điều đó cho thấy, nếu như các nhà quản lý thể thao nước nhà không có sự tính toán kỹ lưỡng, sẽ phải chịu hậu quả khó lường thời hậu Asiad, tạo gánh nặng cho toàn xã hội.

150 triệu USD liệu có đủ để tổ chức Asiad

Kinh phí thấp hơn cả SEA Games 2003

Theo dự kiến, tổng chi phí cho các cơ sở vật chất xây mới các công trình phục vụ Asiad 18 là 1.500 tỷ. Các nhà thi đấu tại Hà Nội và các thành phố vệ tinh sửa chữa khoảng 600 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng khoản chi cho cơ sở vật chất là 2.100 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.200 tỷ đồng là chi cho công tác tổ chức Đại hội. Ngoài ra, Việt Nam sẽ còn phải sử dụng nhiều khoản kinh phí khác, như chi phí đặt cọc cho Hội đồng Olympic châu Á (OCA) một tháng sau khi đăng cai Asiad là 1 triệu USD (21 tỷ đồng). Chi phí ký hợp đồng quảng cáo, tiếp thị với OCA một năm sau khi giành quyền đăng cai Asiad là 15 triệu USD (315 tỷ đồng)...Riêng kinh phí chuẩn bị lực lượng VĐV trong bảy năm của thể thao Việt Nam cho Asiad 2019 không được đưa vào chi phí tổ chức Asiad mà quy về nguồn ngân sách hằng năm.

Như vậy, tổng chi dự kiến để tổ chức Asiad 18 là 4.126 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi phí để chuẩn bị và tổ chức Đại hội là 3.149 tỷ đồng (150 triệu USD). Số tiền này thậm chí thấp hơn cả kinh phí 4.700 tỷ đồng để tổ chức SEA Games 2003 của 9 năm về trước. Không chỉ đưa ra một con số kinh phí rất khiêm tốn, Việt Nam cũng dự kiến sẽ thu về một số tiền khổng lồ từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, con số thu 1.000 tỷ đồng trong đề án của ngành thể thao khiến nhiều người phải "choáng”. Số tiền này bao gồm hơn 100 tỷ từ lệ phí tham dự của các đoàn, khoảng 30 tỷ từ bán vé và hơn 800 tỷ từ quảng cáo, bản quyền truyền hình, tài trợ...Điều đáng nói là con số dự kiến này đều được tính dựa trên tình hình kinh tế hồi phục sau 7 năm nữa. Tuy nhiên, trong trường hợp nền kinh tế vẫn trì trệ, thậm chí là đi xuống, thu 1.000 tỷ đồng để bù đắp khoảng 1/3 kinh phí tổ chức Asiad 18 có thực tế? Cần phải nói rõ hơn là tại SEA Games 2003 Việt Nam thu được 70 tỷ, còn AIG 3 thậm chí còn thảm hơn, chỉ vỏn vẹn 30 tỷ.

Bài học từ các nước chủ nhà

Dù "ăn theo” quy hoạch phát triển của thành phố Hà Nội tới năm 2030, nhưng ngay cả như vậy thì con số 150 triệu USD trong dự trù kinh phí mà Phó Chủ tịch UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đưa ra có vẻ khá khiêm tốn. Đây thậm chí còn là số tiền dự trù thấp nhất trong lịch sử các kỳ tổ chức Asiad và ngay từ bây giờ, Việt Nam đã có thể tự hào về một kỳ Á vận hội "siêu tiết kiệm”. Tuy nhiên, như khẳng định của nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, con số 150 triệu USD khá mơ hồ, không sát với thực tế và ngay cả chỉ là "phần cứng”, cũng khó có thể đủ. Điều đáng nói là trong quá khứ, đã có rất nhiều bài học về sự "đội giá” kinh phí của các nước đăng cai, có những nước rơi vào cảnh nợ nần rồi dẫn đến vỡ nợ cũng vì không có sự tính toán hợp lý.

"Chúng ta có nhiều bài học rồi. Mexico từng phải mất 30 năm để trả nợ sau khi tổ chức Olympic 1968. Olympic Matxcova 1980 cũng tốn một khoản kinh phí khổng lồ. Tiếp đó, lần tổ chức Olympic ở Hy Lạp năm 2004 đã trở thành gánh nặng và là một trong những nguyên nhân khiến quốc gia này những năm sau đó bị vỡ nợ. Gần nhất, Trung Quốc lên kế hoạch tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 khoảng 22 tỷ USD, nhưng thực tế lại gấp đôi con số này. Cũng ở Trung Quốc, dù được sử dụng các  thiết bị  từ Olympic nhưng kỳ Asiad 2010 đã phải bỏ gần 20 tỷ USD, cao gấp 10 lần dự kiến. Như vậy có thể thấy, hầu như các quốc gia đều có những phát sinh trong quá trình tổ chức và nếu không tính toán một cách thực tế nhất, chúng ta sẽ rơi vào cảnh khó khăn những năm sau đó”, ông Minh nói.

Sự cảnh báo của ông Minh là hoàn toàn có cơ sở. Nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan cũng dự trù kinh phí khoảng hơn 80 triệu USD cho kỳ Asiad 1998, nhưng con số thực tế là hơn 600 triệu USD. Hàn Quốc từng đưa ra con số kinh phí tổ chức Asiad 2002 là 182,5 tỷ won (167,4 triệu USD), nhưng con số thực tế lên tới 3.140 tỷ won (2,9 tỷ USD), tức là gấp hơn 10 lần so với kinh phí dự trù. Còn trong lần tổ chức Asiad tới đây vào năm 2014, Hàn Quốc đã thông báo mình đang chịu sức ép rất lớn vì khó đảm bảo nguồn kinh phí cho rất nhiều công trình đang được triển khai xây dựng.

Bài học mang tên SEA Games, AIG

Có thể trong gần 10 năm tới, mọi thứ sẽ tiến triển tốt. Đó là chưa kể Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp từ năm 2020. Tuy nhiên ông Minh cho rằng: "Chúng ta cần phải có những cái nhìn thực tế, lường trước được mọi khó khăn rồi mới bắt tay vào làm. Cá nhân tôi cũng cho rằng các quan chức TTVN nên hết sức trung thực, khách quan trong việc nhìn nhận vấn đề. Chúng ta không thể cứ nhìn thấy cơ hội đăng cai là quyết làm, mà không tính đến chuyện có thể kế hoạch đăng cai ấy sẽ đánh đổi gánh nặng. Cứ nhìn lần tổ chức AIG 3 năm 2009 đến nay, tôi biết một số chi phí vẫn chưa quyết toán được. Một Đại hội không chỉ có kinh phí xây mới các địa điểm thi đấu, mà còn rất nhiều hạng mục khác. Điều này thì ngành thể thao đã tính hết chưa?”.

Bài học lớn nhất của Việt Nam, chính là 2 lần tổ chức SEA Games 22 năm 2003 và AIG 3 năm 2009. Nếu như SEA Games 22 được cho là Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức và con số thu về là 70 tỷ đồng cũng chấp nhận được thì ở AIG 3 mới thực sự bi đát. Bỏ ra hơn 100 triệu USD, trong đó tốn kém nhất là việc xây dựng cung điền kinh trong nhà và tu sửa các nhà thi đấu, nhưng khi thu về chỉ vỏn vẹn có 30 tỷ, chủ yếu là bằng hiện vật, thiết bị... Điều đặc biệt là hầu như rất nhiều người dân, thậm chí còn chẳng biết AIG là cái gì, nên hiệu quả từ sức hút rộng lớn của người hâm mộ rất thấp, đồng nghĩa với việc BTC không bán được vé, nhà tài trợ không mặn mà và giải đấu cũng bị lãng quên ngay cả khi còn chưa kết thúc.

Đó thực sự là những bài học xương máu với các nhà quản lý thể thao nước nhà. Tất nhiên, Asiad 18 sẽ được kỳ vọng hơn rất nhiều vì ở một tầm khác. Tuy nhiên, nếu con số dự trù khác xa so với thực tế, bài toán hậu Asiad sẽ trở thành gánh nặng với toàn xã hội.

Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Vương Bích Thắng, thừa nhận: "150 triệu USD là chi phí tổ chức, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có và xây mới một số hạng mục, công trình. Theo tôi, sự đầu tư tổng thể để phục vụ cho Á vận hội 2019 sẽ lớn hơn rất nhiều ". Trong khi đó ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng kể cả có 500 triệu USD cũng chưa chắc đã đủ.

Nhiều công trình có nguy cơ rơi vào cảnh đắp chiếu sau Asiad

Những công trình ngốn tiền tỷ sau Asiad

Dự trù kinh phí tổ chức cả Asiad của Việt Nam là 150 triệu USD nhưng riêng việc xây dựng khu xe đạp lòng chảo đã tốn kém tới...250 triệu USD (chưa kể kế hoạch xây dựng tổ hợp khách sạn dịch vụ thể thao 5 sao 250 triệu USD). Để giải quyết bài toán này, Việt Nam có kế hoạch liên doanh với phía Hàn Quốc, nhưng ngay cả như vậy cũng phải bỏ ra ít nhất vài chục triệu USD. Một số nguồn tin còn cho rằng, Việt Nam sẽ phải chấp nhận cho Hàn Quốc tổ chức cá cược xe đạp, coi đó là điều kiện ràng buộc để đối tác này chịu bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư. Đó là chưa kể Việt Nam sẽ phải xây dựng mới ít nhất khoảng 5-6 nhà thi đấu nữa phục vụ cho các môn: bóng chày, bóng bầu dục, khúc côn cầu...Đặc biệt, việc xây dựng Nhà thi đấu đa năng cũng tốn kinh phí khoảng 80 triệu USD.

Rất nhiều công trình lên tới hàng triệu đô đang có nguy cơ bị "đắp chiếu” sau Asiad. Đặc biệt, những môn như xe đạp lòng chảo, bóng chày, bầu dục...Việt Nam thậm chí còn không có đội tuyển, chứ chưa nói đến người dân tập luyện môn này. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, các công trình thể thao do Hà Nội quản lý, UBND thành phố sẽ phải có quyết định sử dụng sao cho hợp lý với công suất tối đa, tránh hiện tượng xuống cấp hoặc rơi vào tình trạng không sử dụng, gây lãng phí. Cụ thể, các công trình này sẽ phục vụ những lợi ích cộng đồng. Các nhà thi đấu có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, phát triển các môn thể thao có thế mạnh.

Tất nhiên, nói thì dễ nhưng thực tế lại khác. Chỉ cần nhìn những công trình có quy mô nhỏ như tại SEA Games 22, tới nay đang gần như không được sử dụng hiệu quả. Thảm nhất là Cung điền kinh trong nhà phục vụ cho AIG 3, giờ chủ yếu tổ chức một số giải nghiệp dư và thậm chí là cả...đám cưới, tiệc tùng.

An Chi


Nguồn: daidoanket.vn

Viện Đại học Mở Hà Nội trao bằng tốt nghiệp cho tân cử nhân tại Quảng Ninh

(GD&TĐ) - Sáng nay tại Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, trong không khí tưng bừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Viện Đại học Mở Hà Nội và Trung tâm Giáo dục thường xuyên & Đào tạo cán bộ tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ khai giảng cho 188 học viên của ba lớp đại học chuyên ngành Kế toán K15-STC, Kế toán K13 và lớp Quản trị K13 - thuộc khóa đào tạo từ xa liên thông 2009 - 2012, khóa đào tạo đại học 2007 - 2012. Tham dự buổi lễ có TS. Lê Văn Thanh - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, đại diện lãnh đạo giảng viên của Viện và Trung tâm, cùng đông đảo học viên của các khóa học.

Báo cáo tổng kết khóa học cho thấy, sau 5 năm học đối với hệ đại học và 3 năm học đối với hệ liên thông, các học viên đã nỗ lực học tập không ngừng, sự quyết tâm cao của các anh chị em học viên 3 lớp đại học Kế toán K15-STC, Kế toán K13 và Quản trị K13 đã đạt được kết quả cao.

Đại diện các tân cử nhân và Hội đồng trao bằng

Đối với lớp Đại học Kế toán K15-STC số lượng học viên năm thứ nhất là 122 học viên, đến năm thứ ba còn 109 học viên và có 106 học viên đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Kết quả 106/106 học viên đều đỗ tốt nghiệp, ủa đó có 2 học viên đạt loại khá (chiếm gần 2%), 71 học viên đạt loại trung bình khá (chiếm 67%) và có 04 học viên được Viện Đại học Mở Hà Nội khen thưởng vì có thành tích học tập cao và tích cực trong các phong trào chung của lớp.

Đối với lớp Đại học Kế toán, Quản trị K13 với tổng số học viên là 111, sau những dàng lọc khắt khe kết quả năm thứ 5 còn 85 học viên đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Kết quả học tập toàn khóa có 4 học viên tốt nghiệp loại khá (chiếm 5%), 65 học viên tốt nghiệp loại trung bình khá (chiếm 80%) và có 8 học viên được Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội khen thưởng vì có những nỗ lực trong học tập và tích cực trong hoạt động lớp.

Các tân cử nhân tuyên thệ cống hiến cho quê hương, đất nước

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Lê Văn Thanh - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội đã biểu dương những nỗ lực to lớn của các học viên. Kết quả học tập của các học viên đã chứng tỏ sự cố gắng vượt bậc trong học tập của các bạn. Và nó càng có ý nghĩa hơn nữa khi yêu cầu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức đang ngày càng cao. Ông cũng bày tỏ mong muốn từ những kiến thức đã thu nhận được các tân cử nhân sẽ đóng góp tốt hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Quảng Ninh nói riêng và đất nước nói chung. Viện Đại học Mở Hà nội luôn rộng cửa và mong muốn các bạn trở lại để tiếp tục học nâng cao trình độ hơn nữa.

Thái Yên


Nguồn: giaoducthoidai.vn

Thầy giáo khiếm thị 'giỏi hơn cả hiệu phó'

Từ lúc sinh ra đôi mắt của anh không nhìn thấy đường. Nhưng sự không bình thường đó đã làm nên điều "kì diệu" với thành tích 12 năm liền là học sinh giỏi. Tốt nghiệp CĐ sư phạm (năm 2002) anh được Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu mời về làm giáo viên. Sau 10 năm đứng lớp - anh được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội nhìn nhận là "một thầy giáo cực hay"....Anh tên Ngô Văn Hiếu, hiện là giáo viên dạy Toán.

12 năm là học sinh giỏi

Theo giới thiệu của Sở GD-ĐT Hà Nội tôi tìm đến Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (21 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Dù đúng hôm không có tiết lên lớp nhưng cuộc gặp gỡ anh đứng ngồi không yên vì "có học trò chờ thầy phụ đạo cho học sinh sáng mắt".

Xem lại giáo án trước khi phụ đạo cho học sinh sáng mắt

Đem nhận xét của Sở để mào đầu câu chuyện - anh cười khiêm tốn"bình thường thôi chị!"Rồi khẳng định"những gì tôi cố gắng để chứng minh cho mọi người rằng: những gì người sáng làm được thì người khiếm thị cũng làm được..."

Sinh ra ở Bắc Ninh và là con trai duy nhất. "Lên 3 tuổi thì thấy con bước đi không có phương hướng - ba mẹ đưa đi khám thì phát hiện bị khiếm thị. Sau đó, gia đình có chạy chữa nhưng bác sĩ kết luận "tôi bị thoái hóa sắc tố võng mạc. Và bệnh này hiện tại không chữa được..." - anh nhớ lại.

Nhưng không vì thế mà anh thu mình trong bóng tối. Kết quả 9 năm học phổ thông anh liên tục được Ban Giám hiệu nhà Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu đánh giá là học sinh giỏi. Nhờ nắm chắc kiến thức nên anh đỗ thủ khoa đầu vào lớp 10 - Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (47, Hàng Quạt). Ba năm học cấp 3 anh vẫn bảo toàn được danh hiệu học sinh giỏi.

Ngay sau đó thi đỗ Trường CĐ Sư phạm Hà Nội năm 1999. Anh nhìn nhận, thời gian này học rất vất vả. "Để theo kịp kiến thức, tôi phải thường xuyên nhờ bạn đọc cho chép hoặc nhờ bạn đọc rồi ghi âm về nghe lại..."

Năm 2002 ra trường và được mời về làm giáo viên dạy Toán cho học sinh Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu - nơi đã "chắp cánh ước mơ" cho anh.

Đến nay anh đã có một sự nghiệp mà nhiều người mơ ước: Biên chế chính thức (từ năm 208) của Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu với danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường với 3 năm liên tiếp là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Trụ cột trong gia đình với 2 bé yêu (1 trai, 1 gái)...

Người khiếm thị làm được nhiều việc

Dù đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, lương không đủ sống lại nhiều áp lực khiến không ít giáo viên sáng mắt bỏ nghề, sinh viên quay lưng với nghề sư phạm...Còn anh lạc quan:"Tất cả giáo viên khiếm thị đều mong các em học sinh khiếm thị được rèn luyện, hỗ trợ bổ sung những cái thiếu hụt để được hòa nhập..."

"Với mong muốn đó nên dù dạy trẻ khiếm thị vừa khó vừa thiệt nhưng tôi luôn cập nhập kiến thức để bồi dưỡng cho các em" - anh nói. Nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp nên việc cập nhật kiến thức dạy môn Toán cấp 2 theo chương trình của Bộ GD-ĐT với anh không có áp lực.

Học trò lớp 9 được anh phụ đạo miễn phí

Ngoài giờ giảng trên lớp anh được bạn bè cùng cảnh tin tưởng giao "nhiệm vụ" kèm phụ đạo môn Toán cho con. Nhưng vì không có thời gian nên chỉ nhận kèm cho một học sinh sáng mắt - là học sinh lớp 9 đang theo học tại Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu.

Dạy kèm học sinh nào là tự nguyện, không lấy tiền. Còn duy trì cuộc sống anh phải làm thêm xoa bóp bấm huyệt, tham gia làm đề thi cho học sinh khiếm thị...

Vì không tự đi được nên hàng ngày đến trường anh phải nhờ bác xe ôm. Cả hai lượt đi - về mất 50.000 đồng/ ngày. Nếu không làm nhiều việc thì lương giáo viên sau hơn 10 năm đứng lớp 4 triệu không đủ chi phí.

Khó khăn là vậy nhưng anh cố gắng để mong học sinh khiếm thị được hòa nhập. Xã hội có nhìn nhận công bằng hơn chứ không mang nặng về tình thương, rồi có đánh giá "người khiếm thị không làm được gì...". Những nỗ lực anh làm để khẳng định "những gì người sáng làm được thì người khiếm thị cũng làm được..."

"Thêm nữa, để người khiếm thị bớt tự ti - cần tạo thêm nhiều cơ hội việc làm hơn chứ không chỉ nghề Xoa bóp bấm huyệt. Làm được điều này sẽ xóa đi trong suy nghĩ của người khiếm thị "học nhiều cũng chỉ đến thế thôi" - để các em cố gắng hơn, nỗ lực hơn..." - anh trăn trở.

Giỏi hơn cả hiệu phó

"Ngoài dạy Toán - thầy Hiếu còn dạy Tin học cho học sinh khiếm thị" - ông Trương Uyên Hải - phó Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận. Ở Hiếu có sự thông minh vượt trội. Bài giảng thi công chức được GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đích thân dự giờ và đánh giá cao.

Theo thầy Hải, với môn Tin - Hiếu còn giỏi hơn tôi. Có lần tôi gọi Hiếu lên phòng để nhờ gõ văn bản - tôi đọc và Hiếu xử lí rất nhanh...

Nguyễn Hiền

Nguồn: vietnamnet.vn

Giáo dục là dịch vụ phải tính đủ giá

TP - Đó là quan điểm của bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính tại hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học” tổ chức tại Hà Nội ngày 17-11.
Bà Nguyễn Thị Minh.

> ĐH Quốc gia TPHCM thêm 17 giảng viên được phong tặng NGND, NGƯT
> Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nổi bật trong tuần

Bà Nguyễn Thị Minh.

Bà Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Theo định hướng dự kiến đổi mới tới đây, chi phí cho giáo dục Đại học (GD ĐH) phải được tính đủ. Bà Minh dẫn ví dụ: Chi phí cho một sinh viên y khoa chẳng hạn, tính đủ là 50 triệu đồng/năm; sinh viên kinh tế là 30-40 triệu đồng;

sau đó, đối với những ngành có khả năng phân hóa cao, người học có nhu cầu thì ngoài phần ngân sách hỗ trợ được bao nhiêu, nhà nước sẽ cho phép các trường được trợ thu để đảm bảo đủ chi phí đào tạo.

Theo bà Minh, đối với sinh viên không thuộc diện ưu tiên, có điều kiện muốn hưởng chất lượng GD thì bỏ tiền lớn hơn trước để có được chất lượng cao.

Con em gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa, người nghèo… thì nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên có đủ kiến thức vào học; đối với những ngành nghề thuộc  khoa học  cơ bản, những nghề nhà nước cần nhưng xã hội, người học không có nhu cầu thì nhà nước sẽ đặt hàng cho các trường và cấp kinh phí để đảm bảo không mất cơ cấu ngành nghề đào tạo.

Bà Minh nói: Lương giáo viên tăng nhưng chất lượng GD không tăng kịp với tốc độ đó, bởi lẽ lương tăng nhưng phần ngân sách đầu tư cho GD tăng không nhiều. Bà Minh nhấn mạnh: “Theo quan điểm của tôi, giáo dục là một dịch vụ và phải tính đủ giá dịch vụ”.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính nêu: Hiện nay việc giao dự toán NSNN cho các cơ sở GD ĐH công lập được thực hiện theo cơ chế khoán căn cứ vào khả năng của ngân sách, dự toán được giao năm trước để làm căn cứ giao khoán năm sau. Nhưng việc giao khoán không gắn với số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo.

Việc thực hiện quyền tự chủ thí điểm cho một số trường ĐH vừa qua còn có nhiều bất cập, trong đó có sự bất hợp lý về thu- chi của trường. PGS.TS Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, GĐ dự án quốc gia nói: Cơ chế thu thì thoáng hơn nhưng các trường không được giao tự chủ chi là một nghịch lý.

Bà Đào Thi Thu Giang, phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết, trong quyền tự chủ của các trường là: chưa có văn bản, quy định cụ thể mang tính pháp lý để các trường thực hiện tự chủ tài chính, về học phí, các tự chủ khác hay việc chịu trách nhiệm của nhà trường để lấy được uy tín của xã hội.

Nói về quan hệ giữa tự chủ và nâng cao chất lượng, ông Đặng Kim Vui, GĐ ĐH Thái Nguyên nói, nếu không kiểm soát được chất lượng thì nâng cao quyền tự chủ chẳng để làm gì. Cần có chất lượng thì mới mong chặn được xu hướng hiện nay- người dân VN có điều kiện gửi con em đi học ở nước ngoài. “Chất lượng phải phản ánh thực tế để lấy niềm tin của nhân dân”- ông Vui nói.

PGS. TS Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nói:

Sắp tới có thể sẽ triển khai theo hướng: đối với sinh viên sư phạm, không miễn giảm như lâu nay, mà được cho vay như với sinh viên khác. Nếu ra trường, người tốt nghiệp làm trong ngành giáo dục thì được miễn giảm phần trả, nếu công tác ngoài ngành, sẽ có cơ chế bồi hoàn lại kinh phí đào tạo.

Các cơ sở GD&ĐT có nhiều nguồn thu cao đang được khuyến khích chuyển sang hoạt động như doanh nghiệp. Sắp tới, các cơ sở này sẽ được trao nhiều quyền hơn trong tự chủ thu như doanh nghiệp. Họ sẽ có một cơ chế tự chủ toàn diện, quyền tự quyết, nhất là tự quyết các chương trình đào tạo gắn với chất lượng. Nếu cam kết thực hiện tốt, họ có thể tự chủ thu vượt khung của nhà nước.

Hồ Thu


Nguồn: www.tienphong.vn

Nhà giáo Trịnh Thế Vinh - Người suốt đời tôi yêu mến

(PL&XH) - Những buổi dạy thêm, không một đồng học phí, không quà cáp bồi dưỡng. Lũ học trò chúng tôi ngày đó sao mà vô tâm đến không thể tha thứ được. Ấy vậy mà thầy thật vui, nhất là khi lũ “D.Ố.T” chúng tôi khá dần lên.

Tan buổi học, tôi đón con tại một ngõ nhỏ. Con tôi chuẩn bị thi chuyển cấp. Vậy là phải cho nó học thêm môn Toán, mà người dạy thêm lại chính là giáo viên chủ nhiệm ở trường. Từ trong ngõ hẹp, tôi nghe lũ nhỏ xôn xao: “Lão ấy cứ tiền trám vào là xong, không tiền a lê… nghỉ khỏe…”. Gọi thầy giáo mình là lão ta, tôi nghe mà rát mặt. Ngồi đằng sau xe, con tôi ngậm ngùi cho thằng bạn bị thầy đuổi học. Vì sao ư? Vì nó không kịp nộp học phí.

- Mỗi tháng 200 nghìn đồng, phải nộp đủ ngay một lần lão ta mới nhận dạy. Mẹ nó đến xin thầy nộp hai tháng trước, những tháng sau sẽ lo dần. Thế là thằng bạn con a lê … về nhà. Bố thấy có dã man không.

Trên quãng đường về nhà, tôi chợt nhớ tới ánh sáng ngọn đèn vàng vọt ngày nào nơi căn nhà thầy giáo tôi ở số 40 Hàng Tre: Thầy Trịnh Thế Vinh.

Ngày đó, cách nay tới 40 năm có dư. Thầy Vinh chừng 34 – 35 tuổi dạy Toán, cũng là chủ nhiệm lớp tôi, hiền và rất hóm. Không như nhiều thầy dạy Toán khác, là nỗi ám ảnh của không ít học trò, thầy Vinh dẫn chúng tôi vào môn học cứ như người đi kiếm tìm vật lạ trong khu vườn. Vậy mà không ít người bị thầy hút hồn lúc nào không hay. Sau này gặp lại, thầy mới nói: “Kiến thức cơ bản, ai cũng có thể truyền đạt được, nhưng điều quan trọng là gây được hứng thú học. Giáo viên nào làm được điều đó là thành công”. Vào giờ của thầy, kể cả học sinh dốt Toán cũng cảm thấy nhẹ nhàng. Mỗi lần trả bài, tôi nhớ như in những nhận xét hóm hỉnh bằng mực đỏ bên lề. Có lần tôi bị điểm 3- trong khi đó xung quanh điểm 4, điểm 5 rào rào ( ngày đó còn thang điểm 5). Tôi chỉ muốn tìm lỗ mà chui. Nhưng khi đọc lời phê: “Công thức này cậu tìm ở đâu vậy, tài thật” (Đó là khi tôi ứng dụng nhầm một công thức ). Xuống dưới một chút, thầy lại phê: “Cậu bịa khiếp thật đấy”. Mà nghĩ cho cùng, công thức tôi đóng khung trông có vẻ lắm, nhưng thực ra là tôi tự sáng tác thôi vì… bí. Cuối buổi học thầy gọi tôi và mấy anh bạn có lẽ cùng có năng khiếu “sáng tạo” công thức như tôi ở lại. Thầy bảo:

- Anh bạn khu 4 này, tôi xin cậu tưởng tượng vừa vừa thôi. Để dành đó sau này dùng cho văn chương. Còn bây giờ cậu cầm lấy cuốn sổ này về đọc cho kỹ. Chỉ những nơi tôi gạch mực đỏ thôi. Tuần sau tôi kiểm tra.

Tuần sau, đúng như lời thầy, tôi phải lên bảng. Không phải để đọc thuộc các công thức, mà làm những bài Toán cụ thể. Thầy gạch thêm mực đỏ vào 4, 5 trang tiếp theo và nhắc tôi học tiếp. Cứ vậy dần dần tôi kịp hệ thống lại những kiến thức cơ bản. Thầy chia lớp ra mấy nhóm. Nhóm giỏi Toán, nhóm yếu đại, nhóm yếu hình, mỗi nhóm có những bài tập thích hợp. Nhiều hôm thầy còn gọi một vài người tới nhà vào buổi tối. Tôi trong số thường xuyên được “mời” đến thăm nhà thầy vào các buổi tối. Đó là ngôi nhà số 40 Hàng Tre. Đêm mùa hè, đường phố vắng và mát. Thoang thoảng mùi dạ hương tỏa dài theo con phố hẹp ra phía Bờ Hồ. Nhà thầy sáng một ngọn đèn. Tôi biết giờ này thầy đang sốt ruột chờ chúng tôi sau ô cửa sổ. Một lần, tôi nhìn thầy tủm tỉm cười:

- Cậu Diễn này, tôi biết văn chương thơ phú nó ám ảnh cậu, nhưng muốn qua sông, nhất định phải vượt cho được cái cầu này. Đây là tập hợp những bài Toán mẫu. Còn một tháng nữa, chưa muộn… Trong kỳ thi Toán năm đó, lớp tôi được 3 người trong đội tuyển thành phố, và Đoàn Trịnh Ninh đạt giải nhất Toán toàn miền Bắc năm học 1962 - 1963. Họ đều bị thầy Vinh mê hoặc mà trở thành những học sinh giỏi Toán. Còn tôi, hú vía, đã vượt được cầu.

Hơn 20 năm sau, biết thầy là giáo viên chuyên Toán của Sở GD&ĐT Hà Nội, tôi đến thăm thầy tại trường Chu Văn An. Gặp thầy, tôi chào và vui vẻ nói: “Có lẽ thầy không nhớ em. Chúng em là học sinh 10 D năm học…”

- Thôi mà, làm sao quên được anh bạn tài bịa tạc. Từ bấy tới nay có sáng tác thêm được công thức mới nào không?

Thầy cười, chúng tôi cười, sống lại tình thầy trò như hồi nào. Ngày quốc tế Nhà giáo năm đó tôi mang hoa tặng thầy. Giấu một chút bối rối, thầy nói: “Thì ra cậu vẫn nhiều ý tưởng nhỉ”. Nỗi xúc động hiện lên đôi mắt của thầy.

Những buổi dạy thêm, không một đồng học phí, không quà cáp bồi dưỡng. Lũ học trò chúng tôi ngày đó sao mà vô tâm đến không thể tha thứ được. Ấy vậy mà thầy thật vui, nhất là khi lũ “D.Ố.T” chúng tôi khá dần lên. Những năm tháng học trò của lũ chúng tôi trong trẻo biết dường nào. 50 năm đã trôi qua mà nghĩ lại, không hết bồi hồi. Có lẽ bởi trong khuôn viên trường học chúng tôi có những người thầy để kính trọng, và để yêu mến nữa. Lẽ nào những người như thầy Trịnh Thế Vinh của chúng tôi đã… xưa lắm rồi?

Mỗi lần có dịp đi qua con phố nhỏ Hàng Tre quen thuộc, bất giác tôi lại ngước lên ngôi nhà số 40, nơi người thầy của chúng tôi đã sống, đã dạy học. Ngày nay nhiều công thức Toán học chúng tôi không còn nhớ nữa, nhưng hình ảnh người thầy cao thượng và hết lòng thì đã in sâu vào ký ức của những học trò năm nào.

Đoàn Tử Diễn


Nguồn: phapluatxahoi.vn

Thầy giáo con!

Con, từ một đứa dân tỉnh đi học bị nhìn ngó đến khó chịu lại được nể phục và bầu làm lớp phó học tập và cán sự môn toán.

Từ một đứa thích văn vẻ hội họa, con lại quay sang đam mê môn Toán thầy dạy (Ảnh minh họa)

Thầy giáo kính mến của con ạ! Cứ mỗi lần nhắc đến thầy, con lại nhớ ngay câu nói mà thầy vẫn đùa nhưng răn đe với tụi con rằng:“Các con phải chép bài, học bài và làm bài tập đầy đủ ở nhà. Không học tập thì không có quyền được đầu tranh, nếu các con dốt nát mà đấu tranh con các sẽ bị đánh như trâu”.

Ban đầu, con hả hê với những lời nói của thầy lắm! Nghe nó hợp vần, hợp điệu mà nó cũng làm dịu đi những gay gắt mùa thi khi bài tập chồng chất thầy ạ! Con là một cô bé tỉnh lẻ bon chen vào Sài Gòn khi mới học cấp 3. Cảm giác của con khi bước vào lớp học là choáng ngợp, vì ngày đó ở quê, con chưa bao giờ được ngồi học trong một lớp mà đông đến như vậy! Con hí hửng cho rằng, thầy sẽ không nhớ con đâu. Thế là ngựa quen đường cũ, con lại tung tăng đi học như rong chơi.

Học được một tuần, tự nhiên thầy lại bắt cả lớp nộp sổ liên lạc cuối năm trước để tổng kết tình hình xếp chỗ ngồi. Quái lạ, chỉ là lớp học thêm thôi mà, có cần phải gay gắt như vậy không? Con tự nghĩ thầm và ngang nhiên cho rằng mình không cần làm điều đó.

Cho đến khi gia hạn nộp sổ đã kết thúc, chỉ còn mỗi con là không có sổ đưa cho thầy. Lúc thầy hỏi, con đã tỉnh bơ phát biểu rằng, là con ở tỉnh mới lên nên không có sổ liên lạc. Thầy nhẹ nhàng bảo con ngồi xuống.

Mọi thứ tưởng chừng đã qua thì một ngày đẹp trời trong cùng tuần đó, thầy bỗng dưng bảo cả lớp đứng dậy và sắp xếp chỗ ngồi. Không biết vì vô tình hay cố ý, thầy đã đưa con lên ngồi trước mặt thầy và ngày nào cũng dò bài con lia lịa. Ban đầu, con chẳng bao giờ học, con tự cho mình cái quyền vì mới vô nên sẽ được châm chước và thông cảm. Thế rồi, sau những lần trao quyền đó cho bản thân, con đã hì hục ăn roi đến tím tay và rướm máu.

Chỉ cần nghĩ về những điều mà thầy vun đắp cho con được như ngày hôm nay, con sẽ không bao giờ quên (Ảnh minh họa)

Biết là đau, biết là rất cay nhưng con chưa một lời than vãn hay gọi điện về mách bố mẹ cả. Con biết, họ sẽ đồng tình với thầy vì điều đó. Thời gian cứ dần dần trôi, con đã trở nên ngoan ngoãn, bài vở tinh tươm và ý thức tự giác trong con trỗi dậy mạnh mẽ. Con từ một đứa thích văn vẻ hội họa lại đi quay ra đam mê toán một cách cuồng nhiệt hơn bao giờ hết! Từ một đứa dân tỉnh đi học bị nhìn ngó đến khó chịu lại được nể phục và bầu làm lớp phó học tập và cán sự môn toán. Con không thể tin nổi con có thể làm được điều đó! Lúc con kể cho thầy nghe, thầy cười cười rồi chẳng nói gì nhưng con biết hẳn thầy rất tự hào về điều đó, vì thầy đã kể về con cho các em lớp dưới nghe và vô tình em con cũng học lớp sau của thầy nghe được.

Con nhớ lắm những ngày dầm mưa đến nhà thầy và ra về trong nước lụt khi triều cường lười biếng chưa chịu rút, những buổi đi học phải mang theo bao nilon bỏ dép vào để giữ gìn vệ sinh nhà cửa, những ngày phân công lau bảng sửa bài dài cả hai cái bảng ghép lại, những buổi sáng sớm gà chưa chịu gáy đã bị thầy bắt đến lớp, rồi lại từ nhà thầy đạp thẳng xe đến trường để học chính khóa, những lần thầy chỉ trích trực tiếp mà đầy bài học kinh nghiệm lẫn nước mắt dành cho tụi con,… Nhớ nhiều nhiều những điều khác nữa thầy ạ!

Hồi đó, con cứ tưởng lớp đông như vậy thầy sẽ chẳng nhớ được hết đâu, vậy mà thầy làm tụi con một phen hoảng hồn vì nhớ luôn cả tên phụ huynh chứ đừng nói là tên của từng đứa. Làm sao con có thể kể hết những công ơn dạy dỗ, che chở và bảo vệ cho con mỗi khi con lỡ trượt chân ngã, làm sao con có thể đong đếm được tình cảm, hi vọng mà thầy đặt lên vai tụi con khi bước ra đời, làm sao con có thể tìm một điều thiêng liêng gì đó để mà so sánh với những điều thầy đã dành cho con? Đó luôn là một điều không thể nào!

Ngày hôm nay, con đã là một cô sinh viên năm nhất, có lẽ con vẫn lười như ngày nào, vẫn ương bướng như cái thời bị đánh bầm dập nhưng con không còn là nguyên bản của ngày đó! Con đã thay đổi, thay đổi một cách tích cực để xứng đáng với niềm tin thầy đặt ra cho con.

Những bài giảng hay có lẽ chỉ tồn tại ở một khoảng nào đó rồi sẽ trôi tuột, những lời động viên nhắc nhở con đôi khi sẽ thoáng quên, những lo lắng chở che khi con vấp ngã cũng sẽ bị con vô tình quên lãng,… Nhưng chỉ cần nghĩ về thầy, về những điều mà thầy vun đắp cho con được như ngày hôm nay, con sẽ không bao giờ quên.

Con – học trò bướng bỉnh của thầy.


Nguồn: www21.24h.com.vn

Gặp thầy giáo 'chính nghĩa' của sinh viên ĐH Luật

Có những “status” vài trăm lượt “like”, có cả đội “cổ động viên” hò reo, chúc mừng trong lễ tuyên dương "Nhà giáo trẻ tiêu biểu", thầy Võ Trung Tín được yêu mến vì nhiều điều, như hay làm việc nghĩa...

Hot boy trên mạng và trong trường

Thạc sĩ Võ Trung Tín năm năm liên tiếp nhận danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”, là người được chọn tham gia tọa đàm trong buổi tuyên dương gần đây và thay mặt thế hệ nhà giáo trẻ tặng hoa cho nhà giáo Nguyễn Ngọc Giao. Nhưng quan trọng hơn những danh hiệu và vinh dự, thầy giáo Võ Trung Tín là người dành được những tràn pháo tay và hò reo to nhất trong khán phòng từ sinh viên của mình. Trên mạng xã hội của mình, thầy giáo này đã ghi “các đồng nghiệp ra về tay xách nách mang; còn mình, gọn hơn! Vì bao nhiêu hoa, biểu trưng, bằng khen, “tụi nhỏ giành cầm hết rồi!”.

Thầy Võ Trung Tín được các bạn sinh viên ĐH Luật yêu mến không chỉ trên giảng đường.

Người lên trang cá nhân của thầy sẽ bất ngờ trước sự quan tâm mà mọi người dành cho Võ Trung Tín với mỗi câu nói của mình. Chưa hết, có cả một trang riêng được lập ra dành cho những người yêu mến thầy giáo “Vova” này (vì thầy thường kể chuyện Vova mỗi lúc sinh viên buồn ngủ).

Lý giải về sự quan tâm, thầy Tín cho rằng: “Tôi chỉ nghĩ vì mình chia sẻ những điều gần gũi với sự quan tâm của các bạn. Hơn nữa, trên mạng các bạn có thể thoải mái hơn, không giữ khoảng cách như ở ngoài nên tương tác thầy trò cũng nhiều hơn”.

Còn sinh viên ĐH Luật TP. HCM giới thiệu về thầy Võ Trung Tín là “thầy nổi lắm đó” hoặc “một ông thầy chính nghĩa, vì thầy là người giúp đỡ sinh viên không chỉ trong các vấn đề học thuật mà còn cuộc sống, công việc… Khi được hỏi ngoài tin nhắn về công việc, học tập, có “bày tỏ tình yêu” nào không, thầy Tin nói, “cũng có nhiều, nhưng chắc chỉ là tình cảm ngưỡng mộ của các bạn”.

Có một lần, một báo mạng đã chụp lại ảnh trang cá nhân của thầy Tín và chú thích rằng “giáo viên mà viết status… buồn thảm làm ảnh hưởng sinh viên”, thế là về sau thầy Tín ý thức chỉ ghi công khai những điều tích cực, “cũng không đến nỗi phải giữ kẽ hay kiêng dè quá, với những câu nói cá nhân, “tâm trạng”, tôi thường chỉ cho một nhóm nhỏ xem”.

Tham gia cứu trợ Rung chuông vàng cho sinh viên của mình.

Đồng hành cùng sinh viên đi tình nguyện và… ăn chơi

Không chỉ là người thầy trên giảng đường và qua… mạng xã hội, thạc sĩ Võ Trung Tín còn đồng hành cùng sinh viên trong các hoạt động tình nguyện. Ra trường đã mười năm, thầy vẫn là gương mặt tích cực của hoạt độngNgày thứ Bảy tình nguyện, Mùa hè xanh- tham gia hỗ trợ sinh viên trong chương trình Tư vấn pháp luật.

“Ngày xưa thì tôi đi nhiều lắm, đi cả tháng. Bây giờ bận rộn nên thường chỉ ở với các bạn được khoảng một tuần. Tôi thích hoạt động tình nguyện, vui khi đem kiến thức của mình đến cho người khác, càng vui hơn khi sự đóng góp đó lại là đóng góp của cả một tập thể”, thầy cho biết.

Thầy Võ Trung Tín trong Lễ Tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2011.

San sẻ yêu thươnglà tên quỹ học bổng mà thầy Võ Trung Tín đề xuất và vừa chính thức khởi động tháng 9/2012.

“Sinh viên, đặc biệt là các sinh viên học xa nhà, thường gặp phải những hoàn cảnh khó khăn đột xuất như tai nạn, ốm đau. Tất nhiên trong những trường hợp đó thầy cô và bạn bè sẽ vận động quyên góp để giúp đỡ em, nhưng đôi khi sự chậm trễ vì phải quyên góp sẽ gây ra một vài hậu quả. Xuất phát từ hoàn cảnh đó, quỹ “San sẻ yêu thương” được lập ra nhằm “cứu trợ” sinh viên những lúc khẩn cấp như vậy.

Vì sự gần gũi và thân thiện của mình, thầy thường xuyên là đối tượng sinh viên nhớ tới trong cả buổi họp lớp, đi chơi và cả… đám cưới. “Nếu được tôi đều sắp xếp tham gia cùng các bạn”, thầy giáo trẻ cho biết.

Luôn đồng hành của sinh viên trong các hoạt động xã hội.

“Hình ảnh người thầy giáo rất thiêng liêng”

Mẹ của thầy giáo Võ Trung Tín là cô giáo lớp 1, người thầy đầu tiên trong cuộc đời thầy. “Vì vậy ngay từ nhỏ, hình ảnh người thầy đối với tôi đã rất thiêng liêng”, Võ Trung Tín cho biết. Tuy vậy khi lên cấp 3, một thôi thúc khác đến với thầy khi nhận thấy hiểu biết của người dân Việt Nam về pháp luật vẫn còn kém, “và thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến bất lợi cho người dân trong nhiều vụ việc”. Vì vậy, ngày đó thầy đã rẽ ngang để học Luật.

Đến năm cuối ĐH Luật TP. HCM, vẫn cảm thấy yêu thích công việc này, thầy Võ Trung Tín đăng ký giảng thử sau khi tốt nghiệp và được ký hợp đồng tập sự. Từ đó đến nay, sau mười năm, “tôi cảm thấy mình phù hợp với nghề giáo viên” và “đi dạy chỉ hay bị phàn nàn nhất về việc dạy lấn giờ thôi”.

Thầy Võ Trung Tín và các sinh viên trong lễ tốt nghiệp.
Là nhân vật được yêu mến, được chọn xuất hiện trên lịch của ĐH Luật.

Môn học thầy giáo này chọn để theo đuổi ở trường ĐH là Luật Môi trường (cũng là môn thầy đang làm luận án Tiến sĩ). Về một học hay bị gọi là “môn nhà giàu”, Võ Trung Tín lý giải: “Song hành cùng kinh tế, môi trường cũng cần được quan tâm không kém. Nhưng đúng là hiện nay chúng ta chỉ tập trung phát triển kinh tế, nên môn học liên quan đến môi trường trở thành “môn nhà giàu”. Tôi chọn môn này còn vì nó mới, các văn bản về luật này tại Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh, và kiến thức về môn này luôn đổi mới liên tục, có nhiều thứ để đào sâu và đòi hỏi chúng ta phải liên tục cập nhật”.

Thầy Võ Trung Tín giữ song song hai việc giảng dạy và làm việc về luật ở bên ngoài. “Lý do đầu tiên của việc này là để đảm bảo cuộc sống. Nhưng khi đi làm ngoài, tôi cảm thấy mình biết nhiều hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn để truyền đạt lại cho sinh viên khi giảng dạy. Trước kia tôi chạy “sô” nhiều lắm, vì có thời ham giảng đến độ… tắt tiếng (đã từng bị 3 lần!). Sinh viên phải nấu thuốc mang đến để thầy “mau lấy lại phong độ”. Sau này thì thấy nguy hiểm quá, mẹ cũng khuyên nên giảng ít lại để tập trung tốt hơn”.

Thầy Võ Trung Tín nói gì “xe chính chủ”?

Một phần lý do thầy được các bạn sinh viên yêu mến là vì tham gia thảo luận đến các vấn đề nóng bỏng. Bài viết ngắn về Nghị định 71 mới ban hành đã được các thành viên mạng xã hội chia sẻ “nhiệt liệt” vì sự giải đáp nhanh gọn và thiết thực của mình.

Theo thầy Võ Trung Tín - “Cả Nghị định 34 và Nghị định 71 đều quy định xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm. Như vậy, cần phân biệt chủ phương tiện với chủ sở hữu đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia lưu thông”. Thầy giáo này cũng gọi điện đến CSGT và CSTT ở các tỉnh thành và thông báo với sinh viên về việc xử phạt ở Cần Thơ hoặc “cho qua” ở Đồng Nai, Long An, TP. HCM và bổ sung thêm “các tỉnh khác chưa có alô nên không biết”.

PHƯƠNG THẢO

Theo Infonet


Nguồn: news.zing.vn

Phát hiện chất diệt tế bào ung thư ở một loại cây rừng

Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Đa dạng sinh học Sarawak, Malaysia (SBC) và trường Đại học bang Ohio đang đẩy nhanh sự phát triển và thương mại hóa của một hợp chất có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư từ một loại cây rừng nhiệt đới.

Chất chống ung thư đó chính là silvestrol, một hợp chất có trong cành, quả và vỏ của loài cây Aglaia, được tìm thấy ở Borneo, Indonesia, Malaysia và một số đảo ở Thái Bình Dương. Nhiều năm nay loại cây này được dùng làm thuốc chữa rối loạn tiêu hóa ở Malaysia nhưng chưa bao giờ được dùng để chữa ung thư.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hợp chất trị ung thư ở loài cây Aglaia (Flickr)
Các nhà nghiên cứu ở Đại học bang Ohio phát hiện ra rằng silvestrol có khả năng tiêu diệt những tế bào ung thư ở chuột. Điều này mở ra hướng điều trị ung thư mới cho con người trong tương lai không xa.

Alan Douglas Kinghorn, một nhà nghiên cứu có thâm niên của Trung tâm chuyên sâu về Ung thư thuộc trường Đại học bang Ohio và là chuyên gia hàng đầu về silvestrol, cũng chính là người đặt tên cho hợp chất này nói rằng silvestrol đã cho kết quả rất khả quan đối với các các tế bào B ác tính chẳng hạn như bệnh ung thư bạch cầu lymphoid cấp hay u lympho tế bào áo nang. Silvestrol cũng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư phổi, ngực và tuyến tiền liệt. Điều quan trọng là silvestrol không gây hại đến những tế bào khỏe mạnh của hệ miễn dịch, khắc phục được những yếu điểm của các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu hiện có.
Nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm hợp chất này trên động vật và hy vọng sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người trong vòng từ ba đến bốn năm tới.

Để tiến hành nghiên cứu sâu hơn và phát triển silvestrol, bang Ohio đã ký một thỏa thuận với SBC, theo đó trường Đại học sẽ độc quyền đối với hợp chất silvestrol của SBC. Trung tâm này sẽ cung cấp nguyên liệu thô cho trường Đại học bang Ohio. Đổi lại là sau khi thử nghiệm lâm sàng thành công và hợp chất này được thương mại hóa, SBC sẽ được hưởng một phần tiền bản quyền.

Nguồn: khoahoc.baodatviet.vn

Ông Tây 'có duyên' với trẻ khuyết tật VN

Ông Ben Huls khiến người khác khâm phục vì những công việc thầm lặng đầy ý nghĩa dành cho trẻ trẻ em khiếm thị VN.

Ông Ben đang tham gia công việc tình nguyện.

Người thầy có duyên dạy trẻ khuyết tật

Ben Huls, người đàn ông đến từ Hà Lan, có dáng người dong dỏng cao, nụ cười ấm áp lúc nào cũng thường trực trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn. Nhìn ông giống như một du khách nước ngoài thân thiện mà người ta thường thấy ở Hồ Gươm hơn là một nhà giáo. Ở độ tuổi 60, ông đi dạy học, làm tình nguyện và nhiệt tình gắn bó với nghề giáo viên nơi đất khách quê người.

Trước khi đến với Việt Nam, ông Ben từng có thâm niên với nghề gõ đầu trẻ suốt 13 năm. Ông dạy các môn toán, lịch sử xã hội và  khoa học  chính trị tại một trường trung học ở Hà Lan. Cách đây hai năm, ông chuyển sang đi dạy ở một ngôi trường dành cho trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh và cũng bắt đầu từ đây, cái duyên với việc dạy học cho trẻ khuyết tật bắt đầu hình thành.

Ông quan tâm và thực sự muốn giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. “Với tôi điều quan trọng là được thấy sự nỗ lực của những em học sinh, cách các em vươn lên để học tập như thế nào dù có bị thiệt thòi vì khuyết tật, kể cả đó là khuyết tật về thể chất hay trẻ bị thiểu năng trí tuệ”, ông tâm sự.



Ông Ben đang tham gia công việc tình nguyện. (Ảnh: Thu Ninh).

Không chỉ ngừng lại ở Hà Lan, Ben Huls còn có một thời gian dài làm việc tại New Zealand, ông cho biết đó là một công việc trong mơ bởi ông lại tiếp tục được dạy cho người khuyết tật. “Với những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội như vậy, thật tuyệt biết bao khi chúng ta có thể giúp họ được học tập, học thêm những kĩ năng mới, giúp họ có thêm niềm tin và khuyến khích họ tự hào về những gì đã làm được".

Đối với ông, nhìn ngắm sự tiến bộ dần dần trong cuộc sống của những người khuyết tật là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng, bởi ít ra ông cũng đã đóng góp một phần nào công sức trong đó.

Giúp trẻ khuyết tật tin vào chính mình

Trong số những trải nghiệm đáng nhớ của Ben Huls không thể không nhắc tới việc ông dạy tiếng Anh và các kĩ năng khác cho các em học sinh khiếm thị trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội từ mùa hè năm 2011. “Đó là lần đầu tiên tôi dạy học cho trẻ em bị khiếm thị, nhưng điều đó chỉ có nghĩa là tôi cần phải thích ứng và điều chỉnh một chút phương pháp sư phạm khác để dạy lũ trẻ".

“Nhưng bọn trẻ cũng dạy lại tôi nhiều thứ đấy nhé. Trước đây tôi chẳng biết gì về Bray (hệ thống chữ nổi cho người mù – PV) nhưng bây giờ thì đã biết rồi”, ông cười hóm hỉnh khi nhắc tới kỉ niệm vui. “Dẫu sao thì cái quan trọng vẫn là thuyết phục các em học sinh rằng chúng có khả năng học được những kĩ năng mới, học những thứ mà chúng không bao giờ biết rằng mình có thể làm".

Có lần Ben yêu cầu các học sinh trong lớp làm một bài thuyết trình sau vài buổi học. “Khỏi phải nói lúc đó bọn trẻ lo lắng tới cỡ nào, chúng sợ làm thế nào để đứng trước đông người nói, rồi trả lời câu hỏi. Nhưng khi chúng hoàn thành xong bài thuyết trình bạn không biết được chúng tự hào tới mức nào đâu. Nhìn lũ trẻ tự hào vì thành quả của mình, rồi nghĩ tới những điều nhỏ bé này có thể thay đổi con người chúng làm tôi như được tiếp thêm năng lượng”. Với Ben, ông có thể tiếp tục theo đuổi công việc cho tới ngày hôm nay là nhờ những điều ý nghĩa bé nhỏ như vậy.

Dù đã ở cái tuổi trải qua hơn hai phần ba cuộc đời, ông Ben vẫn không hề muốn nghỉ ngơi mà mơ ước được đi tới khắp các miền đất xa lạ, dạy học cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Thỉnh thoảng cuối tuần mọi người vẫn bắt gặp ông Ben đang dạy học cho bọn trẻ ở chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội).

Ông bắt đầu làm tình nguyện ở chùa Bồ đề từ năm 2010, bắt đầu với lớp mẫu giáo dạy trẻ từ 4 tuổi. Lớp học tình thương này là do ông tự mở, tự đóng góp tủ, bàn ghế… rồi cũng chính tay ông quét dọn, lau chùi lớp học để những trẻ em thiệt thòi nơi đây có thể tới học.



Chơi đùa với trẻ em mồ côi chùa Bồ Đề. (Ảnh: Thu Ninh).

Ông Ben cùng tình nguyện viên đang dọn dẹp để mở lớp học tình thương cho trẻ Bồ đề (Ảnh: Thu Ninh).

Những bài hát vui nhộn, cách rửa tay, cách đánh răng, cách làm việc theo nhóm… những điều tưởng chừng đơn giản đó đã giúp trẻ em chùa Bồ Đề học ra nhiều điều. Chúng coi ông như một người bạn thân thiết đến nỗi cứ mỗi lần thấy ông bọn trẻ lại hét lớn: “Ông Ben” rồi chạy tới ôm ông.

Hiện tại ông Ben quay lại NewZealand để giúp đỡ những thanh thiếu niên ở trại cải tạo. Ông tâm sự rằng sang năm nhất định sẽ trở lại Hà Nội bởi ông rất nhớ lũ trẻ nơi đây, và còn rất nhiều dự định ấp ủ mà ông muốn hoàn thiện nốt để giúp trẻ em hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống tốt đẹp hơn..


Nguồn: khampha.vn

"Đệ tử" Thu Minh lấn lướt "đàn em" Trần Lập

Mặc dù cùng xuất quân với bốn giọng ca được đánh giá là xuất sắc nhất nhưng so với "bộ tứ" đến từ đội Thu Minh, dàn học trò của Trần Lập tỏ ra lép vế hơn hẳn ở tất cả các phần trình diễn.

-

Là thí sinh đội Trần Lập được bình chọn nhiều nhất với hơn 50% tổng số phiếu, tuy nhiên Kiên Giang lại là giọng ca có phần trình diễn mắc nhiều lỗi nhất. Chọn thể hiện một ca khúc kinh điển của ban nhạc Queen huyền thoại làToo much love will kill younhưng không những không khoe được chất giọng đẹp của mình, anh chàng kỹ sư mê ca hát lại liên tục mắc lỗi, đặc biệt là ở những nốt cao.


Kiên Giang nhận được số phiếu bình chọn cao nhất dù có một thể hiện không tốt

Với Thùy Linh, quyết định làm mới mình khi trình diễn ca khúcKilling me softlytheo phong cách R&B đã có tác dụng ngược khi cô gái đến từ Hà Nội không nhận được sự cổ vũ từ khán giả như những đêm thi trước. Đánh rơi nét lả lơi, quyến rũ đầy chất jazz quen thuộc và mang đến một phần trình diễn nhạt nhòa, Thùy Linh đã lần đầu tiên phải đối mặt với thử thách sing off.

Cũng như những đêm thi trước, hai thí sinh còn lại là Nguyễn Văn Thắng và Kim Loan đều không để lại ấn tượng gì nhiều. Trong khi chàng rocker quê Thanh Hóa thể hiện một cách đơn điệu ca khúcNhắm mắtthì giọng ca lớn tuổi nhất cuộc thi lại tiếp tỏ chứng minh mình chỉ có sức mà thiếu sự tinh tế. Tuy nhiên, thêm một lần nữa Trần Lập lại dành sự ưu ái cho Kim Loan.


Không quá nổi bật, Kim Loan vẫn được Trần Lập ưu ái

Ngược lai với bốn phần thi thiếu thuyết phục đến từ đội Trần Lập, các học trò của Thu Minh đều đã cống hiến cho khán giả những màn trình diễn giàu chất lượng. Ấn tượng nhất trong số đó vẫn là Hương Tràm.

Thăng hoa với một ca khúc đòi hỏi nhiều trải nghiệm,Như chưa bắt đầu,giọng ca 17 tuổi đã chứng minh được một điều rằng không phải lúc nào tuổi tác cũng có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của người nghệ sĩ. Tương tự như các đêm liveshow trước, Hương Tràm lại là thí sinh có số phiếu bình chọn cao nhất đội Thu Minh.

Không quá nổi bật ở những vòng ngoài, tuy nhiên càng vào sâu Trúc Nhân càng bộc lộ rõ khả năng cũng như cá tính âm nhạc của mình. Sự tiến bộ này không chỉ khiến khán giả mà ngay cả Thu Minh cũng phải bất ngờ. Đêm thi vừa rồi, rũ bỏ phong cách liêu trai thường thấy, Trúc Nhân đã chinh phục được người nghe bằng một lối hát mộc mạc và đầy tự sự. Qua đó, thí sinh này là cái tên đầu tiên được Thu Minh trao cơ hội đi tiếp.


Hương Tràm tiếp tục gây ấn tượng mạn.

Dù là những người phải đối mặt với nhau ở thử thách sing off nhưng trước đó cả Xuân Sơn và Dương Trần Nghĩa đều thể hiện không hề tệ. Nếu như Xuân Sơn gây bất ngờ khi làm mới bản thân với phong cách bán cổ điển thì Dương Trần Nghĩa lại mang đến một sự biến hóa, đầy màu sắc trong phần thi của mình.

Đứng trước lựa chọn khó khăn này, Thu Minh đã quyết định gọi tên người trình diễn tốt hơn ở thử thách sing off. Và đó chính là Xuân Sơn. Dù đây là một kết quả chính xác nhưng vẫn tiếc cho Nghĩa. Nếu "đầu quân" cho huấn luyện viên khác, biết đâu ông bố trẻ đã có thể đi sâu hơn.

Về phía đội Trần Lập, rocker thiếu cá tính Nguyễn Văn Thắng đã phải dừng cuộc chơi và nhường suất vào vòng sau cho Nguyễn Thùy Linh.

Phong Vũ


Nguồn: vietnamnet.vn

Vĩnh Long: Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất giáo dục

Từ 2010 - 2015, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng mới được 40 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông cho 11 xã có đông người Khmer sinh sống. Trong đó có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú được xây dựng kiên cố tại huyện Tam Bình, đã đi vào hoạt động từ đầu năm học 2010 - 2011 và 4 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.


Một giờ học của lớp 4/1, Trường Tiểu học Hùng Vương (Vĩnh Long).

Đội ngũ giáo viên các cấp là người Khmer có gần 140 người, hầu hết được đào tạo chuẩn hóa, trong đó có 14 người được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh. Hàng năm, con em người dân tộc đến tuổi được huy động vào các trường mầm non, vào lớp 1 đạt tỷ lệ từ 98% trở lên. Một số trường đã tổ chức dạy song ngữ (Kinh - Khmer) cho học sinh.


Nhờ quan tâm tới phát triển giáo dục và thực hiện tốt chính sách cử tuyển học sinh người dân tộc đi đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng nên hiện nay đội ngũ cán bộ người Khmer của tỉnh có trình độ văn hóa và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tăng dần. Tính chung, toàn tỉnh hiện có gần 370 cán bộ là người Khmer đang công tác ở các cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến huyện và xã, ấp; trong đó có 208 người là đảng viên...

PV


Nguồn: baotintuc.vn

Bạc Liêu: Ươm mầm tri thức cho con em Khmer

Năm học 2012 - 2013, Trường trung học PTDTNT tỉnh Bạc Liêu có tổng số 340 học sinh, được phân thành 10 lớp. Mục tiêu mà Ban Giám hiệu nhà trường đặt ra là tiếp tục đổi mới phương pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, phấn đấu giảm thấp nhất tỷ lệ học sinh yếu, kém.

Để đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm, nhà trường đã đặc biệt quan tâm về nơi ăn, ở và tăng cường phụ đạo cho các em, nhất là các em học sinh mới vào lớp 10. Nhờ sự quan tâm dạy dỗ tận tình của các thầy cô giáo, tất cả học sinh của trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bạc Liêu đều có ý thức cao trong việc học tập và tự đặt ra mục tiêu trong năm học mới để bản thân phấn đấu.


Đến nay đã có nhiều học sinh của trường đang theo học ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên cả nước. Nhiều em đã tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định, trở thành cán bộ, lãnh đạo các cấp ở tỉnh Bạc Liêu.


PV


Nguồn: baotintuc.vn

Các khóa dự bị tại Anh

Thông thường, sinh viên Việt Nam muốn học đại học tại Anh có thể chọn A level (khi bạn 16 tuổi trở lên) hoặc dự bị đại học (khi bạn 17 tuổi trở lên).

Việc theo đuổi những chương trình này còn tùy thuộc vào việc bạn mong muốn vào những trường nào (top 5 hay top 10..), chuyên ngành nào (y, dược, nha sĩ, luật, kinh tế,  khoa học , kỹ thuật…) cũng như năng lực của sinh viên.

Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư nhiều, thời gian du học dài nên rất nhiều du học sinh lựa chọn chương trình rút ngắn. Học sinh học hết lớp 12 tại Việt Nam với kết quả loại giỏi có thể chọn chương trình Diploma (một năm) hay International Year One, kết thúc chương trình này sinh viên có thể vào thẳng năm thứ hai. Đây là chương trình liên kết giữa một số trường đại học với các tổ chức giáo dục. Như vậy để lấy được bằng cử nhân đại học sinh viên chỉ cần mất 3 năm so với các bạn học dự bị đại học thì cần 4 năm, với các bạn học A level thì là 5 năm. Khá nhiều sinh viên lựa chọn con đường trên vì tính ưu việt của thời gian và chi phí.

Việc sở hữu tấm bằng tại các trường xếp hạng cao tại Anh là mơ ước của nhiều bạn trẻ. Có thể điểm trung bình chung của bạn khi học đại học tại Việt Nam không đủ vào thẳng. Bạn buộc phải đi đường vòng, học dự bị thạc sĩ trước và dựa vào điểm của khóa dự bị thạc sĩ để nộp hồ sơ cho khóa thạc sĩ. Tuy nhiên trước khi lựa chọn các chương trình dự bị thạc sĩ sinh viên cần kiểm tra liệu trường đại học đó có chấp nhận điểm của khóa học dự bị thạc sĩ thay cho điểm của chương trình đại học không.

Khóa học dự bị thạc sĩ cũng thực sự có giá trị đối với những sinh viên muốn thay đổi ngành nghề so với background về đại học của mình, hoặc muốn có sự chuẩn bị tốt hơn khi vào chương trình cao học (sinh viên được chuẩn bị tiếng Anh, phương pháp học cũng như kiến thức nền tảng chuyên ngành).

Phối hợp với Công ty tư vấn du học ISC-UKEAS các tổ chức giáo dục (Kaplan International College, INTO, Study Group) tổ chức phỏng vấn học bổng cho các bạn sinh viên có nhu cầu học các chương trình chuẩn bị vào đại học (tiếng Anh, dự bị đại học, dự bị thạc sĩ) trong tháng 11 này. Các bạn có thể đặc lịch hẹn tại đây.

Cũng trong tháng 11 này, ISC- UKEAS còn có chương trình tư vấn IELTS miễn phí dành cho bất cứ sinh viên nào đến với văn phòng tại TP HCM. Khi đến với buổi tư vấn này, các bạn sẽ nhận được những thông tin bổ ích phục vụ cho kỳ thi IELTS từ Giám đốc khu vực của văn phòng và chuyên gia dạy IELTS.

Công ty còn là một đối tác của Hội đồng Anh và sinh viên có thể đăng ký thi IELTS ở Hội đồng Anh thông qua các văn phòng ISC -UKEAS và có cơ hội nhận được sách IELTS hữu ích cho kỳ thi.

Ngoài ra, để hỗ trợ các bạn sinh viên trong quá trình hoàn thiện hồ sơ du học, ISC- UKEAS còn cung cấp dịch thuật miễn phí cho các bạn học sinh, sinh viên đang làm hồ sơ đi du học tại văn phòng.

Liên hệ: Công ty tư vấn du học ISC-UKEAS

65 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tel: (+84) 04 3941 1906 hoặc Fax: (+84) 04 3942 6724
Email: hanoi@isc-ukeas.com

Lầu 5, 35 Mạc Đĩnh Chi, Đa Kao, quận 1, TP HCM.
Tel (+84) 08 3824 6622 hoặc Fax: (+84) 08 3824 6611
Email: hochiminh@isc-ukeas.com

Website: http://www.isc-ukeas.com/

(Nguồn:ISC-UKEAS)


Nguồn: vnexpress.net

An Giang: Đưa giáo dục về tới tận phum, sóc

Trong các dân tộc thiểu số ở An Giang thì đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ đông nhất với hơn 91.000 người, sống tập trung ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên.


Thời gian qua, An Giang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer đối với học sinh người dân tộc Khmer và cán bộ, công chức công tác tại vùng có đồng bào Khmer sinh sống... Riêng 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cũng đã ban hành các nghị quyết, quyết định, đề án về xây dựng điểm trường mẫu giáo trong phum, sóc vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2012 - 2020, đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc Khmer.

Cùng với các chính sách hỗ trợ về học phí, sách vở, cấp tiền ăn, học bổng, học sinh Khmer và Chăm sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông còn được xét cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, năm 2010, tỉnh đã chi hơn 1,1 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí đào tạo, học bổng, sinh hoạt phí cho 90 sinh viên theo học cử tuyển, phần lớn là sinh viên dân tộc Khmer. Năm 2011, có 84 sinh viên học cử tuyển được tỉnh chi hỗ trợ gần 1,32 tỷ đồng.


PV


Nguồn: baotintuc.vn

Ngày ấy, đâu rồi ?

TP - Những dòng tâm sự, sẻ chia của một bà mẹ, PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, người đã sinh thành cho đất nước một tài năng toán học tầm cỡ thế giới - GS Ngô Bảo Châu - vào đúng dịp 20-11 về sự học, về tình nghĩa thầy trò cao cả, về lẽ sống ở đời giúp chúng ta hiểu hơn về cái nôi đã nuôi dưỡng lên một Ngô Bảo Châu, một giải Fields danh giá như thế nào.

> Về nước học toán với GS Ngô Bảo Châu
> Giáo sư Ngô Bảo Châu: Sách giáo khoa Toán không có lỗi

Suốt trong những năm tháng chiến tranh, khi đất nước còn nghèo khó, rồi cả thời bao cấp sau này, nền giáo dục nước nhà dưới con mắt của người mẹ này lại dường như có quá nhiều điều trong sáng và tích cực. Cả hai mẹ con đều thành đạt nhờ những người thầy giỏi, tận tâm mà cao cả.

Thời của bà cũng như của GS Ngô Bảo Châu, giáo dục nước nhà đâu có hội chứng, có vấn nạn dạy thêm, học thêm nhức nhối như bây giờ.

Thời đó, chỉ cần có học trò giỏi đã là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người thầy. “Hồi ấy chẳng ai nghĩ đến việc có thêm thu nhập. Các thầy đến tận nhà dạy Châu mà không bao giờ nhận lại chút đền đáp vật chất dù chỉ gói chè” - bà viết.

Thời đó, đâu có bệnh thành tích trong giáo dục, đâu có bắc thang trèo tường ném phao ào ào, công khai quay cóp trong thi cử, đâu có đỗ tốt nghiệp cấp 3 những 99%.

Thời đó, cũng không thể có tới 80-90% học sinh xếp loại học lực giỏi như bây giờ, mỗi lớp quá lắm cũng chỉ dăm ba người đạt loại giỏi.

Thời đó, thi đỗ đại học là niềm tự hào của cả làng, cả huyện, mỗi lớp cũng chỉ có vài ba người thật xuất sắc thi đỗ (trừ các lớp chuyên toán, chuyên văn cấp tỉnh, thành thường có tỷ lệ đậu đại học hoặc đủ điểm đi học nước ngoài đạt 100%).

Thời đó, lứa học sinh như chúng tôi những năm 70-80 của thế kỷ trước, dẫu nghèo nàn về cơ sở vật chất trường lớp, về cái ăn, cái mặc, song bù lại được học hành, vui chơi một cách hết sức thoải mái mà không hề phải chịu bất cứ một áp lực nào.

Không phải đi học thêm, nếu học kém có phụ đạo, còn nếu có năng khiếu về văn hay toán, sẽ được vào trường chuyên, được các thầy dạy giỏi nhất trực tiếp kèm cặp... miễn phí.

Thời ấy, học trò đâu chỉ có học chữ mà còn được học cách làm người, được thầy “gieo vào những con tim tươi trẻ một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống” - PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền viết.

Vẫn biết, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Vẫn biết, nền giáo dục nước nhà thời kỳ đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn đáng ghi nhận bên cạnh những bất cập, khó khăn trước mắt.

Nhưng đọc những dòng tự sự quá đỗi nhân văn của người mẹ GS Ngô Bảo Châu, hẳn không ít người trong chúng ta phải thốt lên: Ngày ấy, đâu rồi ?

Việt Hùng


Nguồn: www.tienphong.vn

Cơ hội chuyển điểm của Đại học Charles Sturt, Australia

Trường có chương trình xét miễn giảm tín chỉ dành cho sinh viên đang theo học hoặc đã tốt nghiệp chương trình đại học tại những trường uy tín, giúp các em có thể rút ngắn thời gian học.

CSU là trường đại họccông lập uy tín của Australia. Trường có hơn 35.000 sinh viên đang theo học tại 7 trụ sở trong đó có hai trụ sở ngay tại trung tâm TP Melbourne và Sydney.

CSU phối hợp cùng các doanh nghiệp hàng đầu “thiết kế” ra các khóa học mang tính thực tiễn cao, phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trường được Good Universities Guide xếp hạng cao về tỷ lệ sinh viên sớm có việc làm với mức lương khởi điểm tốt dành cho sinh viên mới tốt nghiệp trong nhiều năm liền. 87% sinh viên của CSU có việc làm ngay sau bốn tháng tốt nghiệp.

Đại học CSU - Melbourne Campus.

Hai cơ sở tại Melbourne và Sydney dành riêng cho sinh viên quốc tế. Các em được “chăm sóc đặc biệt” với lớp học quy mô nhỏ để sự tương tác giữa thầy cô và sinh viên luôn được đẩy mạnh. Trường có những bộ phận hỗ trợ các em về kỹ năng học trong môi trường quốc tế và kiến thức học thuật như: lớp phụ đạo miễn phí, luyện cách viết bài luận... Trường cũng tư vấn về khía cạnh xã hội và sức khỏe…giúp sinh viên quốc tế sớm hòa nhập vào môi trường mới trong thời gian đầu xa nhà, đòi hỏi tính tự lập cao.

Chương trình cử nhân đại học và thạc sĩ tại cơ sở Melbourne và Sydney với những chuyên ngành nổi bật về kinh doanh và công nghệ thông tin như: kế toán, quản lý, marketing, quản trý nhân sự hay quản trị mạng, kỹ sư công nghệ thông tin, thiết kế và phát triển phần mềm… luôn thu hút nhiều sinh quốc tế nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng.

Lớp học với sinh viên đến từ nhiều quốc gia.

CSU có chương trình xét miễn giảm tín chỉ dành cho sinh viên đang theo học hoặc đã tốt nghiệp chương trình đại học tại những trường uy tín, giúp các em có thể rút ngắn thời gian học, tiết kiệm cả về học phí lẫn chí phí sinh hoạt cũng như cơ hội nghề nghiệp sớm hơn. Bên cạnh đó, các em có thể chọn học chương trình cấp tốc tại CSU để rút ngắn thời gian học của mình.

Huỳnh Đức Nhật An, cựu sinh viên CSU từng được trao giải “Sinh viên xuất sắc của năm” đã chia sẻ: “Tôi chọn học tại CSU vì họ công nhận chuyển tiếp những tín chỉ mà tôi đã học ở APTECH và học phí cũng khá hợp lý. Quan trọng hơn, CSU là môi trường học nghiêm túc và có chất lượng giúp tôi có một khởi đầu tốt cho sự nghiệp”.

Lễ tốt nghiệp Sydney CSU.

Ngoài ra, học phí “ưu đãi” tại CSU luôn là yếu tố được nhiều người qua tâm, vì với chính sách “thoáng” hơn về visa du học Australia như hiện nay thì mức sinh hoạt phí cao tại Australia là một trong những rào cản lớn đối với nhiều bạn trẻ trên con đường du học.

Liên hệ với văn phòng đại diện trường hoặc các công ty tư vấn du học để biết thêm thông tin về học bổng trị giá 20% học phí cho 8 môn học, kỳ nhập học tháng 2/2013.

Liên hệ: Văn phòng đại diện của trường tại Việt Nam

Phòng 1003, L.10 - 60 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP HCM.
 điện thoại : 08.39102084 – 0938 60 0909.
Email: infovn@studygroup.com

(Nguồn:Study Group)


Nguồn: vnexpress.net

Chuyên trang Tây Nam bộ: Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo trong vùng đồng bào Khmer

Những năm qua, công tác giáo dục đào tạo cho đồng bào dân tộc Khmer ở Tây Nam bộ đã được các cấp, bộ, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách phát triển giáo dục, đào tạo được thực hiện như: Đầu tư cơ sở vật chất cho việc dạy và học, ưu đãi cho giáo viên tại các vùng sâu, vùng xa, miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền sách vở cho con em các hộ Khmer nghèo...

Trà Vinh quan tâm phát triển giáo dục cho bà con

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 300.000 đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm khoảng 30% số dân của tỉnh. Nhiều năm qua, bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer, tỉnh còn chú trọng phát triển giáo dục cho con em đồng bào dân tộc. Đặc biệt, tỉnh rất quan tâm phát triển toàn diện hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, xem đây là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực quan trọng để bổ sung cho đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn vùng đồng bào Khmer trong tỉnh.


Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường PTDTNT huyện Châu Thành , Trà Vinh.

Đến nay, mạng lưới trường lớp của tỉnh đã được đầu tư xây dựng đến tận các phum sóc, tạo điều kiện cho con em Khmer được đi học theo hệ thống giáo dục phổ thông. Tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer theo học hàng năm chiếm hơn 30% trong tổng số học sinh toàn tỉnh.


Trà Vinh còn là tỉnh đi đầu trong việc phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú từ tỉnh đến huyện sớm nhất so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. 7 huyện và thành phố trong tỉnh đã có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) bậc trung học cơ sở và 1 trường PTDTNT bậc trung học phổ thông. Đây là trường chuyên biệt dành cho thanh, thiếu niên dân tộc Khmer, với nhiệm vụ chăm lo tạo nguồn, đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc Khmer của tỉnh. Học sinh của trường được trường nuôi dạy và bảo đảm các điều kiện để phát triển về đức, trí, lực. Đối tượng được tuyển sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, có đủ điều kiện về hạnh kiểm, học lực khá trở lên, có sức khỏe tốt. Những năm học trước đây, các trường này tuyển học sinh theo hình thức xét tuyển, nhưng kể từ năm học 2006 - 2007, các trường chuyển đổi sang hình thức thi tuyển. Học sinh trường PTDTNT, ngoài việc được chăm lo nơi ăn chốn ở, học hành còn được hưởng mức học bổng 360.000 đồng/tháng/học sinh. Ngoài ra còn được hưởng các chế độ hỗ trợ khác như miễn học phí và các loại lệ phí thi, tuyển sinh, tiền tàu xe nghỉ hè hoặc nghỉ Tết; hỗ trợ học phẩm; tiền điện nước, bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Đi đôi với sự chuyển đổi phương thức tuyển sinh và được chăm lo cho học sinh chu đáo, việc thực thi chế độ, chính sách ưu đãi cho cán bộ, giáo viên ngoài lương như hưởng chế độ phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng, phụ cấp trách nhiệm là 0,3% mức lương tối thiểu, đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Điển hình như Trường PTDTNT tỉnh, trên 10 năm qua, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đều đạt từ 98% trở lên. Hơn 1.000 học sinh của nhà trường đã và đang là sinh viên của các trường đại học và cao đẳng.


Ông Thạch Siêng, Trưởng Phòng Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Các trường PTDTNT của tỉnh hiện đều thực hiện nội dung giảng dạy đảm bảo đúng nội dung chương trình, sách giáo khoa hiện hành đối với từng bậc học. Các trường đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, số giờ còn lại trong tuần dùng để phụ đạo cho các học sinh trung bình, bồi dưỡng học sinh giỏi, học ngữ văn Khmer.

Môn học ngữ văn Khmer được bố trí học 3 tiết/tuần đối với các lớp 6, 7, 8, 10, 11 và 2 tiết/tuần đối với lớp 9, 12. Từ đó, chất lượng đào tạo hàng năm đều được tăng lên, tính trung bình năm học 2003 - 2004 đến 2011 - 2012, xếp loại học lực học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú bậc trung học cơ sở có tỷ lệ giỏi, khá 40%, trung bình 57%. Trong môi trường tập thể, học sinh được sinh hoạt và rèn luyện trong tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Các em được tham gia nhiều hoạt động như luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi, giao lưu văn nghệ, tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong cuộc sống tập thể ở trường. Hàng năm, công tác hướng nghiệp được triển khai đối với số học sinh chuẩn bị tốt nghiệp bằng các hình thức như tọa đàm, hướng dẫn các em lựa chọn nghề phù hợp với khả năng... Đội ngũ giáo viên của các trường đến nay đã được đào tạo cơ bản, nắm vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, có năng lực quản lý, có uy tín trong tập thể sư phạm và học sinh.


Hiện nay, ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh đã nâng quy mô tuyển sinh hàng năm đối với trường PTDTNT bậc trung học cơ sở lên 250 học sinh/trường; trường PTDTNT tỉnh có quy mô trên 500 học sinh. Đối với các huyện có đông đồng bào dân tộc, tiếp tục phát triển các phân hiệu của trường PTDTNT tỉnh, với quy mô giảng dạy từ 150 đến 200 học sinh. Với bước phát triển mới này, hệ thống trường lớp đã đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào Khmer và đào tạo đủ, kịp thời nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Bài và ảnh: Phúc Sơn


Nguồn: baotintuc.vn

Clip trường xưa xúc động: Nguyễn Huệ trong tôi

(Nguoiduatin.vn) - Nguyễn Huệ trong tôi là dự án do CNH+, Nhóm cựu học sinh chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông - Hà Nội, tổ chức nhằm hường tới kỉ niệm 65 năm Nguyễn Huệ.

P.V(nguồn: YouTube)


Nguồn: nguoiduatin.vn

Cech nổi loạn, Di Matteo nguy cơ bật bãi khỏi Chelsea

Phòng thay đồ Chelsea đã bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn nội bộ sau trận thua West Brom. Từ thái độ tức giận của thủ thành Petr Cech và một số học trò, HLV Di Matteo đang đối mặt nguy cơ sớm chấm dứt hợp đồng với sân Stamford Bridge.

Sau khoảng thời gian thi đấu thăng hoa, Chelsea bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi. Minh chứng là trong 7 trận đấu gần nhất, họ có tới 4 lần không thể giành chiến thắng. Tệ hại nhất trong số đó làthất bạicay đắng trên sân West Brom. Ngay sau khi trở về từ The Hawthorns, nội bộ The Blues đã nảy sinh những bất ổn.

Thủ thành Petr Cech là người đầu tiên thể hiện thái độ không hài lòng trước màn trình diễn của Chelsea. Không kiềm chế được cơn nóng giận, anh đã kịch liệt chỉ trích hàng phòng ngự khiến The Blues không thể giữ sạch lưới trong 9 trận đấu gần nhất.

Sau khi thủ thành người CH Séc lên tiếng, phòng thay đồ Chelsea đã trở lên rối loạn với hàng loạt lời than vãn mang tính trách móc như “Thật là vớ vẩn! Mọi người đều biết chuyện gì đang xảy ra” hay “Tự gọi mình là nhà vô địch Champions League và tham vọng của chúng tôi đang dần bị đánh mất”.

Cuộc “nổi loạn” trong phòng thay đồ Chelsea khiến sức ép đang đổ dồn lên HLV Roberto Di Matteo. Đích thân chiến lược gia người Italia đã thừa nhận, công việc của ông đang nằm trong ngưỡng báo động khi đánh rơi 10 điểm trong 4 trận đấu gần nhất.

Theo tiết lộ từ một số tờ báo Anh như The Sun hay SportMail, tỉ phú Roman Abramovich đã không thể giữ nổi bình tĩnh sau khi chứng kiến thất bại hổ thẹn của đội nhà tại The Hawthorns. Thay vì chỉ trích Di Matteo, ông chủ người Nga đã lên phương án cụ thể để tìm kiếm 1 vị HLV mới. Đó có thể là Pep Guardiola sau khi nhà cầm quân này thể hiện mong muốn trở lại băng ghế huấn luyện.

Trên thực tế, Chelsea cũng chỉ kí hợp đồng ngắn hạn 1 năm với Di Matteo nên việc sa thải vị HLV này là điều không quá khó khăn, ngay cả khi ông đã mang lại chức vô địch Champions League lần đầu tiên cho Chelsea ở mùa giải trước.

Bởi vậy, sức ép đang thuộc về Di Matteo trước chuyến hành quân tới Turin. Đây sẽ là trận cầu quyết định, có ảnh hưởng trực tiếp tới tấm vé vòng 1/8 của Nhà ĐKVĐ Chelsea. Nếu thất bại, tương lai của chiến lược gia người Ý sẽ rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” như chính thời điểm ông mới dẫn dắt The Blues.

Hải Nam

Tin liên quan

Chậm 1 giây, Cech lỡ mất bàn thắng choChelseaChấm điểm West Brom (2-1)Chelsea: Gọi tên Shane LongWest Brom vs Chelsea: Kiểm chứng Di Matteo?

Tin khác

Liverpool (3-0) Wigan: Khi Suarezkhông còn cô độcReading 2-1 Everton: Người hùng Adam Le FondreNorwich (1-0) M.U: “Đậu thần” không cứu nổi Quỷ đỏ


Nguồn: bongdaso.com