Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Diễn đàn học thuật đỉnh cao chưa từng thấy tại Châu Á

Ngày 28/7, những nhà khoa học quốc tế đầu tiên đã có mặt tại Bình Định để tham dự chuỗi sự kiện nằm trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam của GS Trần Thanh Vân tổ chức. Đây được coi là diễn đàn học thuật đỉnh cao chưa từng có tại Châu Á...

>>> Điểm hẹn của khoa học quốc tế tại Bình Định

“Gặp Gỡ Việt Nam” IX kéo dài từ 28/7 đến 17/8 tại nhiều địa điểm ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) với 4 hội nghị quốc tế. Trong đó, “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” (từ 11 – 17/8) được chờ đợi là sự kiện quan trọng hàng đầu nhân sự ra đời của Trung tâm quốc tế Gặp gỡ khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) mà GS Trần Thanh Vân từng ấp ủ như một mục tiêu lớn nhất của ông vào những năm cuối đời.

Cho tới chiều 28/7, đã có 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý xác nhận có mặt tại Việt Nam, gồm: GS Jack Steinberger (người Mỹ gốc Do Thái, Nobel 1988); George Smoot (Nobel 2006); David J.Gross (Nobel 2004); Sheldon Lee Glashow (Nobel 1979) và tác giả Nobel 1985 người Đức, GS Klaus Von Klitzing. Ngoài ra, danh sách khách mời danh dự còn có nhà bác học Rolf Heuer - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN); GS Jean - Loup Puget - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Planck; GS Ngô Bảo Châu...

Sáng nay (29/7), tại khách sạn Hải Âu trên bờ biển Quy Nhơn, 80 nhà khoa học quốc tế cùng nhiều chuyên gia trong nước chính thức khởi động “Gặp gỡ Việt Nam” IX bằng 2 hội nghị “Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck”“Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn”. Các hội nghị trên sẽ khép lại vào ngày 3/8.

Trao đổi với PV trước thềm “gặp gỡ”, GS Trần Thanh Vân phấn chấn: Khác biệt lớn nhất so với những sinh hoạt khoa học quốc tế do chúng tôi tổ chức trước đây, chính là quy mô, tầm vóc của sự kiện. Vì lý do sức khỏe, 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel vắng mặt, nếu không chúng ta có đến 7 giải Nobel cùng hội tụ. Ngay ở Pháp - nơi chúng tôi có nửa thế kỷ kết nối những trí tuệ lỗi lạc của khoa học vật lý - một cảnh tượng “nhộn nhịp” như vậy cũng hết sức hiếm hoi. Năm 2009, khi kỷ niệm 20 năm Gặp gỡ Blois, chúng tôi cũng chỉ tập hợp được 6 giải Nobel. Và đó, đến giờ hãy còn là con số “kỷ lục”.

Diễn đàn học thuật đỉnh cao chưa từng thấy tại Châu Á
Có 80 nhà khoa học quốc tế tham dự diễn đàn lần này. (Ảnh: X.N)

Gặp gỡ Việt Nam lần IX không chỉ là diễn đàn học thuật đỉnh cao chưa từng thấy tại Châu Á, mà còn là sự kiện khoa học lớn của cả thế giới. Các nhà bác học đoạt giải Nobel sẽ xuất hiện ngay từ tuần thứ hai để cùng đồng nghiệp điểm lại kết quả đặc sắc nhất của khoa học vật lý trong năm qua. Đặc biệt, ở Hội nghị khánh thành ICISE, công chúng khoa học sẽ được nghe những bài giảng của hai nhà bác học Seldon Glashow và Klaus Von Klitzing; nghe thông báo kết quả nghiên cứu mới nhất về vật lý hạt, vật lý thiên văn - vũ trụ học bắt đầu từ Big Bang (mô hình nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ - chú thích của LĐ) cho đến nay.

Sẽ có nhiều thuyết trình chuyên sâu trình bày tại đây, như: Sự sinh ra và tính chất các hạt boson Higgs; những tìm kiếm về một nền vật lý học mới; hiện tượng luận về vật lý học bên ngoài mô hình chuẩn; sự sinh ra và tính chất của các quark nặng; tia gamma, tia vũ trụ: Khảo sát từ mặt đất và vệ tinh; vật chất tối và năng lượng tối...

Là nhà khoa học nổi tiếng thế giới gốc Quảng Bình, thưa Giáo sư, lý do nào một vinh dự như vậy cùng hoài bão lớn lao của cả đời người được ông dành cho Bình Định?

- Mục đích của Gặp gỡ Việt Nam là kiến tạo không gian hữu ích cho các nhà khoa học trên thế giới gặp gỡ, trao đổi một cách thân tình, gần gũi. Họ cần có nơi để trò chuyện với nhau; có nói chuyện được lâu thì mới nảy nở tình thân. Rồi nữa, đó phải là nơi phù hợp cho những bộ óc lớn nghỉ ngơi, suy tưởng mà không bị chi phối bởi một tác nhân nào khác.

Nếu tôi chọn Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh chẳng hạn, bạn bè khoa học chắc chắn chỉ dành cho tôi chừng 50% thời gian mà thôi. 50% còn lại, mối bận tâm của họ sẽ hướng tới các chuyến thăm thú, làm việc với đại học này, viện nghiên cứu nọ (cười). Khi biết tôi có ý định tìm kiếm địa điểm xây dựng ICISE, nhiều địa phương miền Trung như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, kể cả Quảng Bình - quê hương của tôi - đã lên tiếng ủng hộ, gọi mời. Sở dĩ tôi quyết định dừng lại với Quy Nhơn, Bình Định bởi ở đây, tôi tìm thấy sự đồng điệu, tri âm tri kỷ; thấy được quyết tâm và lòng chân thành.

Tôi thực sự xúc động trước câu nói của ông Vũ Hoàng Hà - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - trong cuộc gặp đầu tiên: “GS đem đến cho chúng tôi cái mà dù có rất nhiều tiền cũng không thể nào mua được”. Các đời lãnh đạo kế nhiệm ông Hà luôn ủng hộ mạnh mẽ dự án của chúng tôi. Chưa đề xuất nào do chúng tôi đưa ra bị chính quyền địa phương lắc đầu từ chối, từ việc cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ công trình điện, nước... Nghĩa tình là vô cùng, không nên quy đổi bằng tiền, cho dù nếu tính ra tiền, nó sẽ là con số rất lớn.

Cũng cần nói thêm, 200.000m2 bờ biển ở phường Gềnh Ráng, Quy Nhơn thực sự là khung cảnh mà chúng tôi đi tìm: Không khí trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, cách biệt nhưng không quá xa tiện ích đô thị. Tôi hy vọng có thể khởi tạo, duy trì ở đây mối quan hệ chan hòa và nuôi dưỡng thành công cảm hứng sáng tạo cho các nhà khoa học như đã làm trong các cuộc trượt tuyết, leo núi Alpes ở Châu Âu.

- Xin cảm ơn GS!

Phát hiện hóa thạch một loài cá mang tròn cổ đại

Một nhóm khảo cổ Mexico mới đây đã phát hiện hóa thạch một loài cá mang tròn cổ đại từng sống trên Trái Đất cách đây 90 triệu năm. Đây là lần đầu tiên hóa thạch của loài này được tìm thấy trên thế giới.

Hóa thạch một loài cá mang tròn cổ đại
Hóa thạch một loài cá mang tròn cổ đại. (Nguồn: EFE)

Thông báo ngày 25/7 của tiến sỹ Marco Antonio Coutiño, Giám đốc Bảo tàng Cổ sinh vật học bang Chiapas, cho biết một nhóm các nhà khảo cổ địa phương đã tìm thấy hóa thạch dài 20cm của một loài cá lạ chưa từng phát hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Nghiên cứu cho thấy loài cá này có mang tròn và từng sống cách đây 90 triệu năm tại huyện Ocozocuautla.

Với tên khoa học Sapperichthys chiapanensis, thuộc họ Gonorhychidae, loài cá này được xác định sinh sống tại vùng nước Mesozoica, trong đó có bang Chiapas của Mexico.

Hiện nay, hóa thạch loài cá này được đặt trong Bảo tàng Cổ sinh vật của thành phố Tuxtla Gutiérrez, thủ phủ bang Chiapas, phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước.

Trong hai thập kỷ qua, các nhà khảo cổ bang này đã phát hiện và sưu tầm 250 hóa thạch của 15 loài cá khác nhau tại lãnh thổ của 4 huyện thuộc bang Đông Nam Mexico. Những mẫu vật này được đánh giá thuộc về kỷ Phấn trắng.

Tìm được nguồn gốc của các nhân mã

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay, phi thuyền của họ đã giải mã được bí ẩn lâu nay về các thiên thể nhỏ quay quanh mặt trời, nằm giữa sao Mộc và sao Hải Vương.

Nhân dạng thật sự của các vật thể trên, được gọi là “nhân mã”, là một trong những bí ẩn khó giải quyết của ngành vật lý học thiên thể.

Trước đây, giới thiên văn học vẫn dùng dằng chưa quyết được liệu chúng là các tiểu hành tinh hay là sao chổi, theo Space.com.


NASA cuối cùng đã tìm được nguồn gốc của các "nhân mã" - (Ảnh: NASA)

Tiểu hành tinh nhằm chỉ các thiên thể bị quăng ra xa từ vùng cận mặt trời, trong khi sao chổi từ nơi xa di chuyển dần vào trung tâm.

Đó là lý do chúng được gọi là nhân mã, sinh vật trong thần thoại Hy Lạp, với phần đầu và tay là người còn cả thân hình cùng bốn chân là ngựa.

Các quan sát mới của tàu Thám hiểm Khảo sát trường rộng của NASA, gọi tắt là WISE, đã phát hiện hầu hết “nhân mã” đều là sao chổi.

“Cũng giống như những sinh vật bí ẩn trong thần thoại, các vật thể nhân mã dường như có cuộc sống hai mặt. Dữ liệu của chúng ta cho thấy hầu hết đều có nguồn gốc sao chổi, cho thấy chúng xuất phát từ bên ngoài hệ mặt trời”, theo chuyên gia James Bauer của Phòng Thí nghiệm Động lực học của NASA tại Pasadena, bang California.

Màu sắc của nhiều nhân mã cũng là manh mối tiết lộ kết cấu của chúng. Sao chổi tối màu, giống như nhọ nồi có bề mặt phủ đầy băng, trong khi tiểu hành tinh thường sáng như trường hợp của mặt trăng.

Kết quả cho thấy đến 2/3 dân số của cộng đồng "nhân mã" là sao chổi.

Ảnh mới ngoạn mục của sao chổi thế kỷ

ISON đã lộ dạng trong bức ảnh tuyệt đẹp, đang lướt về phía trước trên phông nền gồm các thiên hà và những ngôi sao sáng.

>>> Sao chổi “thế kỷ” tiến gần Trái đất

Để tạo nên hình ảnh mới nhất của ISON, được mệnh danh là sao chổi thế kỷ, các nhà nghiên cứu đã ghép 5 bức ảnh khác nhau được truyền về từ kính viễn vọng Hubble.

“Kết quả là một hình ảnh vừa nghệ thuật vừa mang tính khoa học”, theo Space.com dẫn lời chuyên gia Josh Sokol của Viện Khoa học Kính thiên văn Không gian tại Baltimore, Maryland.

Ảnh mới ngoạn mục của sao chổi thế kỷ
Hình ảnh ấn tượng của ISON - (Ảnh: NASA/ESA)

Cả 5 bức hình đều được chụp bởi camera trường rộng số 3 UVIS của Hubble. Trong đó, 3 bức được ghi hình với bộ lọc truyền tải ánh sáng vàng và xanh lá, còn 2 bức còn lại dùng bộ lọc tương thích với ánh sáng đỏ và cận hồng ngoại.

Sao chổi ISON đang tiến về hướng sẽ tiếp cận sát nút với mặt trời vào ngày 28/11 tới, khi đó sẽ cách bề mặt mặt trời chỉ khoảng 1,16 triệu km.

Khi đến vị trí trên, sao chổi sẽ đột ngột rực sáng, có thể sánh ngang trăng tròn.

Hubble chỉ là một trong nhiều thiết bị được tận dụng để dõi theo hoạt động của sao chổi ISON.

Sao chổi là những thiên thể sơ khai, được tạo thành từ những khối kết cấu cơ bản giống như vật chất hình thành các hành tinh cách đây 4,5 tỉ năm.

Do vậy, giới thiên văn thế giới hy vọng có thể quan sát cặn kẽ dạng vật chất sẽ bốc hơi khỏi ISON khi nó ở quá gần mặt trời, để khám phá hệ mặt trời thời kỳ đầu.

Góp ý tưởng đối phó tiểu hành tinh

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận được 402 ý tưởng giúp truy tìm tiểu hành tinh có thể tấn công Trái đất trong tương lai, cũng như kéo một tiểu hành tinh nhỏ về quỹ đạo quanh mặt trăng phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

Những ý tưởng trên nhằm hưởng ứng lời kêu gọi hợp tác của NASA, được công bố vào ngày 18/6 vừa qua, trong nỗ lực tận dụng tiềm lực trong giới khoa học không chuyên hoặc bán chuyên nằm ngoài ngành không gian.

Tổng cộng có hai dự án được yêu cầu góp sức, đầu tiên là Thách thức quan trọng, với mục tiêu truy tìm mọi tiểu hành tinh có khả năng biến thành “sát thủ” Trái đất, theo Space.com.

Góp ý tưởng đối phó tiểu hành tinh
Một trong các ý tưởng ủng hộ dự án bắt tiểu hành tinh - (Ảnh: NASA)

NASA đã tìm thấy khoảng 95% các tiểu hành tinh cận Trái đất có đường kính từ 1km hoặc hơn, thuộc dạng từng lao xuống bề mặt địa cầu cách đây khoảng 65 triệu năm, quét sạch các loài khủng long và "hô biến" hầu hết các sự sống khác.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là những tiểu hành tinh có kích thước nhỏ hơn, giống như “thủ phạm” suýt nữa tấn công Chelyabinsk (Nga), vào ngày 15/2/2013. Xác suất “nã đạn” vào Trái đất của những tiểu hành tinh này là cứ cách 100 năm/lần.

Khoảng 1/3 số đề nghị mà NASA nhận được tập trung vào dự án 1, và phần còn lại đề xuất ý tưởng cho dự án gửi phi thuyền robot túm lấy một tiểu hành tinh cỡ nhỏ và quẳng vào quỹ đạo quanh mặt trăng để nghiên cứu dần.

Quốc hội Mỹ vẫn chưa quyết định thông qua khoản ngân sách 105 triệu USD theo yêu cầu của Tổng thống Barack Obama, nhằm khởi động sứ mệnh “bắt” tiểu hành tinh.

Việt Nam phát triển bộ thu hệ thống định vị Bắc Đẩu

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phát triển thành công bộ thu hoạt động với Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc.

Bắc Đẩu tương thích với hệ thống định vị GPS của Mỹ, hệ thống Galileo của châu Âu và Glonass của Nga. Bắc Đẩu cung cấp dịch vụ định vị dân dụng miễn phí với độ chính xác trong phạm vi 10m, và dịch vụ cho quân sự với độ chính xác lên trong phạm vi 10cm. Sự ra đời của hệ thống định vị Bắc Đẩu cung cấp thêm các lựa chọn dịch vụ định vị cho người sử dụng trên toàn cầu.

Với mục đích tự nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ chế tạo hệ thống bộ thu hoạt động với đa hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (multi-GNSS), nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thực hiện phát triển bộ thu Bắc Đẩu ngay khi hệ thống bắt đầu cung cấp dịch vụ vào tháng 12/2012.

Việt Nam phát triển bộ thu hệ thống định vị Bắc Đẩu
Kết quả định vị sử dụng hệ thống Bắc Đẩu (các chấm vàng), và vị trí thật của ăng-ten (chấm đỏ), trên nóc toà nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. (Ảnh: NAVIS)

Bộ thu Bắc Đẩu do NAVIS phát triển đang hoạt động ổn định. Ông Trương Minh Đức, trưởng nhóm thiết kế bộ thu Bắc Đẩu của NAVIS, cho biết: “Hiện ngoài Trung Quốc, trên thế giới chưa phổ biến các bộ thu thương mại Bắc Đẩu. Vì vậy, việc tự phát triển thành công bộ thu Bắc Đẩu là thành quả quan trọng trong lĩnh vực định vị sử dụng vệ tinh tại Việt Nam".

Quá trình thử nghiệm bộ thu Bắc Đẩu cho thấy, đối với người sử dụng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, Hệ thống định vị Bắc Đẩu có khả năng cung cấp dịch vụ định vị với độ sẵn sàng cao, giảm độ phức tạp tính toán định vị trong bộ thu. Các điểm mạnh này có được do ngoài việc sử dụng Quỹ đạo trái đất tầm trung (MEO) như các hệ thống vệ tinh định vị khác, Bắc Đẩu còn sử dụng quỹ đạo địa tĩnh (GEO), và quỹ đạo đồng bộ trái đất nghiêng (IGSO) giúp tăng khả năng bộ thu “nhìn thấy” vệ tinh.

Việt Nam phát triển bộ thu hệ thống định vị Bắc Đẩu
Vị trí của 26 vệ tinh định vị của tất cả các hệ thống định vị toàn cầu, trên bầu trời Hà Nội tại thời điểm bộ thu hoạt động, do NAVISOFT cung cấp: GPS (8 chấm vuông đậm), Gal (Galileo, 4 chấm tròn đậm), GLO (GLONASS, 5 chấm vuông nhạt), BDS (Bắc Đẩu, 8 chấm tròn nhạt), Qzss (QZSS, 1 chấm sao). (Ảnh: NAVIS)

Bộ thu Bắc Đẩu còn bổ sung thêm một thành phần quan trọng trong hệ thống bộ thu NAVISOFT đang được Trung tâm NAVIS phát triển hoàn thiện. NAVISOFT có khả năng hoạt động với tất cả các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS, GLONASS, Galileo và Bắc Đẩu), cũng như có khả năng tiếp nhận thông tin cải chính do hệ thống vệ tinh định vị QZSS của Nhật Bản cung cấp.

Đặc biệt, ngoài chế độ hoạt động từng hệ thống riêng rẽ (stand-alone), NAVISOFT còn được tích hợp khả năng phối hợp đồng thời tín hiệu định vị đến từ các hệ thống này trong các giải pháp định vị hỗn hợp. Đây là tính năng hết sức ưu việt và tiên tiến giúp nâng cao độ chính xác, độ sẵn sàng, tính liên tục và đặc biệt độ tin cậy của giải pháp định vị.

Thiết bị phát wifi nhỏ, nhẹ nhất thế giới

Hôm 25/7, Huawei giới thiệu thiết bị WiFi Di động LTE Category 4 (LTE Cat4) E5372 mới, hỗ trợ chuẩn WiFi 2x2 và hoạt động ở băng tần 5GHz. Với kích thước chỉ là 99mm x 62,2mm x 14,4mm, E5372 là thiết bị WiFi di động LTE Cat4 nhỏ và nhẹ nhất trên thế giới.

Cung cấp tốc tộ tải dữ liệu mạng LTE vượt trội tới 150Mbps và với năng lượng pin tới 6 giờ, E5372 có thể hỗ trợ kết nối đồng thời 11 thiết bị truy cập WiFi tới mạng LTE.

“Thiết bị E5372 mới tái khẳng định vị thế của Huawei là một người tiên phong trong ngành công nghiệp LTE toàn cầu và bổ sung vào danh sách các sản phẩm tầm cỡ thế giới một thiết bị WiFi di động LTE Cat4 nhỏ nhất” - ông Wu Shimin, Chủ tịch Dòng sản phẩm Băng rộng Di động của Huawei Device nói.

Thiết bị phát wifi nhỏ, nhẹ nhất thế giới
Ảnh: Huewei.com

Chỉ nặng 130g, thiết bị E5372 thực sự dễ dàng sử dụng mọi lúc mọi nơi, giúp truyền tải dữ liệu video nhanh hơn và kết nối đồng thời tới 11 người sử dụng, với tầm phủ sóng được mở rộng tới 100m. E5372 giúp tiết kiệm chi phí tải dữ liệu mạng với tính năng tự động offload có thể chuyển sang một kết nối WiFi bảo mật ngay khi có thể. Thiết bị này cũng được trang bị 2 giao diện ăng-ten ngoài giúp người dùng tăng cường trải nghiệm vô tuyến ngay cả trong những khu vực sóng yếu.

Với tính năng Mobile Control 2.0 được cập nhật của E5372, bạn có thể kiểm soát, truy cập, thay đổi sử dụng và cài đặt tùy chọn từ xa qua thiết bị cầm tay hay máy tính bảng. Thiết bị này cũng được tích hợp tính năng SMS và tính năng chia sẻ số bảo mật (secure digital - SD) giúp người dùng chia sẻ các file hình ảnh, văn bản, âm nhạc và video từ thẻ SD qua kết nối WiFi.

Thời gian chuyển đổi chưa đến 5 giây và sử dụng pin 1780mAh đầy sức mạnh, E5372 nâng cao khả năng di động và hoạt động độc lập để bạn có thể sử dụng liên tục ngay cả trong trường hợp không có nguồn điện. Để bảo đảm các thiết bị di động của bạn luôn có nguồn điện, E5372 cũng được trang bị pin dự phòng và tính năng sạc pin, cho phép bạn có thể sạc điện cho thiết bị cầm tay hay máy tính bảng của bạn khi di chuyển.

Với khả năng tối ưu hóa năng lượng từ các công nghệ Collaborative Power Control (CPC), Connected Discontinuous Reception (CDRX), và Average Power Tracking (APT), E5372 giúp giảm mức năng lượng tiêu thụ tới 30%.

Thiết bị E5372 hiện có màu trắng và sẽ được công bố tại các thị trường Italy và Saudi Arabia trong tháng này. Các thị trường khác sẽ có sự hiện diện của sản phẩm này sau đó.

Súng trường 3D gãy đôi khi nhả đạn

Súng trường nòng 5,6 ly được làm phần lớn bằng nhựa đúc từ máy in 3D có thể khai hỏa thành công, nhưng sau đó gãy đôi.

Chưa đầy 2 tháng sau khi có người tại Mỹ trình làng khẩu súng ngắn đầu tiên in bằng máy 3D, đến lượt một người ở Canada, chỉ tiết lộ tên Matt, chế tạo súng trường cũng bằng phương pháp tương tự.

Đài NBC News đưa tin Matt, người ở bang British Columbia, đã mất gần 27 giờ để in các bộ phận của súng, và tốn đến 3 ngày để lắp khẩu súng đặc biệt.

Súng trường 3D gãy đôi khi nhả đạn
Khẩu súng trường đầu tiên in bằng phương pháp 3D - (Ảnh: YouTube)

Cụ thể, anh mất 13 giờ in thân súng, nòng tốn 6 giờ rưỡi, báng súng 5 giờ và in các bộ phận bên trong mất thêm 2 giờ nữa.

Khi nổ súng, nòng bị toạc đôi và thân súng nứt một đường dọc phía trên, nhưng đạn vẫn nhả thành công.

Matt cho hay đang thiết kế lại và sẽ thử bắn một lần nữa.

Chuyện in súng bằng máy 3D là một chủ đề gây tranh cãi, và một số nghị sĩ Mỹ đang nỗ lực vận động thông qua luật cấm hành vi này.

Hình xăm chống quá sức

Hình xăm cảm biến sinh học được thiết kế để ngăn chặn tình trạng vận động viên kiệt sức quá độ, bằng cách đo hàm lượng lactate trong mồ hôi tiết ra.

Bất cứ vận động viên nào, đặc biệt là người chạy bộ, cũng biết về tình trạng “đụng tường”, tức thời điểm khi năng lượng tuột dốc và không thể nào tiếp tục thi đấu được nữa.

Điều này diễn ra khi các hàm lượng chất gọi là lactate tăng vọt trong cơ thể, gây mệt mỏi.

Hình xăm chống quá sức
Cảm biến sinh học dưới dạng hình xăm để đo lượng lactate - (Ảnh: American Chemical Society)

Do đó, một nhóm các chuyên gia, dẫn đầu là Giáo sư Joseph Wang của Đại học California tại San Diego (Mỹ), đã thiết kế một cảm biến sinh học hóa điện, cấu trúc linh hoạt, cho phép vận động viên mang trên người như hình xăm tạm thời, theo trang tin Gizmag.

Khi dán lên da, cảm biến sẽ liên tục đo hàm lượng lactate trong mồ hôi được tiết ra khi vận động.

Kết quả thử nghiệm trên những người tình nguyện cho thấy cảm biến mới hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là khi dùng để đo trong lúc vận động.

Các phương pháp đo hàm lượng lactate hiện nay khó thực hiện, cần lấy mẫu máu mà lại không cho kết quả ngay tức thời.

Trong lúc tập luyện hoặc thi đấu, khi cơ bắp cần nhiều năng lượng hơn khả năng cung cấp của cơ thể, đó là lúc a xít lactic và lactate sản sinh.

Cảm biến mới có thể cho phép vận động viên biết được khi nào cơ thể gần đến mức tới hạn để có sự điều chỉnh tương ứng.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Tàu vũ trụ mới của Inmarsat vào quỹ đạo

Tổ chức vệ tinh di động quốc tế Inmarsat có trụ sở tại London vừa phóng tàu vũ trụ mới nhất Alphasat 1-XL vào quỹ đạo.

Tối 25/7, tàu vũ trụ Alphasat 1-XL được đưa vào quỹ đạo bởi tên lửa Ariane 5, tại sân bay vũ trụ Kourou, Guiana, Pháp. Alphasat nặng 6,6 tấn là sản phẩm hợp tác giữa Inmarsat và Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA).

Tàu vũ trụ mới của Inmarsat vào quỹ đạo
Vệ tinh nhân tạo mới của Inmarsat kết hợp nhiều công nghệ mới - (Ảnh: BBC News)

Ngoài mục đích thương mại, Alphasat đóng vai trò tiên phong trong việc thử nghiệm tàu vũ trụ hạng nặng mới, làm tiền đề cho các nhà sản xuất châu Âu chế tạo tàu vũ trụ viễn thông nặng đến 8,8 tấn. Đồng thời Alphasat còn xác nhận các thiết bị đầu cuối bằng laser qua việc nhận những hình ảnh được truyền từ radar tàu vũ trụ Sentinel-1a của EU, sẽ ra mắt vào năm tới.

Nổi bật nhất, tàu vũ trụ mới được trang bị bộ vi xử lý tín hiệu kỹ thuật số tiên tiến liên kết với phần mềm thông minh 11m bởi hệ thống angten 13m, giúp truyền tín hiệu băng thông quan trọng và mạnh đến các địa điểm cụ thể trên mặt đất.

Vệ tinh này còn đảm bảo sự phân bổ tần số vô tuyến băng L của Inmarsat một cách hiệu quả nhất có thể. Nó cũng đáp ứng những nhu cầu khác nhau của khách hàng, thu hút sự quan tâm của các công ty TV lớn, hàng hải, hàng không, các lực lượng vũ trang hoặc một nhóm bất kỳ sử dụng viễn thông tại các vùng sâu vùng xa.

Được biết, Inmarsat đã đầu tư khoảng 240 triệu bảng Anh cho dự án này. Esa tốn khoảng 320 triệu bảng Anh và Cơ quan không gian Pháp cũng tốn một số kinh phí đáng kể.

Thiên thạch khiến Mặt trăng hủy diệt Trái đất?

Các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho nghi vấn: Liệu tiểu hành tinh có thể làm lệch quỹ đạo của Mặt trăng làm nó va vào Trái đất khiến hành tinh của chúng ta chịu thảm họa hay không?

Thời gian qua, chủ đề thiên thạch gây họa cho Trái đất đang khiến dư luận rất quan tâm. Trong lúc con người chưa thể có giải pháp cho những viên đá trời khổng lồ khi chúng lao vào hành tinh xanh, thì nhiều người đã vội cảnh báo một nguy cơ khác. Đó là việc thiên thạch va chạm với Mặt trăng khiến Trái đất chịu hậu quả thảm khốc.

Một số người cho rằng nếu có một vật thể lớn va vào Mặt trăng, nó sẽ làm thiên thể này lệch hướng đâm vào Trái đất như những quả bóng trên bàn bi-a. Liệu điều đó có thể xảy ra trong thực tế?

Lý giải về vấn đề này Gareth Wynn-Williams, nhà thiên văn học tại Đại học Hawaii (đảo Hawaii, Mỹ) tin rằng, nếu một tiểu hành tinh đâm vào Mặt trăng thì nó chỉ có thể để lại trên bề mặt hành tinh này một vết lõm mà thôi.

Thiên thạch khiến Mặt trăng hủy diệt Trái đất?
Ảnh: wallpaperstock.net

Trong khi đó Clark Chapman, nhà khoa học về hành tinh tại Viện Nghiên cứu Tây Nam (bang Texas, Mỹ) cho biết, phải là một vật thể dày đặc, có kích cỡ như Mặt trăng trở lên mới có thể dịch chuyển được Mặt trăng. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra, thì Mặt trăng sẽ bị phá hủy.

Trong vòng bán kính 96km xung quanh quỹ đạo của Mặt trăng không có tiểu hành tinh nào lớn hơn nó nên các nhà khoa học chú ý tới tiểu hành tinh lớn nhất – Ceres, có đường kính 965km. Nếu Ceres trượt ra khỏi vị trí của nó trong vành đai tiểu hành tinh và hướng tới Mặt trăng thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Theo Wynn-Williams, điều này rất khó xảy ra bởi Mặt trăng quay quanh Trái đất với vận tốc khoảng 1km/s với đà quỹ đạo hoàn hảo.

“Rõ ràng tới nay, Mặt trăng vẫn nằm ở vị trí của nó, vậy điều gì có thể khiến nó hướng về phía Trái đất? Ít nhất phải có vật thể có kích thước và mật độ giống Mặt trăng, va vào nó với cùng vận tốc và ngược hướng quỹ đạo. Vụ đụng độ đó có thể ngăn cản đường đi của Mặt trăng và khiến nó rơi xuống Trái Đất”.

Theo chuyên gia này, việc Mặt trăng lao vào Trái đất là rất khó xảy ra. Khả năng lớn hơn là một vụ va chạm cực mạnh sẽ khiến thiên thể này bị thay đổi quỹ đạo theo hướng gần Trái đất hơn. Điều này nghe có vẻ vô hại những thực ra nó sẽ khiến cư dân Trái đất khốn đốn không kém gì một thảm họa thiên thạch đâm vào Trái đất.

“Nếu quỹ đạo mới khiến khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất chỉ còn một nửa, lực hút thủy triều sẽ tăng lên tới 8 lần. Kết quả là, nước biển dâng cao, nhấn chìm nhiều lục địa trên hành tinh của chúng ta", ông Wynn-Williams kết luận.

Tàu vận tải “Tiến bộ M-20M” kết nối với Trạm ISS

Ngày 28/7, tàu vận tải vũ trụ "Tiến bộ M-20M" không người lái của Nga đã kết nối tự động thành công với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong chế độ bình thường.

Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos cho biết sau khi được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, tàu "Tiến bộ M-20M" chỉ mất 6 tiếng để bay tới trạm ISS theo “sơ đồ ngắn".

Tàu vận tải “Tiến bộ M-20M” kết nối với Trạm ISS

Tàu này chở khoảng 2,5 tấn đồ tiếp tế cho ISS, bao gồm nhiên liệu, thực phẩm, nước, hoa quả tươi, bình oxy và thiết bị khoa học.

Đặc biệt, các nhà du hành vũ trụ trên ISS còn được nhận thư từ và quà của gia đình, trong đó có cả món quà sinh nhật cho nhà du hành người Nga Pavel Vinogradov, người sẽ tròn 60 tuổi vào ngày 31/8 tới và ông cũng trở thành nhà du hành vũ trụ cao tuổi nhất trong lịch sử chinh phục không gian.

Đề án "Sơ đồ ngắn" được thử nghiệm với tàu chở hàng và sau đó bắt đầu được sử dụng trong chuyến bay có người lái của tàu vũ trụ "Liên hợp".

Sau khi Mỹ dừng chương trình tàu con thoi vào năm 2011, tàu vũ trụ "Liên hợp" của Nga trở thành phương tiện duy nhất đưa các nhà du hành lên ISS. Tàu "Tiến bộ" là phiên bản tàu vận tải không người lái của Liên hợp, chuyên đưa đồ tiếp tế lên trạm vũ trụ.

Sâu lạ tấn công khiến dân hoang mang

Hàng chục nghìn người dân các thôn 4, 5, 6 xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, Quảng Nam lo lắng khi hàng đàn sâu lạ không chỉ tấn công ruộng đồng mà còn bò vào nhà sau một trận mưa lớn.

Đàn sâu này xuất hiện dày đặc trên các thửa ruộng bỏ hoang sau trận mưa lớn hôm 25/7. Sau đó đàn sâu lạ này phát triển rất nhanh, ồ ạt tấn công các loại cây trồng và bò vào nhà ở.

Theo mô tả của người dân, đàn sâu lạ này có màu nâu, dài khoảng 2 - 3cm, xuất hiện tràn lan trên các thửa ruộng. Chỉ sau vài ngày, sâu đã ăn trọc những đám cỏ và bắt đầu tấn công vào những nhà dân ở gần đó.

Sâu lạ tấn công khiến dân hoang mang
Người dân tìm cách ngăn đàn sâu tấn công vào nhà. (Ảnh: Thu Phương)

Khi sâu lạ xuất hiện, nhiều diện tích hoa màu bị sâu ăn trụi. Người dân cho biết, họ chưa bao giờ thấy loài sâu lạ như vậy.

Ông Nguyễn Văn Lanh (80 tuổi) cho biết qua điện thoại rằng cả đời ông sống ở vùng đất này đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh đàn sâu sinh sôi nảy nở dày đặc sau cơn mưa và đàn sâu này rất hỗn ăn. Tất cả các loại cây trồng ngoài ruộng đến vườn nhà đều bị sâu tấn công ăn trụi lá chỉ sau vài đêm.

Bà Trương Thị Miết, nhà ở thôn 4, xã Quế Thuận, cho biết nhà bà nằm gần ruộng lúa. Sau khi sâu dữ ăn sạch mấy sào ruộng lúa bỗng dưng kéo thành đàn tấn công vào vườn ăn trụi tất cả các loại cây trồng.

“Sáng ngủ dậy, cả nhà tui hốt hoảng vì khắp nhà ở đâu cũng thấy sâu bò lổm nhổm. Sâu bò lên tường, ngoài sân… khắp mọi chỗ đều có. Tôi dùng chổi quét lại cũng gần được 2kg sâu chỉ chưa đầy 30 phút. Khổ nỗi là gà vịt cũng chê loại sâu này không thèm ăn”.

Suốt trong mấy ngày qua người dân đã đối đầu với đàn sâu lạ. Nhiều người dân đã mua thuộc trừ sâu về phun để ngăn cản đàn sâu lạ tấn công vào nhà.

Điều đáng quan tâm là với loại sâu này khi gom lại phun thuốc thì sâu mới chết. Còn khi phun liều lượng thuốc sâu mạnh ngoài ruộng lúa hay các loại cây trồng sâu vẫn không chết.


Người dân chưa bao giờ thấy loài sâu lạ như thế này. (Ảnh: Thu Phương)

Được biết, sau khi xuất hiện loài sâu lạ, người dân đã cấp báo chính quyền xã. UBND xã Quế Thuận đã phản ánh lên phòng NN&PTNT huyện. Ông Bùi Tuần, Chủ tịch xã Quế Thuận cho biết: "Xã đã nhận được thông tin từ người dân báo lên là có sự xuất hiện loài sâu lạ. Xác định đây là trường hợp bất thường nên xã đã báo ngay cho Trạm Bảo vệ thực vật huyện về kiểm tra".

Hiện vẫn chưa có kết quả chính thức từ trạm bảo vệ thực vật của huyện. Ông Cao Đức Tân, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Quế Sơn cho biết, không riêng gì tại xã Quế Thuận mà tại các xã Quế Châu, Quế Hiệp cũng xuất hiện loại sâu này.

Ông Tân đưa ra khuyến cáo ban đầu: Đây là loài sâu khoang, loài này gây nguy hại cho hoa màu nhưng ít gây hại trên cây lúa. Nếu sâu tấn công vào hoa màu, người dân nên mua thuốc Krate2.5EC, Regent800 hoặc Phadan95 để phun. Trường hợp sâu bò vào nhà, người dân dùng vôi rắc để ngăn không cho sâu bò vào.

Lòng đất sẽ không có "bí mật"

Các kỹ sư Matxcơva nói đùa gọi phát minh của họ là “Công cụ hỗ trợ người truy tìm báu vật”. Họ đã thiết kế chế tạo ra georadar - radar xuyên đất thế hệ mới rất nhẹ và có độ nhạy cao. Thiết bị nhỏ gọn "cảm thấy" lòng đất ở độ sâu 20 mét và có thể xử lý các tầng đất phức tạp nhất.

Georadar mới có thể được đeo trong chiếc vali nhỏ. Độ nhạy của thiết bị này là khá cao. Nó có thể dò tìm trong những tầng đất khác nhau – cả tầng đất cát, cả trong tảng đá rất cứng, chẳng hạn, nó có thể "chẩn đoán" đá.

Georadar mới có thể hoạt động trong thời gian 3,5 giờ mà không cần nạp pin. Thiết bị này có thể dò tìm ở độ sâu đến hai chục mét, tùy theo loại tầng đất. Kỹ sư Viktor Kuzmin, một trong những người sáng chế georadar mới, nói đùa rằng, thiết bị này là món quà cho những người truy tìm báu vật, các nhà khảo sát và các nhà khảo cổ. Nó có công suất lớn và có thể sách tay.


Ảnh: undistract.com

Nguyên tắc hoạt động của thiết bị này là rất hoàn hảo: sóng điện từ được phát vào môi trường này hay môi trường khác, rồi phản chiếu từ các đường phân chia giữa những môi trường và vùi. Các tín hiệu phản chiếu được ghi nhận trong georadar.

Thiết bị mới có thể được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Ông Kuzmin cho biết, chúng tôi đã thiết kế geordar trước hết để thực hiện các việc làm công phu nhất: thăm dò các hệ thống liên lạc và cơ sở nằm sâu dưới lòng đất. Ví dụ, các dây cáp, ống dẫn, móng bêtông, khối xây bằng gạch.

Ngoài ra, georadar có thể được sử dụng để lập bản đồ địa chất của các tầng trên đất, xác định ranh giới của cát động, băng và vị trí của nước ngầm. Các nhà thiết kế cho rằng, thiết bị này sẽ giúp cho các nhà địa lý nghiên cứu khí hậu.

Một trong những nhiệm vụ của georadar là thăm dò các tầng đất dưới những con đường: phải biết nơi nào có khoang, nơi nào có những tảng đá lớn. Điều đó giúp sửa chữa đường cũ và xây dựng những đường mới. Một nhiệm vụ nữa là tìm kiếm vật liệu nổ. Ông Viktor Kuzmin nói, georadar có thể dò tìm trong bất kỳ tầng đất, kể cả đất khô và đông lạnh, nó sẽ giúp tiết lộ tất cả các bí mật của lòng đất.

Thử nghiệm ứng dụng của công nghệ hạt nano làm bốc hơi nước

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại đại học Rice đã công bố một phương pháp làm bốc hơi nước bằng các hạt hấp thụ ánh sáng mặt trời. Lúc này, công nghệ đã có thể được dùng để tạo ra các nồi hấp hoạt động bằng năng lượng mặt trời giúp khử trùng trang thiết bị y tế và xử lý nước thải sinh hoạt.

Dự án cũng đã được quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ và hôm nay, theo yêu cầu của chương trình, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thử nghiệm về 2 ứng dụng của công nghệ nói trên.

Như đã đề cập, chìa khóa của công nghệ là các hạt nano có thể làm nóng rất nhanh và bốc hơi nước khi được phơi dưới ánh nắng. Không chỉ với nước ở nhiệt độ thường, công nghệ còn chứng minh được độ hiệu quả khi có thể hoạt động với cả nước đá và đạt được tổng hiệu suất năng lượng đến 24%. Hiệu suất này thậm chí còn cao hơn so với các tấm pin quang điện thương mại thường chỉ có hiệu suất năng lượng khoảng 15%. Mặc dù công nghệ sở hữu tiềm năng để sản xuất điện nhưng các nhà nghiên cứu đã ưu tiên cho các ứng dụng khử trùng và xử lý nước thải sinh hoạt tại những khu vực đang phát triển của thế giới.

Thử nghiệm ứng dụng của công nghệ hạt nano làm bốc hơi nước
Nghiên cứu sinh Oara Neumann (trái) và nhà khoa học Naomi Halas.

"Công nghệ vệ sinh không thật hấp dẫn nhưng nó là một vấn đề lớn liên quan đến sự sống và cái chết của 2,5 tỉ người", Naomi Halas, giám đốc phòng thí nghiệm Nanophotonics (LANP) tại đại học Rice kiêm dẫn đầu dự án cho biết. "Để thực hiện, bạn cần một công nghệ có thể hoàn toàn khác lạ, không quá lớn nhưng phải hoạt động nhanh, dễ sử dụng và không chứa các thành phần nguy hiểm. Hệ thống Solar Steam của chúng tôi có tất cả các yếu tố đó và đây là công nghệ duy nhất mà chúng tôi thấy có thể khử trùng hoàn toàn nước thải".

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm các nồi hấp dùng năng lượng mặt trời cho 2 nội dung thí nghiệm: khử trùng trang thiết bị y tế và xử lý chất thải sinh hoạt. Họ nhận ra rằng nhiệt và áp suất tạo ra bởi hơi nước đủ để tiêu diệt không chỉ hầu hết các vi khuẩn sống kháng nhiệt mà còn bao gồm virus và bào tử.

Oara Heumann - nghiên cứu sinh tại đại học Rice và cũng là người tạo ra các hạt nano hấp thụ ánh sáng cho biết: "Quy trình của chúng tôi rất hiệu quả. Theo yêu cầu của chương trình tài trợ Bill & Melinda Gates, chúng tôi cần phải tạo ra một hệ thống có thể xử lý nước thải sinh hoạt của một gia đình 4 người, 2 lần 1 tuần và các thử nghiệm với nồi hấp đã chứng minh rằng công nghệ có thể đảm nhận được".

Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ hợp tác với công ty xử lý chất thải Sanivation để sớm thực hiện các thí nghiệm khử trùng nước bằng năng lượng mặt trời tại 3 khu vực ở Kenya, châu Phi.

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Vẻ đẹp cơ thể biết chuyển động trong nhiếp ảnh

Những sáng tạo nhiếp ảnh lấy chủ thể chính là cơ thể người, tôn vinh vẻ đẹp và sự kỳ diệu của tạo hóa...

Tôn vinh cơ thể qua nghệ thuật múa

Bằng cách xếp chồng nhiều bức hình chuyển động của các nghệ sĩ - diễn viên múa trong từng màn biểu diễn độc lập, nhiếp ảnh gia Nir Arieli mang đến những bức hình mô tả sống động vẻ đẹp cơ thể người trong sự di chuyển của nghệ thuật múa.

Vẻ đẹp cơ thể biết chuyển động trong nhiếp ảnh

 

  


Vẻ đẹp cơ thể biết chuyển động trong nhiếp ảnh  

Đi tìm vẻ đẹp qua sự chuyển động

Đi tìm vẻ đẹp qua tốc độ chuyển động, hình ảnh về một cô gái trong bộ váy cưới "hư hư, thực thực" mang đến ý tưởng mới về cách diễn tả cái Đẹp. Dự án nghệ thuật của nhiếp ảnh gia người Italia - Giulia Pesarin mang đến câu hỏi về sự chuyển động liệu có ảnh hưởng tới góc nhìn về con người của chính chúng ta. Vậy thì, vẻ đẹp đến từ đâu?

Vẻ đẹp cơ thể biết chuyển động trong nhiếp ảnh

Vẻ đẹp cơ thể biết chuyển động trong nhiếp ảnh

Phản ứng con người khi bị dội nước

Giống như khi bị dội một xô nước lạnh vào người, phản ứng của bạn sẽ thế nào? Bộ ảnh mang tên "Splash" đến từ hai nhiếp ảnh gia David Wile và April Maciborka mang đến điểm nhấn vào khuôn mặt và cơ thể con người khi bị ướt từ đầu đến chân.

Mọi hành động, cảm xúc và trên hết là vẻ đẹp cơ thể được "tôn vinh" khi ống kính "bắt" kịp khoảnh khắc ấn tượng.

Vẻ đẹp cơ thể biết chuyển động trong nhiếp ảnh

Vẻ đẹp cơ thể biết chuyển động trong nhiếp ảnh