Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Diễn đàn học thuật đỉnh cao chưa từng thấy tại Châu Á

Ngày 28/7, những nhà khoa học quốc tế đầu tiên đã có mặt tại Bình Định để tham dự chuỗi sự kiện nằm trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam của GS Trần Thanh Vân tổ chức. Đây được coi là diễn đàn học thuật đỉnh cao chưa từng có tại Châu Á...

>>> Điểm hẹn của khoa học quốc tế tại Bình Định

“Gặp Gỡ Việt Nam” IX kéo dài từ 28/7 đến 17/8 tại nhiều địa điểm ở TP.Quy Nhơn (Bình Định) với 4 hội nghị quốc tế. Trong đó, “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” (từ 11 – 17/8) được chờ đợi là sự kiện quan trọng hàng đầu nhân sự ra đời của Trung tâm quốc tế Gặp gỡ khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) mà GS Trần Thanh Vân từng ấp ủ như một mục tiêu lớn nhất của ông vào những năm cuối đời.

Cho tới chiều 28/7, đã có 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý xác nhận có mặt tại Việt Nam, gồm: GS Jack Steinberger (người Mỹ gốc Do Thái, Nobel 1988); George Smoot (Nobel 2006); David J.Gross (Nobel 2004); Sheldon Lee Glashow (Nobel 1979) và tác giả Nobel 1985 người Đức, GS Klaus Von Klitzing. Ngoài ra, danh sách khách mời danh dự còn có nhà bác học Rolf Heuer - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN); GS Jean - Loup Puget - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Planck; GS Ngô Bảo Châu...

Sáng nay (29/7), tại khách sạn Hải Âu trên bờ biển Quy Nhơn, 80 nhà khoa học quốc tế cùng nhiều chuyên gia trong nước chính thức khởi động “Gặp gỡ Việt Nam” IX bằng 2 hội nghị “Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck”“Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn”. Các hội nghị trên sẽ khép lại vào ngày 3/8.

Trao đổi với PV trước thềm “gặp gỡ”, GS Trần Thanh Vân phấn chấn: Khác biệt lớn nhất so với những sinh hoạt khoa học quốc tế do chúng tôi tổ chức trước đây, chính là quy mô, tầm vóc của sự kiện. Vì lý do sức khỏe, 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel vắng mặt, nếu không chúng ta có đến 7 giải Nobel cùng hội tụ. Ngay ở Pháp - nơi chúng tôi có nửa thế kỷ kết nối những trí tuệ lỗi lạc của khoa học vật lý - một cảnh tượng “nhộn nhịp” như vậy cũng hết sức hiếm hoi. Năm 2009, khi kỷ niệm 20 năm Gặp gỡ Blois, chúng tôi cũng chỉ tập hợp được 6 giải Nobel. Và đó, đến giờ hãy còn là con số “kỷ lục”.

Diễn đàn học thuật đỉnh cao chưa từng thấy tại Châu Á
Có 80 nhà khoa học quốc tế tham dự diễn đàn lần này. (Ảnh: X.N)

Gặp gỡ Việt Nam lần IX không chỉ là diễn đàn học thuật đỉnh cao chưa từng thấy tại Châu Á, mà còn là sự kiện khoa học lớn của cả thế giới. Các nhà bác học đoạt giải Nobel sẽ xuất hiện ngay từ tuần thứ hai để cùng đồng nghiệp điểm lại kết quả đặc sắc nhất của khoa học vật lý trong năm qua. Đặc biệt, ở Hội nghị khánh thành ICISE, công chúng khoa học sẽ được nghe những bài giảng của hai nhà bác học Seldon Glashow và Klaus Von Klitzing; nghe thông báo kết quả nghiên cứu mới nhất về vật lý hạt, vật lý thiên văn - vũ trụ học bắt đầu từ Big Bang (mô hình nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ - chú thích của LĐ) cho đến nay.

Sẽ có nhiều thuyết trình chuyên sâu trình bày tại đây, như: Sự sinh ra và tính chất các hạt boson Higgs; những tìm kiếm về một nền vật lý học mới; hiện tượng luận về vật lý học bên ngoài mô hình chuẩn; sự sinh ra và tính chất của các quark nặng; tia gamma, tia vũ trụ: Khảo sát từ mặt đất và vệ tinh; vật chất tối và năng lượng tối...

Là nhà khoa học nổi tiếng thế giới gốc Quảng Bình, thưa Giáo sư, lý do nào một vinh dự như vậy cùng hoài bão lớn lao của cả đời người được ông dành cho Bình Định?

- Mục đích của Gặp gỡ Việt Nam là kiến tạo không gian hữu ích cho các nhà khoa học trên thế giới gặp gỡ, trao đổi một cách thân tình, gần gũi. Họ cần có nơi để trò chuyện với nhau; có nói chuyện được lâu thì mới nảy nở tình thân. Rồi nữa, đó phải là nơi phù hợp cho những bộ óc lớn nghỉ ngơi, suy tưởng mà không bị chi phối bởi một tác nhân nào khác.

Nếu tôi chọn Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh chẳng hạn, bạn bè khoa học chắc chắn chỉ dành cho tôi chừng 50% thời gian mà thôi. 50% còn lại, mối bận tâm của họ sẽ hướng tới các chuyến thăm thú, làm việc với đại học này, viện nghiên cứu nọ (cười). Khi biết tôi có ý định tìm kiếm địa điểm xây dựng ICISE, nhiều địa phương miền Trung như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, kể cả Quảng Bình - quê hương của tôi - đã lên tiếng ủng hộ, gọi mời. Sở dĩ tôi quyết định dừng lại với Quy Nhơn, Bình Định bởi ở đây, tôi tìm thấy sự đồng điệu, tri âm tri kỷ; thấy được quyết tâm và lòng chân thành.

Tôi thực sự xúc động trước câu nói của ông Vũ Hoàng Hà - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - trong cuộc gặp đầu tiên: “GS đem đến cho chúng tôi cái mà dù có rất nhiều tiền cũng không thể nào mua được”. Các đời lãnh đạo kế nhiệm ông Hà luôn ủng hộ mạnh mẽ dự án của chúng tôi. Chưa đề xuất nào do chúng tôi đưa ra bị chính quyền địa phương lắc đầu từ chối, từ việc cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ công trình điện, nước... Nghĩa tình là vô cùng, không nên quy đổi bằng tiền, cho dù nếu tính ra tiền, nó sẽ là con số rất lớn.

Cũng cần nói thêm, 200.000m2 bờ biển ở phường Gềnh Ráng, Quy Nhơn thực sự là khung cảnh mà chúng tôi đi tìm: Không khí trong lành, thiên nhiên tươi đẹp, cách biệt nhưng không quá xa tiện ích đô thị. Tôi hy vọng có thể khởi tạo, duy trì ở đây mối quan hệ chan hòa và nuôi dưỡng thành công cảm hứng sáng tạo cho các nhà khoa học như đã làm trong các cuộc trượt tuyết, leo núi Alpes ở Châu Âu.

- Xin cảm ơn GS!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét