Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Công cụ bằng xương 51.000 năm tuổi

Người Neanderthal đã tạo những công cụ làm bằng xương cổ xưa nhất châu Âu, và người hiện đại có thể đã học cách làm công cụ này từ họ.

Người Neanderthal là một trong những họ hàng gần gũi nhất với con người hiện đại. Nơi sinh sống của họ là khu vực rộng lớn từ châu Âu đến Trung Đông và Tây Á. Dòng dõi cổ xưa này của loài người tuyệt chủng cách nay 40.000 năm.

Công cụ bằng xương 51.000 năm tuổi
Công cụ xương được tìm thấy. (Ảnh: Abri Peyrony&Pech-de-l'Azé)

Người Neanderthal đã tạo ra những vật dụng như đồ trang trí cơ thể hay lưỡi dao nhỏ. Giới khoa học từng có nhiều buổi tranh luận sôi nổi không biết khả năng này của người Neanderthal phát triển trước hay sau khi tiếp xúc với người hiện đại.

Shannon McPherron, một nhà khảo cổ học tại Viện Max Planck, Đức và các đồng nghiệp phát hiện người Neanderthal tạo ra công cụ làm bằng xương sớm nhất châu Âu có niên đại khoảng 51.000 năm tuổi, trước khi người hiện đại xuất hiện.

Các công cụ xương này tên là Lissoir. Bề mặt của chúng được gọt giũa và làm nhẵn. Giới khảo cổ khai quật mảnh vỡ của 4 công cụ tại hai địa điểm từng là nơi sinh sống của người Neanderthal phía tây nam nước Pháp.

McPherron nói: “Chúng tôi đã tìm thấy những điều mới mẻ về người Neanderthal. Các công cụ bằng xương trông giống như công cụ làm bằng đá dùng để cạo, rạch hoặc sử dụng như rìu tay".

"Họ đã dùng xương sườn, tạo hình chúng thành công cụ giống hệt với các công cụ của người hiện đại tìm thấy 40.000 năm trước”, McPherron nói thêm.

Kết quả trên được đăng trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.

Chưa quyết định được nơi chôn Vua Richard III

Người thân gốc Canada của Vua Richard III, có ADN giúp xác định danh tính của vua Anh, cho rằng di hài của ông này nên được chôn tại Leicester.

>>> Tiết lộ bên trong ngôi mộ của vua Richard III

Ông Michael Ibsen, hiện sống tại Anh, đã đưa ra ý kiến trên sau khi một tòa án tại London ra phán quyết cho phép Liên minh Plantagenet tiếp tục theo đuổi đề xuất về vị trí an táng mới cho thi hài của nhà vua xấu số, theo Postmedia News.

Chưa quyết định được nơi chôn Vua Richard III
Tạo hình Vua Richard III dựa trên xương sọ được khai quật ở bãi đậu xe Leichester - (Ảnh: ĐH Leichester)

Liên minh, bao gồm 15 người tuyên bố có quan hệ họ hàng với Vua Richard, muốn chôn ông này tại York, ở miền bắc nước Anh.

Di hài của vị vua đã được khai quật tại bãi đậu xe ở Leicester, vốn được xây lên nền tu viện là nơi chôn cất thi hài Richard III.

Nhờ vào gene ti thể của Ibsen, vốn là hậu duệ của người chị Vua Richard là Anne xứ York, các chuyên gia của Đại học Leicester mới xác định được danh tính của hài cốt nằm ở bãi xe.

Sau khi biết được hài cốt trên là của Vua Richard III, số danh sách họ hàng của ông này phải lên đến hàng ngàn người, bao gồm Nữ hoàng Elizabeth II.

Tuy nhiên, hoàng tộc hiện tại của Anh không có ý kiến về địa điểm chôn cất mới của Vua Richard III.

Người cổ đại Ai Cập làm trang sức từ thiên thạch

Các nhà nghiên cứu quốc tế vừa phát hiện từ 5.000 năm trước, người cổ đại Ai Cập đã chế tạo đồ trang sức từ những mẩu thiên thạch nhỏ.

Theo trang International Business Times, các chuyên gia ĐH College London (UCL) ở Qatar xác định những đồ trang sức sắt được khai quật vào năm 1911 từ hai ngôi mộ ở làng el-Gerzeh, cách Cairo 43km, được làm từ các mẩu thiên thạch.

Người cổ đại Ai Cập làm trang sức từ thiên thạch
Đồ trang sức làm từ thiên thạch của người Ai Cập từ 5.000 năm trước - (Ảnh: Phys.org)

Người cổ đại Ai Cập đã đập các mẩu thiên thạch sắt này thành những miếng mỏng rồi cuộn chúng vào các ống. Giáo sư Thilo Rehen thuộc UCL cho biết trong những miếng sắt mỏng này chứa hóa chất cobalt và germanium ở mức độ chỉ tồn tại trong sắt thiên thạch.

Chiếu các miếng sắt này bằng tia neutron và tia gamma, các nhà nghiên cứu còn phát hiện hàm lượng nickel, phốt pho cao. Tất cả các bằng chứng đều cho thấy đây là sắt từ thiên thạch chứ không phải là quặng sắt có mặt trên Trái đất.

Khảo sát đăng trên tạp chí Journal of Archaeological Science hôm 20/8 cho biết, những món đồ trang sức này được làm từ năm 3200 trước Công nguyên. Các ống chứa sắt thiên thạch được cài vào một dây chuyền cùng các kim loại và đá quý khác.

Các chuyên gia UCL nhấn mạnh nghiên cứu cho thấy từ hơn 5.000 năm trước, người Ai Cập cổ đại đã làm chủ kỹ thuật xử lý sắt từ thiên thạch, trước khi kỹ thuật nung chảy sắt xuất hiện gần 2.000 năm sau đó. Theo các tài liệu, những bằng chứng đầu tiên của kỹ thuật nung chảy sắt xuất hiện tại Ai Cập vào thế kỷ 6 trước Công nguyên.

Quả địa cầu xưa nhất có vẽ Tân Thế Giới?

Một nhà sưu tập người Áo đã tìm thấy sở cứ để cho đó là quả địa cầu xưa nhất, niên đại 1504, có vẽ Tân Thế Giới, được khắc chi tiết sắc sảo trên hai nửa ráp lại của những quả trứng đà điểu, theo Washington Post.

Quả địa cầu, to bằng trái bưởi dây, được ghi chú bằng tiếng Latinh và có vẽ cả những lãnh thổ được xem là kỳ bí như Nhật, Brazil và Arập. Bắc Mỹ được vẽ như là một nhóm các hòn đảo rời rạc. Trên bờ biển Đông Nam Á, có một câu trơ trọi ghi trên quả cầu ấy: “Hic Sunt Dracones”. “Đây là các con rồng”, một câu rất thú vị”, Thomas Sander, biên tập viên tờ Portolan, tập san của hội Bản đồ Washington, bình luận. Tập san này đã đăng nghiên cứu phân tích đầy đủ về quả địa cầu hôm 19/8 của nhà sưu tập Stefaan Missinne. Trong những bản đồ xưa, bạn có thể thấy hình những con hải quái, đó là một cách để biểu đạt có những thứ tồi tệ ở đó.

Một bản đồ khác hoặc quả địa cầu trên đó xuất hiện câu đặc biệt này khiến ta nghĩ rằng nó là anh em song sinh của quả trứng: quả cầu bằng đồng Hunt-Lenox, niên đại khoảng năm 1510 và đang được lưu giữ bởi bộ phận Sách quý của thư viện công cộng New York. Trước quả trứng, quả cầu bằng đồng được coi là quả cầu xưa nhất có phần Tân Thế Giới. Cả hai có những tương đồng đặc biệt.

Sau khi so sánh hai quả cầu, Missinne kết luận rằng quả cầu Hunt-Lenox là một mẫu đúc từ quả trứng đà điểu chạm khắc. Nhiều chi tiết chi li, như những đường vẽ và đường phân các lãnh thổ, các đại dương, chữ viết của quả trứng phù hợp với những thứ ấy trên quả cầu Hunt-Lenox đã được nghiên cứu kỹ.

Hình quả trứng hơi không đều, trong khi quả cầu bằng đồng là một hình cầu hoàn hảo. Các đánh dấu về đường xích đạo của quả trứng, nơi mà hai nửa quả trứng được ráp lại có vẻ hơi rối.

Missinne lập luận rằng quả trứng bị co nhót và biến dạng theo thời gian, và ông xác nhận rằng có một sự sụt giảm về mật độ khi dùng sóng quét để tính toán. Ông cũng cho rằng cả hai nửa quả trứng được tạo mẫu riêng biệt, và sau đó được ráp lại với một loại keo làm mờ những nét khắc quanh đường xích đạo.

Quả địa cầu xưa nhất có vẽ Tân Thế Giới
Đây là Bắc Mỹ, chỉ có hai hòn đảo nhỏ chừng như nằm giữa một đại dương vô tận. (Ảnh: Hội bản đồ Washington)

Quả trứng, vẫn chưa biết chủ là ai, được một nhà buôn chào bán tại Hội chợ bản đồ London vào năm 2012. Ông này cho rằng nó là một phần của một bộ sưu tập châu Âu quan trọng hàng nhiều thập kỷ nay, theo Missinne. Theo đó, Missinne - một nhà phát triển dự án bất động sản gốc Bỉ, đã tham khảo hơn 100 học giả và chuyên gia để viết nghiên cứu phân tích quả cầu mất cả năm trời.

“Ông ta đã bỏ ra năm năm nghiên cứu để dồn vào một năm viết phân tích”, Sander - người gọi cuộc hành trình của Missinne là một “câu chuyện khám phá khó thể tin được”.

Missinne, 53 tuổi, phát triển niềm đam mê nghiên cứu các đồ vật quý và hương xa từ 20 năm nay, khi ông mua một bản đồ xưa đầu tiên – một bản đồ bằng đồng thế kỷ 18 chạm khắc miền Bắc Đức – mà không biết nguồn gốc của nó và bắt đầu điều tra tìm hiểu. “Từ các bản in và bản đồ, bạn tiến dần đến quả cầu, rồi từ các quả cầu bạn tiến đến những vật thủ công khác trong đó có những đồ vật trang trí nội thất như quả cầu trứng đà điểu”, ông nói.

Missinne đoán rằng quả trứng có thể có những quan hệ lỏng lẻo với xưởng vẽ của Leonardo da Vinci, dựa trên bản khắc một chiếc tàu trên Ấn Độ Dương giống với chiếc tàu mà một nghệ sĩ thân với Leonardo khắc.

Quả trứng không có tên khắc trên đó, nên người chế tác không biết là ai. Nhưng Sander nghĩ rằng ai đó thời da Vinci từ kiến thức được củng cố bởi những nhà du hành đồng đại, và đã chế tác quả cầu cho một gia đình quý tộc Ý.

“Vào thời đó, đà điểu là con vật to tát để các nhà quý tộc nuôi nó sau vườn nhà”, Sander nói.

Quả cầu chuyển từ nhà này sang nhà khác và sau Thế chiến 2, như nhiều đồ mỹ nghệ khác, nó được bán đi vào những lúc kinh tế khó khăn, Sander và Missinne đồng quan điểm.

“Vật này đến từ đâu cần làm rõ”, Chet Van Duzer thuộc thư viện John Carter Brown Library ở thủ đô Providence, đảo Rhode, một chuyên gia về bản đồ học thời Phục hưng. “Đó là một khám phá kịch tính, đương nhiên, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải có nhiều khảo nghiệm hơn nữa”.

John W. Hessler, thư viện Quốc hội Mỹ, cho rằng ông thấy “một đôi dấu hiệu quan trọng nổi lên” trong khi đọc nghiên cứu của Missinne. Ông đã nghe từ một số nguồn tin rằng Missinne chính là ông chủ vô danh của quả cầu, khiến cho có một xung đột về lợi ích, và Missinne đang làm giá tầm quan trọng về khám phá của mình.

Missinne từ chối bình luận việc làm sao ông sở hữu quả cầu.

(Tân Thế Giới: Christoph Columbus đỗ thuyền lần đầu tiên ở quần đảo Bahamas thuộc Tân Thế Giới năm 1492, mà ông tưởng là Nhật).

Robot Tò Mò chụp ảnh hai mặt trăng của sao Hỏa

Mới đây, robot tự hành Curiosity (Tò Mò) đã chụp được những bức hình cho thấy hai mặt trăng của sao Hỏa là Phobos và Deimos và gửi về Trái đất.

Theo tạp chí Forbes, robot Tò Mò đã chụp 41 bức ảnh hai mặt trăng Phobos và Deimos vào ngày 1/8. Phải mất một tuần các bức ảnh mới được chuyển về Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Đây là lần đầu tiên NASA chụp được ảnh hai mặt trăng của sao Hỏa.

Robot Tò Mò chụp ảnh hai mặt trăng của sao Hỏa
Ảnh hai mặt trăng nhìn từ bề mặt sao Hỏa - (Ảnh: Forbes)

Trong các bức ảnh, mặt trăng Phobos trông lớn hơn rất nhiều so với Deimos và che khuất một phần Deimos. Trên thực tế, Phobos chỉ to gấp đôi Deimos nhưng khoảng cách từ Phobos đến sao Hỏa gần hơn nhiều so với Deimos. Do đó, Phobos trong ảnh trông lớn hơn.

Nhà thiên văn học Asaph Hall phát hiện hai mặt trăng của sao Hỏa vào năm 1877. Giới khoa học hiện tại cho rằng thực tế là hai thiên thạch bị lực hấp dẫn của sao Hỏa hút lại. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, hai mặt trăng này là những phần của sao Hỏa bị tách ra khi hành tinh đỏ va chạm với một thiên thể.

Điều thú vị là hai mặt trăng của sao Hỏa được tiên đoán trong sách khoa học viễn tưởng. Năm 1726, nhà văn Jonathan Swif khi viết tác phẩm Gulliver du ký đã đề cập đến hai mặt trăng của sao Hỏa. Trong truyện ngắn Micromegas viết năm 1750, nhà văn Voltaire cũng nói về hai mặt trăng này.

Mặt trăng Phobos chỉ rộng khoảng 11,2km, di chuyển trên quỹ đạo cách bề mặt sao Hỏa khoảng 5.954km và dần dần chuyển về phía hành tinh đỏ. Các chuyên gia dự báo trong khoảng thời gian 50 triệu năm, Phobos sẽ đâm vào sao Hỏa.

Ngược lại, mặt trăng Deimos chỉ rộng 6,4km, di chuyển cách sao Hỏa 19.955km và đang di chuyển xa dần hành tinh đỏ.

Mảnh thiên thạch trị giá 330 triệu đồng

Mảnh thiên thạch rơi xuống thành phố Chelyabinsk, Nga hồi tháng Hai vừa được một nhà sưu tập người Scotland bán đấu giá tại Anh.

Ngày 15/2, một thiên thạch nặng hơn 10.000 tấn với đường kính 16,7m đã bốc cháy và phát nổ ngay trên bầu trời Chelyabinsk. Với tốc độ hơn 30km/s nên khi bay qua tầng khí quyển, sức công phá của vụ nổ thiên thạch tương đương 20 lần quả bom nguyên tử đã rơi xuống Hiroshima hồi năm 1945. Dư chấn của vụ va chạm đã khiến 1.500 người bị thương, một nhà máy bị và nhiều căn nhà bị chôn vùi trong đống đổ nát.

Mảnh thiên thạch trị giá 330 triệu đồng
Một mảnh thiên thạch rơi xuống thành phố Chelyabinsk trên tay cô gái người Nga

Tuy nhiên vụ nổ thiên thạch đã giúp những người như Rob Elliot trở nên giàu có. Rob Elliot đã được những mảnh thiên thạch tại Chelyabinsk và vận chuyển chúng bất hợp pháp ra khỏi nước Nga. Đây là những mảnh thiên thạch duy nhất trong sự kiện tại Nga đang được bán đấu giá ở Anh.

"Bất cứ người nào mang các mảnh thiên thạch ra ngoài nước Nga đều bị bắt. Do đó tôi đã trộn những mảnh thiên thạch với những bảng linh kiện điện tử và ngụy trang trong gói bưu kiện để chuyển ra nước ngoài", Elliot nói.

Thiên thạch Chelyabinsk mà Elliot bán tại cuộc đấu giá lần này có trọng lượng 27,1g và được định giá khoảng 400 đến 600 bảng Anh (tương đương 13,2 đến 19,8 triệu đồng).

Mảnh thiên thạch trị giá 330 triệu đồng
Thiên thạch đắt giá Hambleton có hoa văn rất đẹp bên trong

Ngoài thiên thạch Chelyabinsk, Elliot còn mang tới phiên đấu giá tại Anh mảnh thiên thạch cực hiếm Hambleton. Viên Hambleton của Elliot có trọng lượng 2.900g và được định giá khoảng 7.000 đến 10.000 bảng Anh (tương đương 231 tới 330 triệu đồng).

Mảnh thiên thạch Hambleton cùng với mảnh thiên thạch Chelyabinsk và những món hàng còn lại sẽ được công ty chuyên bán đấu giá thiên thạch Lyon & Turnbull mở bán trong ngày 20/8 tại Edinburg, Anh.

Tranh cãi quanh hành trình của Voyager

Phi thuyền Voyager của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lọt vào vùng không gian liên hành tinh vào năm ngoái, trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên rời khỏi hệ mặt trời, nhưng kết luận này vẫn đang gây tranh cãi trong giới chuyên gia.

>>> Tàu vũ trụ NASA Voyager 1 đến rìa hệ mặt trời

Các nhà khoa học lâu nay vẫn hồi hộp chờ đợi Voyager gửi tín hiệu phát hiện được từ trường di chuyển theo hướng ngược lại so với từ trường của hệ mặt trời.

Tuy nhiên kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy viễn cảnh trên là không chính xác.

Tranh cãi quanh hành trình của Voyager
Voyager 1 và chị em song sinh vẫn tiếp tục cuộc hành trình dài hơi hơn 36 năm qua - (Ảnh: spacetoday.org)

“Chúng tôi cho rằng từ trường bên trong hệ mặt trời và không gian liên hành tinh nằm thẳng hàng đủ để phi thuyền có thể thật sự vượt qua ranh giới mà không cảm thấy sự thay đổi lớn về hướng di chuyển”, theo Reuters dẫn lời nhà vật lý học Marc Swisdak của Đại học Maryland (Mỹ).

Điều này có nghĩa là Voyager trên thực tế đã đi vào không gian liên hành tinh vào hè năm ngoái sau khi nó phát hiện được tình trạng sụt giảm bất ngờ của các hạt điện tích xuất phát từ hướng mặt trời, và sự gia tăng tương ứng của các tia vũ trụ đến từ không gian ngoài hệ mặt trời, theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng Voyager thực sự lập được kỳ tích, trở thành phi thuyền đầu tiên vượt ranh giới của hệ mặt trời.

Trưởng nhóm sứ mệnh Voyager Edward Stone, giờ đã về hưu, cho hay kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Swisdak khá thú vị, nhưng những mô hình máy tính khác lại cung cấp các viễn cảnh hoàn toàn khác khi giải thích dữ liệu của Voyager.

Ông Stone và các nhà khoa học khác cho rằng Voyager đang ở trong khu vực chưa từng được biết đến, gọi là “đường cao tốc từ”, nằm giữa nhật quyển và không gian liên hành tinh.

Voyager 1 và Voyager 2 đã lần lượt được phóng vào năm 1977 để phục vụ sứ mệnh nghiên cứu các hành tinh vòng ngoài của hệ mặt trời.

Hiện Voyager 1 được cho ở vị trí cách mặt trời - Trái đất gấp 120 lần, trong khi Voyager 2 đang di chuyển theo hướng khác để ra khỏi hệ mặt trời.