Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE), điểm hẹn phát triển quan hệ hợp tác cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học quốc tế với giới nghiên cứu Việt Nam, được khánh thành và đưa vào hoạt động sáng 12/8.
>>> Điểm hẹn của khoa học quốc tế tại Bình Định
ICISE, do kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng Jean François Milou thiết kế, nằm dọc bờ biển phía đông nam thành phố Quy Nhơn, với diện tích hơn 20 ha. Trung tâm là nơi đào tạo đến trình độ thạc sĩ chuyên ngành (thông qua sự hợp tác của các trường đại học trong và ngoài nước).
Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) được đưa vào hoạt động sáng 12/8. (Ảnh: Trí Tín)
Tại buổi lễ khánh thành trung tâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, phát triển khoa học và công nghệ cùng với giáo dục & đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh,bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam hình thành mạng lưới các tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới; đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với khoa học công nghệ.
"Tôi mong rằng Trung tâm ICISE ra đời sẽ là cầu nối giữa các nhà vật lý Việt Nam trong nước và quốc tế. Sự kiện này đặt thêm dấu mốc quan trọng cho các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học trẻ nói riêng", Phó thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (ngoài cùng bên trái) tặng hoa, quà lưu niệm cho 5 nhà Vật lý đạt giải Nobel cùng giáo sư Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Khoa học "Gặp gỡ Việt Nam", giáo sư Ngô Bảo Châu, người đạt giải thưởng Fields - được xem là giải "Nobel Toán học" năm 2010. (Ảnh: Trí Tín)
Trung tâm có nhiều hạng mục, gồm tòa nhà hội nghị với hội trường lớn, các phòng hội thảo và văn phòng dành cho học tập và nghiên cứu, phòng chiếu thiên văn học, phòng triển lãm, thư viện.
Khu nhà khách của trung tâm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với kiến trúc cột thanh nhã, ngang tầm những hàng dừa, tòa nhà trung tâm nổi bật lên giữa không gian xanh thoáng đãng, bên cạnh là dòng sông hiền hòa, thơ mộng tiếp giáp với bãi biển phía trước.
Trao đổi với PV, giáo sư Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Khoa học "Gặp gỡ Việt Nam" cho biết, trung tâm ra đời nhằm phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế trình độ cao.
Giáo sư Klitzing, nhà vật lý người Đức được trao giải Nobel năm 1985, trồng cây lưu niệm trong khuôn viên trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành sáng 12/8. (Ảnh: Trí Tín)
Nhân dịp này, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, kiến nghị chính phủ, các bộ, ngành trung ương cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ để trung tâm ICISE hoàn thiện xứng tầm là "điểm hẹn" của các nhà khoa học quốc tế.
Sau lễ khánh thành trung tâm ICISE, nhà bác học Rolf Heuer, giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) và giáo sư Jean-Loup Puget, giám đốc Chương trình nghiên cứu Planck, đã thuyết trình với chủ đề "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ". Hai nhà khoa học đã báo cáo về kết quả đặc sắc nhất về vật lý hạt và vật lý thiên văn trong năm vừa qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét