Phi thuyền Voyager của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lọt vào vùng không gian liên hành tinh vào năm ngoái, trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên rời khỏi hệ mặt trời, nhưng kết luận này vẫn đang gây tranh cãi trong giới chuyên gia.
>>> Tàu vũ trụ NASA Voyager 1 đến rìa hệ mặt trời
Các nhà khoa học lâu nay vẫn hồi hộp chờ đợi Voyager gửi tín hiệu phát hiện được từ trường di chuyển theo hướng ngược lại so với từ trường của hệ mặt trời.
Tuy nhiên kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy viễn cảnh trên là không chính xác.
Voyager 1 và chị em song sinh vẫn tiếp tục cuộc hành trình dài hơi hơn 36 năm qua - (Ảnh: spacetoday.org)
“Chúng tôi cho rằng từ trường bên trong hệ mặt trời và không gian liên hành tinh nằm thẳng hàng đủ để phi thuyền có thể thật sự vượt qua ranh giới mà không cảm thấy sự thay đổi lớn về hướng di chuyển”, theo Reuters dẫn lời nhà vật lý học Marc Swisdak của Đại học Maryland (Mỹ).
Điều này có nghĩa là Voyager trên thực tế đã đi vào không gian liên hành tinh vào hè năm ngoái sau khi nó phát hiện được tình trạng sụt giảm bất ngờ của các hạt điện tích xuất phát từ hướng mặt trời, và sự gia tăng tương ứng của các tia vũ trụ đến từ không gian ngoài hệ mặt trời, theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng Voyager thực sự lập được kỳ tích, trở thành phi thuyền đầu tiên vượt ranh giới của hệ mặt trời.
Trưởng nhóm sứ mệnh Voyager Edward Stone, giờ đã về hưu, cho hay kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Swisdak khá thú vị, nhưng những mô hình máy tính khác lại cung cấp các viễn cảnh hoàn toàn khác khi giải thích dữ liệu của Voyager.
Ông Stone và các nhà khoa học khác cho rằng Voyager đang ở trong khu vực chưa từng được biết đến, gọi là “đường cao tốc từ”, nằm giữa nhật quyển và không gian liên hành tinh.
Voyager 1 và Voyager 2 đã lần lượt được phóng vào năm 1977 để phục vụ sứ mệnh nghiên cứu các hành tinh vòng ngoài của hệ mặt trời.
Hiện Voyager 1 được cho ở vị trí cách mặt trời - Trái đất gấp 120 lần, trong khi Voyager 2 đang di chuyển theo hướng khác để ra khỏi hệ mặt trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét